Gần đây chị thường xuyên xuất hiện trước công chúng hơn, chị có thể chia sẻ lý do chị "mất tích" trong thời gian dài vừa qua không?
Mười tám tuổi đăng quang Hoa hậu, lúc ấy tôi chưa có ý thức gì về vẻ đẹp của mình. Không hề biết cách kiểm soát hình ảnh cá nhân. Ba mươi tuổi mới có được phong thái tự tin hơn khi xuất hiện trước người hâm mộ.
Vậy là chị mất rất nhiều thời gian để làm chủ hình ảnh của mình?
Ừ, cái trạng thái tự tin và tự do về tinh thần ấy không dễ dàng mà đạt được. Nó là cả một quá trình trưởng thành.
Liệu "tự tin" có phải là động lực để chị phát ngôn rất mạnh miệng, và chẳng ngại bị ném đá như là “không xứng đáng”, như là “làm xấu mặt”?
Tại sao Hoa hậu lại không được mạnh miệng trình bày những quan điểm của mình? Trong chuyện này tôi chỉ đại diện cho chính tôi, tại sao tôi lại phải đại diện cho tất cả mọi người?
Nhưng rõ ràng sau đó chị cũng đã dùng lời lẽ nhẹ nhàng hơn?
Có lẽ giai đoạn hiếu thắng đã qua. Tôi vẫn nói vậy, trong tranh luận tôi quyết liệt, sắc sảo chứ không đanh đá. Những thứ tôi đưa ra chỉ là một quan điểm cá nhân về một vấn đề nào đó, cũng có khi nó không thuận tai, sẽ tạo ra nhiều chiều tranh luận.
Với sự điềm đạm của 1 người có kinh nghiệm tại thời điểm này, chị sẽ khuyên những cô gái đi thi Hoa hậu điều gì?
Tôi có một vài kinh nghiệm, cả từ góc độ từng là thí sinh, lẫn góc độ từng là Ban giám khảo chấm Hoa hậu: đừng ăn thua quá và hãy chú ý đến thần thái của các bạn. Chấm điểm một Hoa hậu không chỉ ở trong đêm chung kết, vì trong cả quá trình luyện tập Ban giám khảo đã chấm bạn rồi. Tất cả những thí sinh mà sẽ là Hoa hậu tôi thấy họ đều có nét giống nhau, đó là thái độ nghiêm túc. Nghiêm túc với việc tập luyện, với từng ứng xử, những sự kiện lớn, nhỏ. Và sự nghiêm túc này không giả tạo được. Hoa hậu, theo tôi, trước hết phải có ý thức về bản thân.
Lại nói về chuyện ăn thua, đi thi (bất kể thi gì) mà không hừng hực ý chí chiến thắng thì chắc chắn dễ bị nhạt nhòa so với những thí sinh khác?
Dồn hết tâm huyết để làm một việc gì đó đều khiến bạn đẹp lên, nhưng đừng cố gắng đạt được nó bằng mọi giá. Dạo gần đây người ta hay có lý thuyết: cái gì không mua được bằng tiền thì sẽ mua được bằng rất nhiều tiền. Ảo tưởng thôi! Bản thân tôi cũng từng đi thi, từng làm giám khảo, tôi nghĩ quan niệm ấy rất ấu trĩ. Cái gì là giá trị thì vẫn là giá trị.
Sau hai mươi năm đăng quang, chị có còn hào hứng với mỗi cuộc thi Hoa hậu?
Có chứ, xem thi Hoa hậu với tôi là một cái thú. Nếu trực tiếp đi xem, thậm chí còn kích động. Tôi vẫn nhớ mùi khói trong đêm chung kết, nó tạo hưng phấn cực kỳ. Tôi cũng thích quan sát hình ảnh của các người nhà thí sinh. Trăm người trăm vẻ. Có người rất ăn thua. Lại có người vô cùng hồn nhiên, chỉ cần nhìn con đứng trên sân khấu đã tự hào rơi nước mắt.
Vậy đâu là hình ảnh phụ huynh của chị trong đêm đăng quang hai mươi năm trước?
Trong cánh gà tôi tíu tít chuẩn bị, thỉnh thoảng lại nhận được một mẩu sâm be bé bố gửi vào để nhấm cho tỉnh người. Đăng quang xong, bố vẫn chở tôi đằng sau xe máy, không đội vương miện nhưng ôm một ôm to toàn hoa, theo sau là cả một đoàn người. Nhiều người lúc ấy đề nghị chở tôi bằng ô tô nhưng tôi vẫn chọn ngồi sau xe máy của bố. Đi như thế suốt từ Cung Việt xô về Thanh Xuân.
Sau đó, trường tôi tổ chức đón tân sinh viên và chúc mừng Hoa hậu, phó hiệu trưởng mang hai bó hoa lên tặng, tôi một bó và một bó tặng mẹ tôi. Lúc đó mẹ khóc ghê lắm. Tôi nghĩ đó là điều tuyệt vời của một cuộc thi Hoa hậu, nó không chỉ tôn vinh cái đẹp, nó còn tôn vinh công lao sinh thành của các bậc làm cha làm mẹ.
Thắc mắc của tôi và cũng là của nhiều người: làm thế nào mà những trí thức kỹ tính nhà chị đồng ý cho con gái đi thi Hoa hậu?
Giống như nhiều người làm nghiên cứu khác, bố mẹ tôi không mấy mặn mà với những cuộc thi nhan sắc, chỉ sợ con sa đà, lúc ấy ngay cả thi học sinh thanh lịch tôi cũng không được tham gia. Tình cờ một lần gặp bác Mai Nam, bác khuyên tôi nên đi thi Hoa hậu. Tôi chỉ cười cười nghe rồi để đấy. Lần thứ hai gặp lại bác Mai Nam tiếp tục lặp lại yêu cầu này. Tôi bảo: bố mẹ cháu không cho đi, nếu bác thuyết phục được bố mẹ cháu thì cháu thi. Thế mà bác Mai Nam đến nhà tôi thật, hai lần liền. Sau đó nhà tôi họp gia đình. Ông tôi bảo: thôi cứ cho nó đi thi, không hỏng được đâu, dù sao thì nhà mình cũng còn có cái gốc.
Cảm ơn những chia sẻ của chị