Ngày 24-5, Thủ tướng Phạm Minh Chính ký công điện chỉ đạo liên quan tới vụ cháy nhà dân tại hẻm 31, ngách 98, ngõ 43 Trung Kính, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội khiến 14 người tử vong.

Những tiếng kêu cứu vô vọng

Hơn 0 giờ cùng ngày, lửa bùng lên tại căn nhà 3 tầng tại hẻm 31. Ngay khi nhận tin báo, Công an TP Hà Nội điều động cán bộ, chiến sĩ của nhiều lực lượng khẩn trương đến hiện trường phối hợp chính quyền và người dân địa phương tổ chức chữa cháy. Đồng thời, nhiều mũi trinh sát xông lên tìm kiếm, cứu người bị nạn.

Thời điểm này lửa đã bùng phát mạnh, thiêu rụi nhiều xe máy, xe đạp điện, xe đạp tại khu vực sân. Khói và khí độc bao trùm khu vực rộng lớn. Các lực lượng phá khóa cổng chính, đập ô cửa sổ tiếp cận bên trong và kịp thời cứu 7 người mắc kẹt. Đến 1 giờ 26 phút lửa tắt, thống kê sơ bộ có 14 người tử vong.

Ngôi nhà hơn 20 người sinh sống gồm gia đình chủ nhà và người thuê trọ này ban ngày bày biện hàng hóa là thiết bị xe điện, đêm về chật kín xe máy, xe điện. Kể về thời khắc kinh hoàng, anh Nguyễn Vũ Khang (35 tuổi, quê Phú Thọ, thuê trọ ở tầng 2) cho biết khoảng 0 giờ 30 phút, vợ chồng anh đang ngủ thì nghe tiếng hô cháy. Bật dậy đẩy cửa nhìn ra hành lang, anh thấy lửa và khói bốc lên từ khoảng sân tầng 1 kèm nhiều tiếng nổ. Nhà chỉ có lối thoát hiểm là cầu thang bộ, hành lang hở phía trước, ba phía còn lại là tường nhà hàng xóm, phía trên lợp mái tôn bít kín. Trước tình thế này, người vợ vội bàn với anh chạy vào nhà vệ sinh, liên tục lấy khăn thấm nước bịt mũi để tránh ngạt khói. Sau đó, họ được lực lượng chức năng giải cứu, đưa đến bệnh viện.

Vụ cháy rạng sáng 24-5 cướp đi sinh mạng 14 người và làm nhiều người bị thương

Vụ cháy rạng sáng 24-5 cướp đi sinh mạng 14 người và làm nhiều người bị thương Ảnh: HUY THANH

Anh Phạm Nam (sống gần ngôi nhà xảy ra cháy) nói khoảng 0 giờ 30 phút thì nghe tiếng tri hô cháy, lúc này nhiều người dân sống gần đó đều chạy ra ngoài rồi vài phút sau khói lửa nghi ngút. "Bên trong căn nhà có nhiều tiếng kêu cứu nhưng do lửa quá to nên chúng tôi bất lực. Do không gian chật hẹp nên chỉ một số người hỗ trợ chủ nhà phá tường đưa một số nạn nhân ra ngoài" - anh Nam kể.

Là người trực tiếp tham gia cứu nạn, cứu hộ, anh Phan Quốc Việt (Đội trưởng Đội cứu hộ FAS Angel) nhận xét hỏa hoạn hết sức đau lòng. Hiện trường này và hiện trường vụ cháy khiến 56 người tử vong ở phố Khương Hạ, phường Khương Đình, quận Thanh Xuân hồi tháng 9 năm ngoái có nhiều điểm giống nhau là rất khó tìm lối thoát.

Rà soát xong quy định trước ngày 30-7

Trong công điện, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính gửi lời thăm hỏi, chia buồn sâu sắc tới thân nhân, gia đình người bị nạn. Thủ tướng yêu cầu UBND TP Hà Nội chỉ đạo tổ chức thăm hỏi chu đáo, kịp thời động viên, hỗ trợ vật chất, tinh thần gia đình họ. Ngoài ra, phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an chỉ đạo các lực lượng chức năng tập trung khắc phục hậu quả, khẩn trương điều tra nguyên nhân vụ cháy, làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan; xử lý nghiêm vi phạm, nếu có.

Bộ trưởng Bộ Công an và lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương được giao thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các văn bản của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng về công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC). Cùng với đó, rà soát lại các quy định của pháp luật và điều kiện về PCCC liên quan đến việc kinh doanh, cho thuê trọ... báo cáo Thủ tướng trước ngày 30-7.

Lãnh đạo trung ương, bộ, ngành và TP Hà Nội trực tiếp có mặt tại hiện trường, chỉ đạo khắc phục hậu quả vụ cháy  Ảnh: HUY THANH

Lãnh đạo trung ương, bộ, ngành và TP Hà Nội trực tiếp có mặt tại hiện trường, chỉ đạo khắc phục hậu quả vụ cháy Ảnh: HUY THANH

Thủ tướng cũng yêu cầu các đơn vị liên quan khẩn trương kiểm tra, phân loại, có ngay giải pháp về PCCC đối với nhà ở cho thuê trọ. Bên cạnh việc dứt khoát xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, cần đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn kỹ năng PCCC, cứu nạn, cứu hộ cho người dân, nhất là ở các cơ sở có nguy cơ cháy, nổ cao trên địa bàn trong dịp nắng nóng.

Luật cần chặt chẽ hơn

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho hay trước khi bắt đầu phiên họp của Quốc hội, ông đã thông tin tới các đại biểu về hỏa hoạn nhiều mất mát trên. Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã gửi lời chia buồn sâu sắc tới gia đình các nạn nhân.

Ông Trần Quang Phương cho biết theo phản ánh ban đầu, vụ cháy khả năng do chập điện, bình gas, bình khí bên trong nổ. "Có lẽ tới đây, Luật PCCC và Cứu nạn cứu hộ phải quy định chặt chẽ hơn điều kiện kinh doanh trong các ki-ốt; những nơi vừa là nhà ở vừa kinh doanh…" - ông Phương nói.

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cho biết những năm qua tại Hà Nội nhiều vụ cháy liên quan đến nhà trọ mini, khách sạn, chung cư mini... xảy ra do không bảo đảm an toàn PCCC và đây là điều thành phố chưa khắc phục được. Nếu thường xuyên kiểm tra, đánh giá thì sẽ biết để có cảnh báo. Nếu cương quyết trong công tác này thì tất cả nhà trọ, khách sạn, chung cư mini... ở Hà Nội, TP HCM cũng như cả nước sẽ không dám lơ là, từ đó hạn chế những vụ chết người thương tâm.

"Để xảy ra nhiều vụ cháy nghiêm trọng, trách nhiệm đầu tiên thuộc về chủ đầu tư. Tuy nhiên, trách nhiệm của chính quyền địa phương, của đơn vị PCCC cũng rất lớn. Đặc biệt, trong công tác kiểm tra, đánh giá PCCC và đưa ra cảnh báo để người dân nắm được tình hình và phòng tránh cháy nổ" - ông Hòa nói. 

Ngay khi nhận tin cháy, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng; Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương; Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; Thứ trưởng phụ trách Bộ Công an Trần Quốc Tỏ; Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh… tới ngay hiện trường chỉ đạo công tác chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ...

Nhiều nạn nhân qua cơn nguy kịch

Sáng 24-5, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến đến thăm hỏi, động viên và trao quà hỗ trợ các nạn nhân vụ cháy. Bước đầu, Hà Nội hỗ trợ 50 triệu đồng đối với người tử vong, 30 triệu đồng đối với người bị thương.

TS-BS Bùi Sỹ Tuấn Anh, Giám đốc Bệnh viện Giao thông Vận tải, cho biết bệnh viện đã tiếp nhận 6 bệnh nhân của vụ cháy. Trong số này người cao tuổi nhất là cụ bà 84 tuổi đang được điều trị tích cực. Bệnh nhân nhỏ tuổi nhất là cháu bé 11 tuổi. Hiện 5 trong số 6 nạn nhân đã qua cơn nguy kịch.

N.Dung

Nên cấm nhà trọ kết hợp bán hàng hóa

Đại biểu Trịnh Xuân An - Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội - nhận xét ở Hà Nội còn rất nhiều khu vực khác có các công trình tương tự ngôi nhà cháy tại hẻm 31. Theo ông An, phải có giải pháp đồng bộ cả về ngắn hạn, dài hạn, kỹ thuật và mang tính bắt buộc thì mới có thể ngăn chặn nguy cơ hỏa hoạn. Trong đó, chính quyền địa phương nên mạnh tay hơn - nếu rà soát trên địa bàn thấy những công trình tiềm ẩn nguy cơ đe dọa tính mạng người dân thì phải dứt khoát xử lý. Trường hợp nhà không có lối thoát thì phải cưỡng chế, yêu cầu bỏ ngay vật cản hoặc thiết kế thêm lối thoát.

Một nạn nhân đang được điều trị tích cực

Một nạn nhân đang được điều trị tích cực Ảnh: HUY THANH

Tại kỳ họp thứ 7 lần này, Quốc hội sẽ thảo luận về Luật PCCC sửa đổi. Ông An đề xuất nếu cần thiết có thể thiết kế một mục riêng về PCCC đối với loại hình nhà ở. Riêng với loại hình nhà ở kết hợp kinh doanh, phải có phương án, giải pháp PCCC, phải cấm loại hình kinh doanh - nhất là kinh doanh các vật liệu dễ cháy kết hợp phòng trọ.