Trước giờ phát sóng tập cuối cùng của Hoa hồng trên ngực trái, chị Thu Thủy - người đảm nhiệm khâu biên tập, đồng thời là một trong những biên kịch của bộ phim đã có một chia sẻ rất dài trên trang facebook cá nhân. Trong chia sẻ này, bên cạnh việc gửi gắm những cảm xúc cá nhân dành cho dự án sắp kết thúc, biên kịch Thu Thủy cũng đã có câu trả lời chính thức cho rất nhiều thắc mắc, tranh cãi của khán giả thời gian qua, đặc biệt là sau tập 45 nhiều nước mắt vừa lên sóng.
Nói về cái chết của nhân vật Thái, nữ biên kịch chia sẻ:
Đây là phim đầu tiên mà diễn viên gọi điện cho mình, đề nghị cho nhân vật mình sắm vai… được chết. Lúc đó mình đang thực hiện tập 25, anh Quỳnh có gọi điện, hỏi về kết cục của nhân vật Thái. Mình nói, nhân vật của anh về sau đương nhiên trả giá, kết cục thảm hại, mất trắng, không chết cũng đi tù, không đi tù cũng bị điên. Và anh Quỳnh đề nghị mình thử nghĩ về phương án Thái được chết, nhưng chết một cách ý nghĩa.
Và vì thế, dù là 1 trường hợp rất rất hi hữu, mình cũng đã đưa vào trong kịch bản tình huống về tai biến y khoa trong ca mổ tim của Bống. Khi Khuê và bà Hồng đều xin được hiến trái tim mình cho Bống, thì bác sĩ đã nói rằng "Không có một nền y khoa nào chấp nhận việc giết một người để cứu một người". Nhìn Khuê tuyệt vọng đập đầu vào tường để chết, để bác sĩ chấp nhận lấy tim mình, Thái đã có quyết định. Anh cần phải tự chết, để có cơ hội hiến tim cho con mình.
Và vì thế, mình đã quay ngược kịch bản, để cho Thái ở tình thế bệnh nan y. Khi cơ hội sống không còn nhiều, án tử kề sát, việc Thái trao lại sự sống cho con gái, sẽ đỡ đau lòng hơn, và, ở khía cạnh nào đó, theo quan điểm sáng tác của chúng mình, là nhân văn hơn. Để cái chết của Thái, chết không phải là hết. Mà chết, để tái sinh.
Việc Thái tự tử để hiến tim cho con gái, trong phim, anh ta đã đề nghị Bảo và Khang giấu kín mọi chuyện, và khán giả sau cùng cũng không được biết Thái đã chết ra sao. Nói về tình tiết này, biên kịch Thu Thủy chia sẻ: "Mình và anh đạo diễn đã bàn bạc rất lâu về cách thức thể hiện việc Thái tự tử, nhưng rồi, cuối cùng, lại cắt bỏ. Vì sự thương tâm. Và, có lẽ cũng chẳng cần".
Trong suốt hành trình 45 tập đã phát sóng, Hoa hồng trên ngực trái cũng nhận về rất nhiều ý kiến trái chiều, những lời khen tiếng chê, những bình luận "gào thét" rằng phim vô lý, đòi bỏ xem phim... Nói về điều này, nữ biên kịch của hàng loạt tác phẩm ăn khách như Về nhà đi con, Chạy trốn thanh xuân, Ngày ấy mình đã yêu... bày tỏ: "Như mọi bộ phim mình từng tham gia, Hoa hồng trên ngực trái có những khen chê, có những đón nhận và cả hờ hững, có những chờ đợi và có cả dè dặt nghi ngờ. Trong những comment của khán giả, có 1 comment mà mình rất thích, "Phim gì mà vô lí y như ngoài đời thế này", cứ nghĩ đến câu comment ấy mình đều có thể cười và thấy thú vị mãi. Cùng một chi tiết phim, có người bảo vô lí đùng đùng, mà có người lại đứng hình vì thật quá, gần gũi với trải nghiệm của mình quá. Cùng một việc người cha lựa chọn cái chết để cứu con gái mình, người thấy ấm áp tình phụ tử, lại có người bảo quá nhẫn tâm".
"Bọn mình làm nội dung, người làm dâu không phải trăm họ mà đến cả nghìn họ, từ lâu bọn mình đã chấp nhận rằng câu chuyện của bọn mình sẽ không thể làm vừa lòng tất cả, vì thế giới quan và trải nghiệm đời sống của mỗi khán giả là khác nhau. Nhưng, cuộc sống này là thế, khán giả là thế, đa dạng, phức tạp, thú vị, luôn đổi thay, là biến số không lường trước được".
Nữ biên kịch cũng khép lại chia sẻ của mình bằng việc giải thích cái tên nhiều ý nghĩa của bộ phim:
"Tối nay, Hoa hồng trên ngực trái phát tập cuối cùng, cũng là tập có 1 đoạn mà mình rất thích. Vào ngày đặt tay Khuê vào tay Bảo, bà Hồng đã đính một bông hoa hồng trên chiếc váy mà Khuê mặc. Khi Khuê hỏi bà rằng, vì sao lại là hoa hồng, thì người phụ nữ mất mát nhiều nhất trong phim, đã nói:
"Ngày xưa, có lần, mẹ và bố đi xem vở kịch "Tin ở hoa hồng". Giờ mẹ đã quên câu chuyện ấy cụ thể thế nào. Nhưng mẹ nhớ khi bước ra ngoài nhà hát, bố nói, dẫu cay đắng thế nào, thì hãy tin ở cuộc đời, hãy tin ở tình yêu, hãy tin ở hoa hồng... Sau, chính bố phản bội mẹ. Làm lòng tin mẹ tan vỡ. Nhưng sau rất nhiều chuyện, mẹ nhận ra, cuộc đời ngắn ngủi quá. Bố con đã mất. Con trai mẹ cũng đã mất…. Cho dù từng bị phản bội, từng cay đắng... thì, việc chọn thái độ nào với cuộc đời này, vẫn là ở chính chúng ta".
Và bà dặn Khuê rằng.
"Người ta ví phụ nữ như hoa hồng. Người ta ví tình yêu như hoa hồng... Hoa nở thì rồi sẽ tàn. Nhưng quan trọng nhất, là giữ cho bông hoa trên ngực trái con... đừng bao giờ tàn lụi...".
Và, đó là lý do để tên phim là "Hoa hồng trên ngực trái."
Những chia sẻ đầy chân thành của nữ biên kịch nhanh chóng nhận được sự ủng hộ lớn của các diễn viên và cư dân mạng. Bộ phim nào lên sóng, dù ăn khách hay không cũng đều vấp phải những ý kiến trái chiều của người xem, Hoa hồng trên ngực trái cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên, phải khẳng định rằng đây là một tác phẩm đáng xem dành tặng những người phụ nữ, nói lên tâm tư nỗi lòng của rất nhiều người làm vợ, làm mẹ. Bộ phim cũng gửi gắm bức thông điệp rằng đừng bao giờ mất niềm tin vào cuộc sống, dù bạn có là người phụ nữ trải qua đổ vỡ với trăm nghìn nỗi khổ đau, bất hạnh, thì cũng hãy cứ vững tin bước tiếp, vì ông trời không lấy đi hết của ai cái gì, và chỉ cần kiên trì, cố gắng, hạnh phúc luôn mỉm cười ở phía cuối con đường.