Việc những nền văn hóa ở gần nhau về mặt địa lý và có sự giao thoa mạnh mẽ trong quá khứ có nét tương đồng không phải là chuyện lạ. Tuy nhiên, sự tương đồng trong một tục lệ giữa 2 cộng đồng cách nhau cả nửa vòng trái đất thì thực sự hiếm thấy.

Đôi nét về người Ticuna

Ticuna là một bộ tộc bản địa ở Nam Mỹ, hiện thuộc các nước Brazil, Colombia và Peru. Họ là bộ lạc đông dân nhất trong rừng Amazon và còn có tên gọi khác là Magüta, Tucuna hoặc Tikuna. Họ sống trong một vùng đất rất khép kín và cách xa nguồn nước, bị bao xung quanh bởi lãnh thổ nhiều bộ lạc khác.

Vì hoàn cảnh địa lý đó, người Ticuna có nguồn gen và vốn văn hóa rất độc đáo so với các sắc dân còn lại. Rào cản địa lý cũng bảo vệ họ khỏi nhiều biến chuyển của thời cuộc và duy trì được nền văn hóa gốc không bị tổn hại.

Hóa ra không chỉ ở Việt Nam có tục đốt vía cho cô dâu mà một nơi khác cách nửa vòng trái đất cũng làm điều tương tự

Người Ticuna đang tham gia một lễ hội truyền thống.

Ngày nay, người Ticuna đã hội nhập vào cuộc sống hiện đại nhưng vẫn duy trì nhiều nét văn hóa lâu đời. Dù đã ăn vận theo lối quần áo của phương Tây, thỉnh thoảng họ vẫn mặc trang phục truyền thống được làm từ vỏ cây trong các lễ hội hoặc biểu diễn cho du khách. Ngôn ngữ Ticuna được ký âm bằng chữ Latin và họ có truyền thống thờ shaman giáo. 

Đời sống tinh thần của người dân Ticuna khá phong phú. Nhiều câu chuyện cổ và tục thờ thần vẫn được duy trì đến ngày nay. Chẳng hạn, họ tin rằng Ta'e là vị thần bảo hộ và cai quản các mối quan hệ của loài người trên thế gian; bên cạnh đó là nhiều câu chuyện về các vị anh hùng trừ quỷ. 

Tục nhảy qua lửa và nghi lễ Pelazon

Người Ticuna thực hành nghi lễ Pelazon, trong đó các cô gái sẽ tham gia một số hoạt động truyền thống để chứng minh mình đã đến tuổi cập kê. Vào cuối kỳ kinh đầu tiên của mình, các cô gái trẻ sẽ mặc một bộ lễ phục làm từ lông đại bàng và vỏ ốc sên. Sau đó, họ sẽ được sơn cả người màu đen, vén tóc rồi vẽ hình biểu tượng bộ lạc lên đầu.

Hóa ra không chỉ ở Việt Nam có tục đốt vía cho cô dâu mà một nơi khác cách nửa vòng trái đất cũng làm điều tương tự

Một cô gái người Ticuna.

Sau khi chuẩn bị xong, các cô gái sẽ thực hiện nghi lễ nhảy qua một ngọn lửa trong suốt 4 ngày liền. Chỉ khi hoàn thành, họ mới được công nhận là đã trưởng thành và đủ điều kiện kết hôn với một chàng trai ngoại tộc.

Mặc dù có sự khác biệt về ý nghĩa khi tục "đốt vía" của người Ticuna mang biểu tượng của sự trưởng thành về thể xác và tinh thần, không khó để thấy sự tương đồng của nó với tục đốt vía cho các cô dâu trước khi về nhà chồng, vốn là một nghi lễ với niềm tin sẽ loại bỏ những điều không may.

Còn ở đâu có tục lệ tương tự?

Nếu như truyền thống nhảy qua lửa của người Ticuna có sự khác biệt về ý nghĩa với tục đốt vía, thì một nghi lễ tương tự của người Ba Tư cổ vẫn duy trì đến ngày nay sẽ làm bạn bất ngờ.

Theo đó, người Ba Tư cổ (sinh sống tại Iran và một số nước Trung Đông ngày nay) có một nghi lễ tên Chaharshanbe Suri được thực hiện trước thềm năm mới. Theo đó, họ sẽ quây quần lại trước một đống lửa trong ngày tất niên. Khi hoàng hôn buông xuống, mọi người cùng nhảy qua lửa và hát một câu truyền thống. 

Hóa ra không chỉ ở Việt Nam có tục đốt vía cho cô dâu mà một nơi khác cách nửa vòng trái đất cũng làm điều tương tự

Lễ hội Chaharshanbe Suri.

Nghi thức được cho là sẽ thanh tẩy những điều không may còn vướng bận của năm trước để đón mừng những điều tốt đẹp, may mắn cho một năm mới sắp đến.

Nguồn: Historyofyesterday

https://afamily.vn/hoa-ra-khong-chi-viet-nam-co-tuc-dot-via-co-dau-ma-mot-noi-khac-cach-nua-vong-trai-dat-cung-lam-dieu-tuong-tu-20220512180831581.chn