Tôi năm nay 60 tuổi, là giáo viên đã về nghỉ hưu. Ông nhà tôi mất khi con trai bắt đầu vào đại học. Giờ con trai đã là kỹ sư tài năng, nó cũng đã lập gia đình và có một bé trai kháu khỉnh.
Còn nhớ trước đây, mấy bà trong khu phố cứ sang chơi lại tấm tắc khen tôi có số sướng. Trong nhà, mẹ chồng con dâu luôn hòa thuận, chẳng bao giờ nghe thấy tiếng cãi vã nhau. Nghe người ta nói, song tôi suy nghĩ bây giờ mình còn sức khỏe để chăm cháu và làm thêm việc nhà giúp vợ chồng trẻ. Nhưng sau này, nhỡ mà có đau ốm hay bệnh tật thì không biết chúng nó có thèm quan tâm không nữa.
Nói bâng quơ như vậy nhưng thật không ngờ là cái ngày đó lại đến nhanh như thế. Vào đầu năm ngoái, trong một lần bước xuống cầu thang thì đầu óc tôi quay cuồng rồi bị té ngã. Vợ chồng con trai đưa tôi vào bệnh viện thì bác sỹ kết luận tôi bị tai biến cần phải điều trị và chú ý chế độ nghỉ ngơi.
Một tháng sau, tôi được bác sỹ cho ra viện để về nhà an dưỡng. Thấy mẹ trông mệt mỏi và gầy sọp hẳn đi, con trai tôi đã chủ động tuyên bố với vợ rằng từ nay phải để mẹ nghỉ ngơi, chỉ cần chơi với cháu nội, hoặc ngồi đọc báo, nghe nhạc cho khuây khỏa. Còn công việc trong nhà thì vợ phải lo. Thấy con dâu không nói năng gì nhưng gương mặt lại tỏ vẻ khó chịu nên tôi cũng rất buồn.
Tất cả cũng bởi trước đây, những công việc trong nhà đều do tôi đảm đương. Ngày nào, tôi cũng phải dậy thật sớm lo bữa sáng và dọn dẹp mọi thứ. Con dâu thì gần đến giờ làm mới chịu dậy ăn sáng rồi lại vội vã đi làm ngay. Vì thương nó vất vả làm việc nên tôi cũng chẳng bao giờ tỏ thái độ này nọ hay trách móc làm gì.
Ai cũng khen tôi sướng. Trong nhà, mẹ chồng con dâu luôn hòa thuận, chẳng bao giờ nghe thấy tiếng cãi vã nhau. (Ảnh minh họa)
Đến khi tôi bị bệnh, con dâu phải tập cho bản thân thói quen lo toan cho gia đình nên đối với nó thì đó là cả một cực hình. Thay vì cứ ngủ nướng, giờ đây, con dâu phải làm mọi việc mà không được đòi hỏi gì cả. Mặc dù thấy nó không hề ca thán trước mặt mẹ chồng nhưng cái cách nói bóng gió rồi mặt nặng mày nhẹ, hay cau có khiến tôi không khỏi chạnh lòng.
Có hôm vừa dẫn cháu nội chơi bên nhà hàng xóm về, tôi đã thấy hai vợ chồng con trai to tiếng với nhau trong phòng. Nghe con trai bảo vợ nên mua thêm thức ăn để nấu tẩm bổ cho tôi mà con dâu đã nhảy dựng lên trách mắng.
Con dâu cãi lớn: “Anh buồn cười thật, mẹ không kêu thì thôi chứ anh kêu làm gì. Từng ấy thức ăn là tiêu tốn cả đống tiền của người ta rồi đó. Với lại ở nhà, mẹ chỉ có việc ăn với ngủ rồi dẫn cháu đi chơi thôi mà làm gì phải đòi hỏi thế”. Nghe con dâu nói mà tôi thấy chán nản vô cùng. Thật không ngờ nó lại tính toán như vậy.
Biết thế nên đến bữa cơm trưa, tôi chủ động lấy thêm tiền đưa cho con dâu để chi tiêu trong nhà. Vừa chìa tiền ra đã thấy nói hí hửng cầm ngay rồi nói lớn: “Mẹ nên đưa tiền lương hưu để chúng con giữ chứ tiền thuốc thang mỗi tháng của mẹ cứ thâm hụt vào tiền riêng của con mà toàn dùng thuốc ngoại đắt đỏ nữa chứ!”. Thấy vợ nói chướng tai nên con trai tôi cũng đá chân nhắc nhở, còn tôi chỉ biết ậm ừ cho qua chuyện.
Bệnh tật đến thì tôi cũng đâu có muốn đâu, sao nó lại hắt hủi tôi thậm tệ như vậy chứ! (Ảnh minh họa)
Mấy ngày sau khi vừa chuẩn bị xuống ăn sáng, tôi lại thấy con dâu gân cổ cãi lại chồng về chuyện chăm sóc cho tôi. Nó hét lớn vào mặt chồng: “Anh vừa phải thôi, em làm gì mà anh nói thiên hạ bảo em không chăm mẹ chu đáo? Tự dưng đang khỏe mạnh đùng một cái lại lăn ra đau ốm hành hạ con này đủ đường. Em nói thật nếu mẹ không có mấy đồng lương hưu thì miếng da lợn còn không có chứ nói gì là mua thịt thà tẩm bổ nhé!”
Sau lời nói cay nghiệt của con dâu, tôi thấy con trai mình đã đưa tay tát nó một cái vào mặt rồi đùng đùng bỏ đi làm. Trở lại phòng riêng, tôi không khỏi chán nản và tủi hờn. Con dâu tôi sao có thể hỗn hào và coi thường tôi như thế. Bệnh tật đến thì tôi cũng đâu có muốn đâu, sao nó lại hắt hủi tôi thậm tệ như vậy chứ!
Người ta nói mẹ chồng nàng dâu luôn khác máu tanh lòng nhưng đã có ngày nào tôi đối xử với nó tệ bạc chưa? Biết làm gì để nó hiểu và thông cảm cho tôi bây giờ? Tôi không muốn chồng con cái lục đục vì mình thế này một chút nào cả.