Đam mê vì truyền thống
Xuất thân trong gia đình dòng dõi có truyền thống về lĩnh vực hội họa, cậu bé Trần Thế Anh được thừa hưởng gen di truyền, thông minh nhanh nhẹn và khéo tay, hàng ngày họa sĩ nhí luôn say sưa bên cha mình đang tô vẽ những bức ảnh truyền thần để học hỏi.
Họa sĩ 8x chia sẻ về bí quyết gây dựng gia tài bạc tỷ từ tranh sơn mài
Thăm xưởng tranh sơn mài của họa sĩ Trần Thế Anh
Lớn lên ra thành phố học tập và lập nghiệp, ban đầu Thế Anh đi chép tranh thuê cho một cơ sở chuyên cung cấp tranh phong cảnh cho các cửa hàng lưu niệm. Hiện nay, Trần Thế Anh đã trở thành một họa sĩ chuyên nghiệp và nổi danh với những tác phẩm tranh sơn mài.
Họa sĩ Thế Anh chia sẻ, sau nhiều năm tìm tòi, nghiên cứu, anh dành tâm huyết và thả hồn vào lĩnh vực tranh sơn mài vì đây là một trong những dòng tranh có thể lưu giữ được bền lâu mà từ thời các cụ xưa vẫn coi đây là tranh truyền thống.
Trao đổi về nghề, họa sĩ Thế Anh cho hay, để tạo ra một bức tranh là cả quá trình không đo đếm bằng thời gian hay kế hoạch cụ thể nào đó, mà phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết và cả tâm hồn mỗi khi sáng tác.
Theo Trần Thế Anh, thời xưa đã xuất hiện thể loại sơn mài ở Việt Nam (đồ khảm), so với thời nay các họa sĩ trẻ có thêm nhiều chất liệu để sáng tác cho tác phẩm của mình nên xu hướng đang khá phổ biến.
So với các loại tranh khác, tranh sơn mài sử dụng các vật liệu màu truyền thống của nghề sơn như sơn then, sơn cánh gián làm chất kết dính, cùng các loại son, bạc thếp, vàng thếp, vỏ trứng, vỏ trai, vỏ ốc… Tất cả các chất liệu này đang được họa sĩ Trần Thế Anh sử dụng để sáng tác các tác phẩm của mình.
Để thực hiện được một bức tranh phải qua nhiều công đoạn, mỗi một lớp đều phải ủ rồi mài và đặc biệt phụ thuộc vào thời tiết.
Tại xưởng tranh sơn mài và nhà riêng của họa sĩ Trần Thế Anh hiện nay đang có hàng trăm tác phẩm, có những tác phẩm giá trị hàng chục nghìn đô la.
Quan sát có thể thấy, bức tranh cây cầu Long Biên tuy mới hoàn thành 30% nhưng đã hiện rõ các điểm nhấn hình khối, thể hiện rõ giá trị cổ kính và nét nghệ thuật đặc trưng của cây cầu. Tác giả cũng cho biết, đây mới là phần thô của bức tranh, đến khi hoàn thành thì phải qua rất nhiều kỹ thuật, tô điểm thêm nhiều lớp tỉ mỉ từng chi tiết và mỗi lớp đều phải mài công phu.
Tương tự nhìn vào bức tranh sơn mài "Sen tàn" có thể thấy mùa Thu đã tàn với các họa tiết rất chân thực, từ những chiếc lá bắt đầu ngả màu, thân lá đang teo dần làm cho bức tranh rất có hồn… Theo họa sĩ, sự chết không phải là hết, nhìn vào bức tranh này thấy sức sống mãnh liệt của Sen như một khởi nguồn của sự sống và là kiếp luân hồi.
Hay bức ảnh em bé người Mông đang được mẹ trẻ bồng trên tay với ánh mắt hồn nhiên, ngây thơ đều được thể hiện một cách rất chân thực.
Theo họa sĩ Thế Anh, ngoài một số tác phẩm đã có người đặt hàng, với niềm đam mê nghề mỗi lần đi sưu tầm anh đều chọn cho riêng mình một bức ảnh, phong cảnh thiên nhiên hay con người và đời thường rồi tự sáng tác. Ngoài ra nếu người nào đó đặt hàng, họa sĩ có thể làm ra được bất cứ sản phẩm nào mà khách yêu cầu.
Dòng dõi danh giá và gia tài "khổng lồ"
Họa sĩ Trần Thế Anh thuộc thế hệ 8X, ông nội của anh là cố họa sĩ Nam Phong (ở thị trấn Phát Diệm, Kim Sơn, Ninh Bình) là tác giả bức hình "Đức mẹ Việt Nam" nổi tiếng đã được triển lãm ở Roma vào năm 1953. Bức hình mà cố họa sĩ Nam Phong đã ấp ủ từ lâu ý tưởng vẽ hình Đức Mẹ mang phong cách duyên dáng của người phụ nữ Việt Nam.
Cũng vào thời điểm đó họa sĩ Nam Phong mới 36 tuổi, thấy con trai của mình là họa sĩ Hòa Bình (cha của Thế Anh) có năng khiếu hội họa và luôn đứng cạnh học hỏi và xem cha mình vẽ chân dung Bác Hồ, họa sĩ từng bảo rằng:
Vẽ tranh về Bác không đơn giản là đẹp hay xấu, giống hay không mà quan trọng là cái thần, là cảm xúc, là sự kính trọng của chính người vẽ dựa trên hình ảnh chân thực về Bác. Họa sĩ Nam Phong còn dặn con trai là phải vẽ thật vững những ảnh khác thì mới vẽ chân dung Bác.
Sau rất nhiều lần "vẽ đi, vẽ lại" cho đến năm 1971 (lúc đó 16 tuổi) họa sĩ Hòa Bình mới có bức tranh truyền thần đầu tiên về Bác, cha của ông rất khen ngợi.
Những tác phẩm tranh truyền thần được họa sĩ Hòa Bình vẽ chủ yếu trên chất liệu sơn dầu, khổ ảnh trung bình (68 x 88cm), với nhiều đề tài như Bác Hồ với thiếu nhi, Bác Hồ ngồi trên ghế sofa... Đến nay đã có 1.000 bức hình quen thuộc Bác Hồ đang ngồi ghế sofa do họa sĩ Hòa Bình vẽ và được treo ở nhiều trụ sở UBND, cơ quan hành chính và nhiều nơi trang trọng.