Nghe người quen mách đi giác hơi chữa đau mỏi vai gáy, người phụ nữ bị hoại tử nặng
Mới đây, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang thông tin, các bác sĩ khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ của bệnh viện vừa tiếp nhận bệnh nhân Nguyễn Thị Th vào điều trị trong tình trạng bị nhiễm trùng loét có dịch mùi hôi lẫn máu, mủ, bị hoại tử da, viêm tấy lan tỏa vùng lưng, có nhiều giả mạc.
Qua hỏi bệnh, bà Th. cho biết, bà vốn có tiền sử bệnh đái tháo đường týp 2 và tăng huyết áp. Gần đây, bà hay bị đau mỏi vai gáy. Nghe người quen tư vấn đi giác hơi sẽ hết đau vai, gáy nên bà đã đến một cơ sở gần nhà để giác hơi 2 lần.
Lần đầu, bà Th cảm thấy da lưng bị phồng rộp, đau rát. Đến lần đi giác hơi thứ 2 sau đó ít ngày thì các vùng giác hơi phồng rộp mạnh hơn và viêm loét dần, mưng mủ, da thâm đen. Bà ra hiệu thuốc mua kháng sinh về uống khoảng một tuần nhưng không khỏi, các vùng da viêm loét lan rộng, đau rát không chịu được.
Lúc này bà Th mới đến viện khám. Tình trạng của bà ngay lập tức được chỉ định nhập viện để phẫu thuật cắt lọc da căng cơ vì tổn thương đã nặng nề.
Hiện nay, rất nhiều người tin rằng tác dụng của giác hơi giúp giảm đau, viêm, hỗ trợ lưu thông máu, thư giãn… Không chỉ đến các cơ sở trị liệu, nhiều người còn tự tìm mua bộ giác hơi để thực hiện ở nhà. Người ta tin rằng giác hơi giúp làm tăng lưu thông máu đến khu vực đặt cốc, hỗ trợ làm giảm căng cơ, cải thiện lưu lượng máu tổng thể. Từ đó thúc đầy sự hồi phục của tế bào. Chưa dừng lại ở đó, giác hơi cũng có thể giúp hình thành các mô liên kết mới và tạo ra các mạch máu mới trong mô.
Giác hơi – Chuyên gia cảnh báo trước khi làm phải tìm hiểu thật kỹ
Cựu đại tá, lương y đa khoa Bùi Hồng Minh (phó Chủ tịch Hội Đông y Ba Đình, Hà Nội) cho biết, giác hơi là cách dùng hơi nóng tạo thành một áp suất âm trong ống giác, làm ống giác bị hút chặt vào da chỗ giác, từ đó tạo nên những vết giác có cảm giác ấm nóng và hiện tượng xung huyết hoặc tụ huyết để chữa bệnh, giảm mệt mỏi.
Lương y Bùi Hồng Minh
Giác hơi đặc biệt có hiệu quả với người bị cảm, người đang ốm đau sẽ khỏe mạnh. Mục đích chính của giác hơi là đưa máu độc ra bên ngoài giúp khí huyết lưu thông, thông kinh, hoạt huyết, điều trị trong các trường hợp bị cảm, đau nhức cơ thể. Sau khi giác hơi, người bệnh sẽ cảm thấy nhẹ người hơn
Tuy nhiên, vị lương y này cho rằng, mỗi khi bị cảm hay đau nhức, bạn chỉ nên giác hơi 1-2 lần vì nếu lạm dụng sẽ gây nên những tác dụng phụ vô cùng nguy hiểm.
"Phụ nữ có thai nếu sử dụng giác hơi rất dễ bị sảy thai vì hoạt huyết. Đối với những người bị bệnh tiểu đường, tim mạch hoặc mắc các bệnh mãn tính khác muốn sử dụng giác hơi để cảm thấy dễ chịu hơn cũng là điều không nên. Những đối tượng này khi sử dụng giác hơi sẽ không nhận được tác dụng, thậm chí bị chảy máu, mất máu rất nguy hiểm", ông Minh nói.
Ngoài ra, những bệnh nhân bị bệnh ưa chảy máu, sốt cao, co giật, da bị tổn thương, giãn tĩnh mạch, phù toàn thân, lao phổi, thổ huyết, phụ nữ đang trong kỳ kinh nguyệt, người quá suy nhược hoặc cơ thể đang quá đói, quá no, quá khát cũng không được sử dụng giác hơi.
Do đó, theo vị lương y này, trước khi tìm đến giác hơi, bạn cần phải hiểu rõ bản chất những cơn đau nhức và sự mệt mỏi trong cơ thể. Đây là một hình thức để xả hơi, những người yếu do bị bệnh nặng thì không được phép sử dụng. Tốt nhất nên tham khảo ý kiến bác sĩ Đông y trước khi tiến hành giác hơi. Tuyệt đối không được tự ý làm tại nhà mỗi khi đau nhức, tránh những hậu quả không đáng có.