Minh Anh Tông là vị vua hiếm hoi trong lịch sử phong kiến Trung Quốc mà từng ở ngôi vua hai lần. Lần đầu ông lên ngôi từ khi còn nhỏ và ở ngôi cho đến năm 22 tuổi. Sau này, ông lại một lần nữa ngồi vào ngai vàng khi đã 30 tuổi và làm Hoàng đế cho đến khi ngã bệnh, ra đi năm 38 tuổi.
Ông được hậu thế đánh giá là một vị vua chung thủy, có tình nghĩa, nhất là đối với người vợ đầu tiên của mình. Dù sau này bà có trở nên bệnh tật, tàn phế nhưng Minh Anh Tông vẫn giữ ngôi Hoàng hậu cho bà và đối xử với bà càng thâm tình. Thậm chí, trước khi ra đi ông còn hạ lệnh hợp táng cùng bà trong cùng một lăng mộ.
Người phụ nữ đặc biệt này của Minh Anh Tông là ai?
Đó chính là Tiền hoàng hậu, xuất thân từ Tiền thị ở vùng Hải Châu và có cha là một quan võ thuộc hàng Chính nhị phẩm. Bà được tuyển vào cung năm 1444 thông qua kỳ tuyển tú cho nhà vua lúc đó đã 15 tuổi.
Tiền thị được chọn làm Hoàng hậu nhờ nhân phẩm xuất chúng.
Thấy bà là một người dù có xuất thân không nổi bật nhưng nhân phẩm lại xuất chúng nên Thái hoàng thái hậu của Minh Anh Tông là Trương thị đã chọn bà làm chính cung hoàng hậu cho vị vua trẻ tuổi. Đại điển sắc phong nhanh chóng được cử hành hết sức long trọng; về phần nhà vua có được người vợ thông tuệ, hết mực nết na thì rất vui sướng. Hai người sống những ngày tháng tân hôn vô cùng hạnh phúc, vui vẻ.
Một lần, Minh Anh Tông chợt để ý rằng gia tộc của Hoàng hậu đều chỉ giữ những chức quan khá tầm thường, không quan trọng. Thế nên ông muốn cất nhắc, phong tước một số người trong gia tộc Tiền thị để Hoàng hậu được nở mày nở mặt. Thế nhưng khi nhà vua đề cập việc này với Hoàng hậu thì Hoàng hậu ngay lập tức từ chối.
Bà nói rằng, trong gia tộc, chưa ai có công lao, đóng góp to lớn trong triều đình hoặc có tài năng xuất chúng để xứng đáng được phong tước cả. Về sau, nhà vua cũng nhắc lại việc này thêm vài lần nữa và lần nào Hoàng hậu cũng một mực khước từ; qua đó mà Anh Tông càng hiểu thêm về tấm lòng và tính cách công bằng, chính trực của bà. Tình cảm Đế - Hậu từ đó mà càng trở nên sâu nặng, thắm thiết.
Tấm lòng sáng rõ và trái tim nhân hậu của bà khiến nhà vua vô cùng cảm phục.
Như vậy, gia tộc của Tiền Hoàng hậu trở thành một trong những gia tộc ít ỏi của Hoàng hậu triều Minh mà không nhận sắc phong.
Chỉ có một điều đáng tiếc, đó là dù nhà vua hết mực sủng ái và rất mong chờ, tuy nhiên trong suốt thời gian sinh sống cùng nhau, Tiền Hoàng hậu vẫn không thể sinh cho ông một vị hoàng tử nào. Đây là một điều vô cùng hệ trọng vì nó liên quan trực tiếp đến dòng dõi đế vương và sự ổn định, vững chắc của ngai vàng.
Biến cố lớn của cuộc đời, trở nên tàn tật
Trong suốt triều đại nhà Minh, quân Mông Cổ luôn là một lực lượng uy hiếp ở phía bắc lãnh thổ. Các đời vua nhà Minh cũng có nhiều lần phải thân chinh cầm quân xuất trận để bảo vệ bờ cõi trước sự xâm lược của các bộ lạc Mông Cổ.
Đến thời Minh Anh Tông, tình hình quân đội nhà Minh trở nên suy yếu do nguyên nhân từ nhiều phía. Trong lúc đó, bộ tộc Ngõa Lạt - một trong những bộ tộc của Mông Cổ lại dần trở nên lớn mạnh. Nhân lúc tình trạng nhà Minh đang rối ren, thái sư Dã Tiên của tộc Ngõa Lạt đem quân xâm chiếm, nhằm khôi phục lãnh thổ của nhà Nguyên trước đây.
Minh Anh Tông quyết tâm cầm quân ra trận mặc cho lời can ngăn của triều thần.
Dưới sự giật dây của thái giám Vương Chấn, Minh Anh Tông quyết định thân chinh cầm quân ra trận, trực tiếp nghênh chiến với quân Mông Cổ mặc cho sự can ngăn của các đại thần trong triều. Ỷ vào sự tin tưởng của nhà vua với mình, Vương Chấn còn dám tùy tiện chỉ huy quân đội, bưng bít các thông tin quan trọng với nhà vua, dẫn đến việc quân đội nhà Minh chịu thiệt hại nặng nề.
Mãi cho đến khi thấy tình hình chiến sự trở nên vô cùng bất lợi, Vương Chấn bèn tìm cách thoát li khỏi nhà vua; thế nhưng trên đường tẩu thoát, hắn bị quân Mông Cổ bắt được và giết chết. Về phần Minh Anh Tông, ông bị bắt giữ làm tù binh. Sử gọi sự kiện này là Sự biến Thổ Mộc bảo.
Khi nhà vua đã bị bắt và không rõ tung tích, triều đình nhà Minh vô cùng hoảng loạn và rối ren. Để đối phó với tình hình, Tôn Thái hậu lúc đó gấp gáp lập em trai của Minh Anh Tông là Chu Kì Ngọc lên ngôi, tức Minh Đại Tông nhằm ổn định tình hình, tổ chức đánh trả quân Mông Cổ.
Tiền Hoàng hậu ngày đêm cầu nguyện cho trượng phu trở về.
Nhận được hung tin chồng bị bắt làm tù binh, rồi anh và em trai đều bỏ mạng nơi chiến trường, Tiền Hoàng hậu đau đớn gần như chẳng thiết sống. Dù rằng rất muốn cứu chồng và tìm lại người thân nhưng một người phụ nữ yếu đuối trước giờ chỉ giam mình chốn hậu cung thì có thể làm gì? Điều duy nhất mà bà có thể làm đó là ngày ngày quỳ gối trước Phật, thành tâm khẩn cầu hy vọng trượng phu có thể bình an trở về.
Thế rồi mùa đông với cái lạnh cắt da cắt thịt tràn về, Tiền Hoàng hậu vẫn ngày ngày quỳ lạy, ngày ngày hy vọng. Sức khỏe của bà suy giảm đến mức giờ đây hoàng hậu đã chẳng thể tự đứng dậy được. Thế nhưng chưa một ngày nào mà bà ngừng quỳ trước Phật để cầu nguyện. Cứ như vậy, một con mắt và một bên chân của bà trở nên yếu đi và cuối cùng là tật nguyền vĩnh viễn. Năm đó, Hoàng hậu mới chỉ 24 tuổi.
Sau khi quay về, Minh Anh Tông bị em trai, Minh Hiến Tông giam lỏng ở Nam cung.
Có lẽ tấm lòng son sắt, kiên trinh của Tiền Hoàng hậu đã lay động trời xanh nên Minh Anh Tông cuối cùng cũng được quân Mông Cổ trao trả cho nhà Minh. Thế nhưng lúc này, ông bị đặt vào một tình thế vô cùng nhạy cảm khi bản thân cũng là vua mà triều đình đã có một ông vua mới.
Rồi sau đó, Minh Anh Tông bị đưa đến Nam cung, giam lỏng ở đó. Thế là Tiền Hoàng hậu lại tiếp tục dọn đến Nam cung, sống cùng trượng phu thêm vài năm gian khó, thậm chí phải có lúc bán đồ thêu để có tiền sinh sống qua ngày. Thế nhưng dù có khổ, dù nhan sắc có tàn phai, thân thể tàn tật, bà vẫn được trượng phu hết lòng yêu thương, trân trọng. Hai người sống những ngày tháng tuy gian nan mà cũng rất mực hạnh phúc.
Khổ tận cam lai
Một lần nữa, Minh Anh Tông lên ngôi, Tiền thị lại trở thành Hoàng hậu cao quý.
Vài năm sau, Minh Đại Tông bỗng nhiên mắc bệnh và trở nên ngày càng nguy kịch. Trước tình hình đó, một số đại thần trong triều tiến về phía Nam cung, khẩn cầu Minh Anh Tông quay về trị vì đất nước. Thế là một lần nữa, Minh Anh Tông ngồi lên ngai vàng, trở thành Hoàng đế.
Lúc này, nhà vua cần sắc phong một vị Hoàng hậu mới. Mọi người đều nghĩ quý phi Chu thị, người đã sinh ra trưởng tử Chu Kiến Thâm sẽ ngồi lên ngôi vị Hoàng hậu. Thành thật mà nói, so với Tiền thị tàn tật, không sinh cho nhà vua một đứa con nào thì quý phi Chu thị có ưu thế hơn hẳn: không những có nhan sắc mà lại sinh cho nhà vua đến ba hoàng tử, trong đó có Chu Kiến Thâm mà sau này được phong là thái tử.
Tình cảm Đế - Hậu luôn khăng khít, bền vững, sâu sắc
Thật bất ngờ, lúc này Minh Anh Tông vẫn sắc phong cho Tiền thị ở ngôi Hoàng hậu. Với ông, tình nghĩa sâu nặng và tấm lòng sắt son của Tiền thị vượt lên trên tất thảy những tính toán thông thường. Dù rằng bà không có con nhưng sự trân quý của nhà vua dành cho bà chưa khi nào suy chuyển.
Bảy năm nữa trôi qua, Minh Anh Tông cũng dần trở nên yếu đi và ngã bệnh. Có lẽ biết rằng bản thân sẽ không qua khỏi, ông lo lắng cho cuộc sống của Tiền thị khi không còn mình bên cạnh. Vì thế mà ông đã ra chỉ dụ rằng, "Hoàng hậu tha nhật thọ chung, nghi hợp táng", tức là khi bà ra đi thì phải dùng danh nghĩa hoàng hậu mà chôn cùng lăng tẩm với ông.
Sau khi ra đi vẫn không được gần chồng
Minh Anh Tông qua đời, thái tử Chu Kiến Thâm lên ngôi là Minh Hiến Tông và tôn sinh mẫu Chu quý phi là Hoàng thái hậu. Hành động này vấp phải sự phản đối kịch liệt từ triều thần do nó chống lại di ngôn của Tiên Đế. Vì thế nên cuối cùng, Hiến Tông đành tôn phong hiệu cho Tiền hoàng hậu, gọi là Từ Ý hoàng thái hậu.
Sau khi Minh Anh Tông qua đời, bà được tôn làm Từ Ý hoàng thái hậu.
Bốn năm sau, Tiền thái hậu qua đời ở tuổi 42; lúc này Chu thái hậu lại ngang nhiên bất tuân di mệnh của tiên đế và không cho Tiền thái hậu hợp táng với Minh Anh Tông. Kết quả là chúng đại thần khóc lóc ngoài cửa thành Văn Hoa cả một ngày trời, gây sức ép khiến cho nhà vua phải đưa ra một biện pháp thay thế, đó là phân lăng tẩm thành ba điện, để Chu thái hậu và Tiền thái hậu có thể được an táng chung với tiên đế.
Dù vậy, Chu thái hậu vẫn nuôi lòng uất ức, bí mật sai người bịt kín đường thông giữa điện của Minh Anh Tông và Tiền thái hậu. Mãi đến sau này khi Chu thái hậu qua đời thì sự việc mới được phát hiện. Minh Hiếu Tông đã có ý sửa lại cho thông hầm mộ của Tiền thái hậu và Anh Tông thế nhưng Âm dương gia không tán đồng nên đành thôi. Như vậy, đường thông của Tiền thái hậu mãi mãi bị ngăn, không được thông suốt với phần mộ của Anh Tông hoàng đế.