Lý Tổ Nga là con gái của Lý Hi Tông - một vị quan ngự sử của Bắc Tề. Chẳng những sở hữu vẻ đẹp "chim sa cá lặn" nổi tiếng nhất Bắc Tề, bà còn là một thiếu nữ đa tài, thông minh. Chính vì vậy mà Cao Hoan rất thích Lý Tổ Nga và hỏi cưới bà cho con trai Cao Dương.
Chân dung Hoàng hậu Bắc Tề Lý Tổ Nga. (Ảnh: Internet)
Về nhan sắc của Lý Tổ Nga, trong Bắc Sử - Bắc Tề Thư từng ghi chép là "Nhan sắc tuyệt mỹ, thanh tao". Trong cuốn Lão Hồ Nói Về Các Mỹ Nhân Nổi Tiếng, Nga Hồ dật sĩ của nhà Thanh từng xếp bà ngang hàng với những mỹ nhân nổi tiếng của Trung Hoa như Tây Thi, Vương Chiêu Quân... Trong khi đó Cao Dương lại nổi tiếng xấu xí vô cùng với làn da đen nhẻm, khắp người là những vết vẩy nến đụng vào là rụng đầy đất khiến người ta thấy ghê tởm. Có lẽ vì vậy mà Cao Dương cực kỳ thương yêu Lý Tổ Nga. Lý Tổ Nga cũng rất tôn trọng Cao Dương vì tài năng và sự thông thái của ông. Bà sinh cho ông 2 người con trai là Cao Ân, Cao Thiệu Đức.
Tháng 5 năm 550, Cao Dương diệt Đông Ngụy, thành lập nhà Bắc Tề. Khi ấy Cao Dương yêu sủng 2 người, một là vợ cả Lý Tổ Nga, người thứ 2 là tiểu thiếp Đoàn Thị. Hoàng tộc Cao thị gốc là người Tiên Ti nên các bá quan trong triều lấy lý do "người Hán không được làm mẫu nghi thiên hạ" để dâng tấu đề nghị Cao Dương lập Đoàn Thị làm Hoàng hậu. Khi ấy nhà Bắc Tề mới lập nên chưa ổn định, Đoàn Thị xuất thân là quý tộc Tiên Ti, cha là chiến hữu thân thiết của Cao Hoan, mẹ là chị ruột của Lâu Thái hậu, anh trai đều là quan lớn trong triều. Lập Đoàn Thị làm Hoàng hậu sẽ giúp củng cố nhà Bắc Tề. Tuy nhiên, Cao Dương vẫn gạt bỏ mọi lời can ngăn của bá quan và mẹ, để cho Lý Tổ Nga đội mũ phượng.
Bắc Tề Văn Tuyên Đế Cao Dương nổi tiếng vì sự tàn bạo, nóng tính nhưng lại rất yêu thương và trân trọng Lý Tổ Nga. (Ảnh: Internet)
Dù là Hoàng đế tài giỏi nhưng về già Cao Dương lại để lộ sự tàn bạo và điên cuồng vì chứng nghiện rượu. Chỉ cần không vừa ý ông liền đánh chửi, hành hạ các phi tần trong cung. Chỉ duy nhất với Hoàng hậu Lý Tổ Nga là ông luôn giữ lễ, đối xử ân cần. Mỗi khi lỡ chọc giận Lý Tổ Nga, Cao Dương lại chẳng ngại ngùng mà làm mọi trò xấu mặt để chọc bà cười. Biết Lâu Thái hậu không thích Lý Tổ Nga, Cao Dương luôn tìm cách để giúp vợ xoa dịu mối quan hệ "mẹ chồng con dâu".
Tranh vẽ Cao Dương và Lý Tổ Nga. (Ảnh: Internet)
Tuy nhiên sau khi Cao Dương chết, cuộc đời Lý Tổ Nga bức sang trang mới đầy tủi nhục và cay đắng. Lên ngôi Hoàng thái hậu nhưng trên Lý Tổ Nga còn có Lâu Hoàng thái hậu nên bà không hề có tiếng nói hay quyền lực gì. Chỉ thời gian ngắn sau đó, Lâu Thái hậu phế bỏ cháu trai Cao Ân, đưa con trai Cao Diễn lên làm Hoàng đế. Lo sợ sẽ bị giành lại ngôi Hoàng đế, Cao Diễn giết chết Cao Ân. 1 năm sau, Cao Diễn băng hà, em trai ông là Cao Trạm được lên ngôi.
Cao Trạm vốn là kẻ đam mê tửu sắc, vừa lên ngôi đã uy hiếp Lý Tổ Nga và bắt bà phải ăn nằm với mình. Để bảo vệ con trai Cao Thiệu Đức, Lý Tổ Nga đành phải nhẫn nhục chịu đựng các hành vi thú tính của Cao Trạm. Không lâu sau bà mang thai và thành trò cười cho cả kinh thành. Vì quá xấu hổ, Lý Tổ Nga không dám lộ mặt mà trốn trong Chiêu Tin cung, cũng không chịu gặp ai. Cao Thiệu Đức sau khi biết tin đã chạy đến cửa cung của mẹ mà mắng nhiếc. Lý Tổ Nga vừa xấu hổ vừa đau lòng, đã quyết định tự tay bóp chết cô con gái mới sinh - là bằng chứng ô nhục của bà với em chồng Cao Trạm.
Lý Tổ Nga không hề ngờ được hành động của bà đã vô tình hại chết con trai Cao Thiệu Đức. Phát hiện con gái bị giết, Cao Trạm đã nổi điên chém Cao Thiệu Đức và tuyên bố: "Ngươi giết con gái ta, ta phải giết con trai ngươi". Chứng kiến con trai chết thảm, Lý Tổ Nga đau lòng khóc thảm thiết. Cao Trạm lại càng tức giận hơn, cho người lột sạch quần áo của bà rồi đánh đập dã man. Trong lịch sử Trung Quốc có không ít hoàng hậu bị đánh đòn như Nguyên Hoàng hậu của Cao Diễn hay Vương hoàng hậu của Lý Trị. Cũng chẳng hiếm hoàng hậu bị lột quần áo hạ nhục như Chu Hoàng hậu của Triệu Hoàn, Hình Hoàng hậu của Triệu Cấu. Tuy nhiên Hoàng hậu vừa bị lột quần áo lại vừa bị phạt đánh thì Lý Tổ Nga lại là người duy nhất. Thân thể chịu hành hạ, lòng tự trọng bị giẫm đạp lại chịu nỗi đau mất con khiến bà không kiềm chế được bản thân mà khóc đến khàn giọng, người xung quanh ai cũng rơi lệ vì thương xót.
Dù Lý Tổ Nga đã bị đánh đến "da bong thịt tróc", thoi thóp hấp hối nhưng Cao Trạm vẫn không hết giận. Chờ Lý Tổ Nga tỉnh lại giữa vũng máu, ông cho người đưa bà lên xe bò chở thẳng đến chùa Diệu Thắng. Vết thương chưa lành, Lý Tổ Nga đã bị cạo tóc làm ni cô. Dường như phải trải qua quá nhiều biến cố và khổ đau nên Lý Tổ Nga tìm được sự giải thoát trong Phật pháp, chỉ một thời gian ngắn bà đã thích ứng được với cuộc sống giản dị, yên bình nơi cửa Phật.
Vẻ đẹp yêu kiều, thanh tao của hoàng hậu Lý Tổ Nga vẫn luôn là nguồn cảm hứng cho các thi sĩ và họa sĩ nổi tiếng của Trung Quốc. (Ảnh: Internet)
Những tưởng đã thoát khỏi chốn hồng trần đầy bi kịch thì Lý Tổ Nga lại phải chịu khổ đau thêm một lần nữa vì Bắc Tề diệt vong. Dù đã bị đuổi ra khỏi hoàng gia nhưng bà vẫn bị người ta bắt làm tù binh, đưa đến Bắc Chu, bị bán vào nhà một hoạn quan (thái giám) để làm nô tì. Một thời gian tu hành, Lý Tổ Nga học được cách cam chịu nên bà bỏ qua quá khứ huy hoàng làm Hoàng hậu, Hoàng thái hậu để an phận làm một người hầu chăm chỉ. Nhưng vì xuất thân phú quý, xung quanh luôn có kẻ hầu người hạ nên bà rất vụng về trong việc nhà. Những lần làm không đúng ý chủ, Lý Tổ Nga lại bị đánh đập chửi bới không thương tiếc.
Đường đường từng là một Hoàng hậu nổi danh, từng được vạn người kính ngưỡng lại phải chịu nhục đến thế khiến Lý Tổ Nga suy sụp hoàn toàn. Không ít lần bà quyết định tự sát nhưng không thành. Sợ bà chết sẽ chịu vạ, người chủ này lại bán Lý Tổ Nga cho người khác để rồi bà lại bị hành hạ nhiều hơn trước.
Không lâu sau Tùy Văn Đế Dương Kiên diệt nhà Bắc Chu, lập nhà Tùy và ra lệnh đại xá thiên hạ. Lý Tổ Nga cũng lấy lại được thân phận vô tội quay về quê hương Triệu Quận. Từ đó về sau cũng không còn ai nhắc đến bà nữa.
(Nguồn: Lulishi)