Xưa nay cứ tưởng, những bậc hoàng hậu mẫu nghi thiên hạ, các phi tần, cung nữ được nạp cung trong các triều đại Trung Hoa phong kiến luôn là giai nhân, sắc nước hương trời, mười phần nhan sắc thì hết chín phần lộng lẫy tài hoa. Vậy mà, có một vị hoàng phi với dung mạo phá bỏ tất cả những quy tắc về cái đẹp trong hậu cung để đường đường chính chính ngồi lên vị trí hoàng hậu của cả một triều đại.
Thậm chí đến tận ngày nay, khi nhắc đến vị hoàng hậu ấy, người đời không khỏi giật mình khi lịch sử và dân gian truyền lại về ngoại hình của bà như sau: "Dáng người thấp lùn, ngũ quan không cân đối, hơn nữa sắc da lại rất đen, răng hô, chân to và cục mịch. Không những thế lưng còn gù và khuôn mặt trông rất dữ tợn…". Vị Hoàng hậu đó chính là Giả Nam Phong, người phụ nữ xấu xí nổi tiếng. Chẳng đẹp nghiêng nước nghiêng thành như Tây Thi, không phải hàng tuyệt sắc giai nhân và mưu kế đầy mình như Đát Kỷ, nhưng vị hoàng hậu này vẫn khiến nhà Tây Tấn suy yếu rồi diệt vong.
Sự cố váy cưới cấm cung rước nhầm mầm họa
Giả Nam Phong là con gái Giả Sung, một công thần khai quốc thời nhà Tây Tấn, người có công giúp cha con Tư Mã Chiêu – Tư Mã Viêm lật đổ nhà Tào Ngụy. Ngoài Giả Nam Phong, Giả Sung còn có một cô con gái khác tên là Giả Ngọ. Mặc dù là hai chị em, nhưng trái với vẻ xấu xí của cô chị, thì Giả Ngọ lại có nhan sắc xinh xắn muôn phần, lại ngoan ngoãn hiền lành. Chính vì lẽ đó, Giả Ngọ đã sớm lọt vào mắt xanh của hoàng đế khi tuyển chọn vợ cho con trai mình.
Năm 271, vua Tấn Vũ Đế yêu cầu lập Giả Ngọ làm thái tử phi cho người con trai bị bệnh chậm phát triển của mình là Tư Mã Trung. Tuy nhiên, trớ trêu rằng lúc đó Giả Ngọ còn quá bé, mới chừng 11 - 12 tuổi nên không thể mặc vừa y phục cô dâu mà đội may mặc của nhà vua chuẩn bị sẵn. Vì lẽ này, Giả Sung mới giới thiệu cho hoàng đế con gái lớn của mình là Giả Nam Phong để thế chân em. Niệm tình gia đình Giả Sung có công, lại thuộc hàng có thế lực nên hoàng đế đành cắn răng rước Giả Nam Phong xấu xí vào cung để làm thái tử phi. Tuy nhiên, ít ai ngờ rằng, chính vì sự cố chiếc áo cưới ngày nào mà hoàng thượng đã rước nhầm một mầm họa vào cung, làm tan tác triều đình Tây Tấn sau này.
Mặc dù lấy phải một người chồng "không mấy lanh lợi", Giả Nam Phong vẫn có với thái tử (sau này là nhà vua) được 4 người con, tất cả đều là con gái. Theo sử sách còn ghi lại, Giả Nam Phong luôn có thái độ ghen ghét, đố kị và luôn tìm cách hãm hại những phi tần đang mang thai khác. Thủ đoạn của Giả Nam Phong phải nói là thâm độc và hiểm ác vô cùng.
Như khi nghe tin một cung nữ mang thai với chồng mình, mật báo rằng đó có thể là con trai, Giả Nam Phong đã dựng lên một kịch bản hoàn hảo để phá đứa con trong bụng cung nữ này. Một ngày đẹp trời, Giả Nam Phong lấy cớ hỏi thăm "long thai" nên mời vị cung nữ kia đến phủ mình. Biết là theo nguyên tắc thứ phi sẽ dâng trà nóng mới chánh cung, nên Giả Nam Phong chờ nàng đến, dâng trà mời mình rồi bà ta giả vờ để cốc trà nóng đổ lên người. Xong, lấy cớ bị xúc phạm, hoàng hậu sẽ đùng đùng nóng giận rồi lấy ngọn kích nhỏ cầm tay phóng thẳng đến người cung nữ. Sau cú phi này, người cung nữ đã bị thương và sảy mất thai rồng.
Giả hậu - người đàn bà "đệ nhất hoang dâm"
Nếu so sánh về sắc đẹp với các hoàng hậu khác trong lịch sử hàng nghìn năm của Trung Hoa thì Giả Nam Phong thua một trời một vực, nhưng so về độ tàn ác và khao khát tình dục thì có thể coi vị hoàng hậu này thuộc hàng thiên hạ vô địch. Luôn bị thiên hạ dè bỉu vì nhan sắc thô kệch của mình và người chồng chung chăn chung chiếu lại là một người ngớ ngẩn không hòa hợp nhu cầu sinh lý, nên Giả Nam Phong đã tìm mọi cách để thỏa mãn "cơn khát" phía sau hậu cung.
Cụ thể, Giả hậu đã cử tay sai ra ngoài cung thu thập những đàn ông cường tráng để hoan lạc mỗi đêm. Và sau mỗi đêm đó, để tránh tai mắt dòm ngó, cũng như là sợ bại lộ việc mình hoang dâm vô độ, lại mang tiếng là không xứng đáng với vị trí mẫu nghi thiên hạ nên Giả Nam Phong đã giết tất cả những người tình sau khi ân ái xong. Nhưng bà đã có một ngoại lệ, một ngoại lệ khiến những bí mật động trời của bà sau này bị bại lộ.
Nếu đa số những tình nhân sau một đêm đều bị bà giết thì Lạc Nam, một tên vô danh tiểu tốt ngoài thành là may mắn hơn cả vì không bị bà ra tay sát hại, trái lại Lạc Nam còn được bà ưu ái hơn khi ban cho vàng bạc châu báu. Giải thích cho điều này, sách xưa có chép lại, sở dĩ có một ngoại lệ như thế với một hoàng hậu nổi danh độc ác là do Lạc Nam khiến Giả Hậu hài lòng, cộng với vẻ ngoài thư sinh, cơ bắp cường tráng nên Giả Nam Phong muốn giữ lại mạng, cốt để phục vụ chuyện chăn gối cho mình lâu dài.
Vậy mà xúi quẩy cho Giả Nam Phong, trong một lần Lạc Nam ôm vàng bạc châu báu được bà ban cho từ cung về nhà, gã trai đã bị quan phủ bắt lại. Sau khi tra hỏi thì hóa ra số bạc vàng đó là từ hoàng hậu, và những chuyện về vị mẫu nghi xấu xí cũng từ đó mà dần bại lộ. Tiếng xấu đồn xa đến tai Giả Nam Phong thì bà ta đùng đùng nổi giận, cho giết tên quan phủ bắt Lạc Nam về tội "bôi nhọ danh dự hoàng hậu". Còn người tình Lạc Nam vì còn "dùng được" nên được tha tội chết và khi cần thì y vẫn được người của Giả hoàng hậu bí mật đưa vào cung. Sự việc đến tai vua, nhưng vì là một người sợ vợ, lại ngây ngô nên Huệ Đế đành ngắm mắt bỏ qua.
Âm mưu đoạt quyền và sự sụp đổ của một triều đại
Ngoài chuyện xấu xí, gian dâm thì Giả Nam Phong luôn tìm cách đoạt quyền từ người chồng ngờ nghệch. Ngoài 4 người con gái với Giả hậu thì Huệ Đế còn có một người con trai với một phi tần khác, tên Tư Mã Duật rất thông minh lanh lợi, luôn được các triều thần đánh giá cao về khả năng trị nước sau này. Điều này đã làm cho vị hoàng hậu xấu xí Giả Nam Phong chướng tai gai mắt. Bà bèn lập mưu hãm hại Tư Mã Duật.
Tháng 12 năm 299, Giả hậu đã sai người dụ thái tử uống rượu say rồi lừa viết bức thư phản nghịch. Thái tử Duật vì quá say không biết gì nên cứ thế chép lại nội dung do Giả hậu soạn sẵn. Giả hậu mang thư cho Huệ Đế xem để có cớ phế truất thái tử. Huệ Đế vốn là một người sợ vợ nên đành phải răm rắp nghe theo. Sau lần này, thái tử Tư Mã Duật bị phế làm thứ dân, còn Tạ Phi – mẫu hậu của Tư Mã Duật cũng bị Giả Nam Phong hành hạ cho đến chết.
Hay tin này, toàn thể triều thần đều tỏ ra căm phẫn, họ cho rằng động thái này của Giả Nam Phong không khác gì công khai cướp đoạt quyền lực triều đình nên tất cả đã bày mưu hòng diệt trừ Giả Nam Phong. Họ đã phao tin rằng triều thần muốn phục ngôi thái tử để phế Giả hậu. Không ngoài dự đoán, do sợ hãi trước tin đồn này, Giả hoàng hậu lập tức sai người hạ sát thái tử Duật ở nơi giam cầm để tuyệt lòng mong đợi của triều thần.
Sự vụ ám sát này đã thành công, Giả Nam Phong đắc thắng khi không còn mối lo ngại nhưng bà ta không biết rằng, Triệu Vương Tư Mã Luân là ông chú của Huệ Đế khi nghe tin Giả hậu giết chết thái tử đã có cớ để khởi binh. Tháng 4 năm 300, Giả Nam Phong bị bắt sống và toàn bộ vây cánh của bà đã bị tiêu diệt chỉ sau một đêm. Ngày 9 tháng 4 năm đó, Tư Mã Luân đã sai người mang rượu độc đến ép Giả hậu tự vẫn. Năm đó bà mới bước qua tuổi 44. Triều đại Tây Tấn cũng sụp đổ từ đây.
Cuối cùng, cái kết tất yếu của Giả Nam Phong đã làm lòng dân hoan hỉ vì họ cho rằng, một người đàn bà vừa xấu xí, vừa thô kệch lại vừa độc ác, hám danh đoạt quyền Giả hậu không thể nào làm mẫu nghi thiên hạ của một nước được. Thậm chí đến tận bây giờ, ngay cả khi đã khuất, bà hậu này cũng chẳng được ca ngợi, mà chỉ được nhắc đến với những danh xưng như "thiên hạ đệ nhất xấu", "thiên hạ đệ nhất hoang dâm", "hoàng hậu xấu nhất mọi thời đại".
(Nguồn: Sina, kknews.cc)