Thông tin lan truyền trên tin nhắn điện thoại và mạng xã hội về việc các thức ăn và đồ uống nói trên có hiệu quả trong ngăn ngừa dịch bệnh đã khiến nhu cầu về các mặt hàng này tăng cao và giá cả của nhiều loại trong số đó tăng vọt.

Hoảng loạn vì Covid-19, nhiều người Indonesia nghe theo tin đồn thất thiệt - Ảnh 1.

Giá dừa tại Indonesia tăng vọt sau tin đồn thất thiệt (Ảnh: CNA)

Tuy vậy, các chuyên gia đang tỏ ra lo ngại về tác dụng phụ tiềm ẩn của việc tiêu thụ quá nhiều thực phẩm và đồ uống này, cũng như việc người dân có thể không tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp phòng chống dịch bệnh vì tin rằng họ đã được bảo vệ.

Giám đốc Phòng chống và Kiểm soát Bệnh Truyền nhiễm Indonesia, Tiến sĩ Siti Nadia Tarmizi cho biết: “Mọi người đang nhận được những thông tin sai lệch xung quanh cách phòng ngừa và điều trị Covid-19. Có một số thông tin cho rằng, những thức ăn và đồ uống trên có thể chữa khỏi Covid-19, giúp chúng ta không bị mắc bệnh hay chữa khỏi một số triệu chứng bệnh. Không có bất cứ thử nghiệm lâm sàng nào cho thấy chúng hiệu quả trong việc ngăn ngừa chứ chưa nói đến việc chữa khỏi Covid-19”.

Ông Nadia Tarmizi cho biết, Bộ Y tế Indonesia đã nhiều lần cảnh báo người dân về việc tích trữ những mặt hàng đó, nhưng có vẻ như một số người đã bỏ ngoài tai.

Nhu cầu nhiều loại mặt hàng tăng vọt

Một số video đăng tải trên mạng xã hội cho thấy nhiều người dân đang chen lấn nhau mua sữa tiệt trùng của một thương hiệu nào đó. Điều này dường như xuất phát từ thông tin chưa được xác minh rằng loại sữa tiệt trùng của hãng này có thể giúp tăng cường kháng thể và ngăn ngừa lây nhiễm Covid-19. Do nhu cầu tăng đột biến, nhiều đại lý sữa đã tăng giá lên gấp 5 lần.

Merry Sihombing - một người nội trợ cho biết: “Rất khó để mua được loại sữa này ở thời điểm hiện tại, vì thế tôi luôn cố gắng mua một ít mỗi khi có cơ hội. Dù biết rằng sữa tốt cho cơ thể nhưng tôi không thực sự tin nó có thể giúp gia đình tôi tránh được Covid-19”. Hiện giá bán lẻ của loại sữa đó trên thị trường đã lên tới 12.000 rupiah/lon, cao hơn nhiều so với giá 9.000 rupiah/lon trước kia.

Điều tương tự cũng xảy ra với mặt hàng dừa tươi. “Rất khó để tìm thấy trái dừa tươi ở các quầy hàng hoặc ở chợ. Tôi đã tìm kiếm khắp nơi nhưng chỉ thấy một vài trái chỉ to hơn nắm tay một chút. Nhu cầu mặt hàng này tăng cao đã khiến các chủ trang trại nhanh chóng thu hoạch dừa ngay cả khi chúng còn non. Dù vậy, vẫn có rất nhiều người mua”, một khách hàng nói.

Ông Jarot - một người bán dừa cho biết, nếu trước đây những trái dừa thu hoạch đúng thời điểm thường được bán với giá 12.000 rupiah mỗi quả thì nay giá của chúng tăng lên đến 30.000 rupiah, trong khi những quả non cũng có giá 15.000 rupiah/quả.

Sữa tiệt trùng và dừa có thể chỉ là “phần nổi của tảng băng”. Trên các mạng xã hội cũng đang xuất hiện nhiều tin đồn về một số loại thực phẩm khác có thể điều trị Covid-19 mà không có bất cứ bằng chứng hay nghiên cứu khoa học nào chứng minh điều đó.

“Một số tin đồn thậm chí còn cho rằng bạn không cần đến thăm khám bác sĩ nếu có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2. Họ nói bệnh Covid-19 có thể được chữa khỏi bằng cách ăn tỏi sống, uống mật ong hoặc ăn cây mía dò Ấn Độ”, bà nội trợ Nancy Suwandono cho biết.

Điều gì đã thúc đẩy hành vi đó?

Tiến sĩ Hermawan Saputra thuộc Hiệp hội Chuyên gia Y tế Công cộng Indonesia (IAKMI) cho biết, ngày càng có nhiều người tỏ ra tuyệt vọng trước dịch bệnh và họ muốn bảo vệ bản thân cũng như gia đình bằng bất cứ cách nào.

“Đại dịch đã hoành hành suốt 1 năm rưỡi. Mọi người đang chứng kiến số ca mắc Covid-19 vượt ngoài tầm kiểm soát. Hệ thống y tế bị quá tải và không có dấu hiệu cho thấy đại dịch sẽ kết thúc. Ở giai đoạn này, ngày càng nhiều người cảm thấy cần phải bảo vệ bản thân và gia đình một cách cấp thiết. Thật không may, điều đó đồng nghĩa với việc họ sẽ tin vào bất cứ thứ gì”.

Tiến sĩ Pandu Riono, một nhà dịch tễ học thuộc Đại học Indonesia cho biết, mặc dù các đồ ăn và thức uống nói trên có giá trị dinh dưỡng nhưng chúng có thể dễ thay thế bằng những loại thực phẩm khác.

“Dự trữ các mặt hàng này là vô nghĩa. Cách thức tốt nhất để bảo vệ bản thân khỏi Covid-19 là tuân thủ quy định phòng chống dịch như đeo khẩu trang, tránh đám đông và rửa tay thường xuyên”.

Tiêu thụ quá mức có thể gây hại cho sức khỏe

Tiến sĩ Siti Nadia Tarmizi cho biết: “Một số thực phẩm và đồ uống có giá trị dinh dưỡng và giúp tăng cường khả năng miễn dịch. Nhưng tiêu thụ quá nhiều có thể dẫn đến các tác dụng phụ”.

Theo các nghiên cứu, uống quá nhiều sữa có thể gây ra các vấn đề về tiêu hóa, còn ăn nhiều dừa sẽ khiến nồng độ kali trong máu tăng cao và dễ dẫn đến các bệnh về thận. Ông Nadia Tarmizi cho rằng, tất cả đồ ăn và thức uống dù bổ dưỡng và có lợi cho sức khỏe đến mức nào đi chăng nữa thì cũng cần phải sử dụng ở mức độ vừa phải. “Chúng tôi không muốn nhìn thấy mọi người tích trữ chất đống đồ ăn và thức uống để cuối cùng phải cố ăn hết chúng”.

Bộ Y tế Indonesia cho biết, những thực phẩm và đồ uống này không thể thay thế hai cách chính để ngăn ngừa bệnh Covid-19: Đó là tuân thủ các quy định y tế phòng chống dịch và tiêm chủng.

Indonesia đã ghi nhận 2,8 triệu ca mắc Covid-19 kể từ khi đại dịch bắt đầu. Trong 7 ngày qua, đã có từ 800 đến 1.200 người tử vong do dịch bệnh, nâng tổng số ca tử vong tại nước này lên hơn 70.000 người.