Trong suốt quá trình hưng suy của các triều đại Trung Hoa phong kiến, ở nơi cung cấm, đã có không ít nữ nhân may mắn được ngồi vào được vị trí Hoàng Quý phi - cấp bậc phi tần cao nhất trong hậu cung, chỉ đứng sau Hoàng hậu. Trong số đó, nổi tiếng nhất ngoài Lệnh Ý Hoàng Quý phi, vị phi tần được Thanh Cao Tông Càn Long Đế hết mực sủng ái mà gần đây được mọi người biết đến nhiều thông qua bộ phim Diên Hi Công Lược, thì vị Hoàng Quý phi đầu tiên trong lịch sử Trung Hoa dưới đây là đặc biệt hơn cả.
(Ảnh minh họa)
Nàng đặc biệt không phải bởi hai chữ "đầu tiên" mà mình đạt được khi ngồi lên vị trí vạn nữ nhân cùng thời mơ ước, mà là vì xuất thân, tuổi tác của nàng hoàn toàn là một điều ngoại lệ duy nhất trong chốn hậu cung 3 vạn phi tần của các bậc cửu ngũ chí tôn suốt thời phong kiến. Đó là chưa kể, sự tàn độc và thâm hiểm của nàng ở những năm tháng tại vị cũng là một điểm khiến hậu thế phải nhớ đến mãi về sau.
Nhũ mẫu ngủ với bậc Đế vương tương lai kém mình 19 tuổi - bước đổi đời hy hữu trong lịch sử Trung Hoa phong kiến
(Ảnh minh họa)
Vị Hoàng quý phi này không ai khác chính là Cung Túc Đoan Thận Vinh Tĩnh Hoàng Quý phi Vạn thị, Hoàng quý phi được công nhận đầu tiên trong lịch sử Trung Hoa sống ở thời nhà Minh. Nàng có tên thật là Vạn Trinh Nhi, sinh năm 1928, người vùng Thanh Châu, Sơn Đông, vào cung từ năm lên 4 tuổi với danh phận chỉ là một nô tì hầu hạ ở cung Tôn Thái hậu - lão tổ mẫu của Minh Hiến Tông Chu Kiến Thâm.
Về sau, khi có được lòng tin và trở thành cung nữ thân cận nhất của Thái hậu, Vạn Trinh Nhi được chủ tử của mình cử sang làm nhũ mẫu cho Chu Kiến Thâm lúc ông mới 5 tuổi, vừa vặn kém nàng 19 tuổi. Chính bước ngoặt này đã làm thay đổi cả cuộc đời của nàng tì nữ trong tương lai. Từ khi làm nhũ mẫu cho Chu Kiến Thâm, Vạn Trinh Nhi và vị Hoàng đế tương lai này đã trở nên rất thân thiết, họ gắn nhau như hình với bóng, và Trinh Nhi cũng tận tụy chăm sóc ngài như là đối với một người con, người em.
(Ảnh minh họa)
Rồi chuyện gì đến cũng đến, Chu Kiến Thâm ngày càng lớn, không còn là một cậu trai bé bỏng với tương lai nắm cả vận mệnh vương triều nữa, giữa cặp nhũ mẫu - Thái tử này đã không còn là một mối quan hệ đơn thuần như trước. Họ trở thành tình nhân của nhau, chuyện chăn gối hiển nhiên đã xảy ra mà trong nhiều sử liệu có đề cập.
Năm Cảnh Thái thứ 8 (1457), Minh Anh Tông - phụ thân của Chu Kiến Thâm biết chuyện giữa con trai mình và người nhũ mẫu thấp hèn nên liền thẳng tay trừng phạt. Vạn Trinh Nhi bị xử 50 trượng, còn Chu Kiến Thâm phải gấp rút tuyển tú, chọn Thái tử phi. Trong đợt tuyển chọn này, Ngô thị được chọn trở thành chính thê của Chu Kiến Thâm, với tương lai trở thành bậc mẫu nghi thiên hạ.
(Ảnh minh họa)
Năm Thiên Thuận thứ 8 (1464), Minh Anh Tông băng hà, Thái tử Chu Kiến Thâm kế vị, lấy hiệu Minh Hiến Tông, tôn mẹ cả Tiền thị và mẹ đẻ Chu thị làm Lưỡng Cung Hoàng Thái hậu, phong Ngô Thái tử phi làm Hoàng hậu. Tất nhiên, do không quên được chuyện tình đẹp với người nhũ mẫu Vạn Trinh Nhi đã chăm sóc mình từ thuở bé, Chu Kiến Thâm ban cho nàng tước bậc Quý phi, dù cho đã nhận được không ít sự phản đối. Thậm chí, nàng còn độc sủng trong hậu cung lúc bấy giờ. Khi đó, Vạn Trinh Nhi đã bước sang tuổi 36.
Hoàng Quý phi độc sủng nhưng không biết lễ nghi phép tắc, lại tàn ác thâm hiểm nhất hậu cung nhà Minh
(Ảnh minh họa)
Ngấp nghé tuổi tứ tuần, lại được Hoàng đế hết mực sủng ái, nên Vạn Trinh Nhi ngay khi được phong làm Quý phi đã vô cùng hống hách, không coi ai ra gì. Chính điều này, đã làm Ngô Hoàng hậu không vừa ý và tìm cách dạy cho Vạn Trinh Nhi một bài học để nàng biết rõ lễ nghi phép tắc là gì. Theo đó, trong một lần khi được Vạn Trinh Nhi tới thỉnh an mà vẫn tỏ ra ngạo mạn vô lễ, Ngô Hoàng hậu liền mắng nàng một trận và vớ lấy chiếc gậy trong tay thái giám đánh phạt vài cái.
Tức tối vì bị Hoàng hậu trách phạt, Vạn Trinh Nhi bèn tìm đến Minh Hiến Tông khóc lóc kể tội, đồng thời dùng mọi thủ đoạn để nói khích Hoàng hậu. Minh Hiến Tôn nghe xong liền tức giận, truyền chỉ phế bỏ Ngô Hoàng hậu, rồi lập Vương thị làm kế hậu. Tuy nhiên được một thời gian, do Vương Hoàng hậu không được sủng ái nên Minh Hiến Tông tìm cách phế vị để đưa Vạn Trinh Nhi lên thay. Đáng tiếc, Vương Hoàng hậu lại được Thái hậu bảo vệ giữ vững được ngôi vị.
(Ảnh minh họa)
Chuyện lộng hành của Vạn Trinh Nhi chưa dừng lại ở đó, năm bước sang tuổi 37, nàng đã hạ sinh cho Minh Hiến Tông một Hoàng tử. Minh Hiến Tông vui mừng, nâng Vạn Trinh Nhi từ Quý phi thành Hoàng Quý phi. Thế nhưng Hoàng tử yểu mệnh qua đời sớm, từ đó về sau, Vạn Hoàng Quý phi do tuổi tác đã cao không hoài thai được thêm một lần nào nữa.
"Giận cá chém thớt", trách ông Trời phụ lòng mình, Vạn Trinh Nhi trở nên tàn nhẫn, độc ác hơn hẳn và tìm mọi cách phá hoại tất cả những phi tần khác khi hay tin họ mang long thai trong bụng. Nếu không tìm cách phá cho những phi tần ấy sẩy thai, thì Vạn Hoàng Quý phi cũng tìm cách giết đứa trẻ ngay khi chào đời.
(Ảnh minh họa)
Một lần, Minh Hiến Tông lâm hạnh một cung phi họ Kỷ, người này sau đó có bầu. Vạn thị hay tin, liền sai một cung nữ đi dò xét. Nhưng người cung nữ này bản chất lương thiện nên dù biết chính xác Kỷ thị mang thai mà vẫn nói dối là không có. Sau đó Kỷ thị sinh hạ một bé trai, biết cả hai mẹ con sẽ lâm nguy nên khẩn cầu viên Thái giám hãy bóp chết đứa bé đi. Thái giám thấy bất nhẫn, bèn lén đưa vào nuôi trong phòng kín. Đứa trẻ may mắn này chính là vua Minh Hiếu Tông về sau.
Ngoài âm mưu độc ác bất thành này, Vạn Trinh Nhi hầu như chưa bao giờ thất bại trong việc giết các ấu nhi tử tự của Hoàng đế Minh Hiến Tông. Trong đó có cả Hoàng nhị tử Chu Hựu Cực do Bách Hiền phi sinh hạ. Điều này đến tận ngày nay vẫn khiến nhiều nhà sử học Trung Quốc tranh cãi bởi cho rằng, Vạn thị phải chăng là có một quyền lực nào chống lưng để có thể tác oai tác quái đến như vậy?
(Ảnh minh họa)
Cái chết của Hoàng Quý phi đầu tiên trong lịch sử Trung Hoa phong kiến và những giả thuyết được đặt ra về ma lực tình ái của nàng
Năm 1487, khi Vạn Hoàng Quý phi 59 tuổi, trong một lần giận dữ đánh cung nữ, vì thân thể béo phì, lại cộng thêm căn bệnh gan, nên bà đã tắt thở, qua đời. Minh Hiến Tông nghe tin người mình hết mực thương yêu chết cũng đứt từng đoạn ruột, kêu gào khóc lóc và trở nên sầu thảm từ đó. Chưa đầy vài tháng, Minh Hiến Tông cũng băng hà, đi theo Vạn Hoàng Quý phi, năm đó ông mới 40 tuổi.
(Ảnh minh họa)
Câu chuyện về cặp Hoàng đế - Hoàng Quý phi kỳ lạ này về sau còn tạo nên nhiều cuộc tranh luận không có hồi kết trong giới sử học Trung Quốc. Câu hỏi đặt ra là giữa 3 vạn phi tần trong tam cung lục viện, tại sao Minh Hiến Tông lại chỉ yêu và sủng ái mỗi mình Vạn Trinh Nhi, dù cho bà hơn ông đến tận 19 tuổi, lại còn tàn bạo, độc ác? Từ câu hỏi này, nhiều giả thuyết đã được đặt ra hòng lý giải cho những huyền sử bị thời gian che mờ, xuyên suốt quá trình hưng suy của các triều đại phong kiến.
Có giả thuyết cho rằng, tình cảm của Minh Hiến Tông Chu Kiến Thâm đối với Vạn Trinh Nhi không đơn giản chỉ là tình cảm trai gái bình thường. Bởi lẽ, Vạn thị đã nuôi dưỡng ông ngay từ khi ông chỉ là một đứa trẻ lên 5, giữa biết bao biến cố thời cuộc. Nên dù cho đến khi nắm cả giang sơn trong tay, ông vẫn còn lệ thuộc vào nữ nhân này: một chút tình yêu, một chút kính trọng, một chút sợ hãi.
(Ảnh minh họa)
Giả thuyết khác lại nói, Minh Hiến Tông si mê Vạn Trinh Nhi bất chấp rào cản về tuổi tác và danh phận là bởi vì nàng có bí quyết phòng the tuyệt đỉnh mà không nữ nhân nào trong hậu cung nhà Minh lúc bấy giờ có được. Điều này đã thể hiện qua một câu nói của ông được sử liệu chép lại như sau: "Con không hiểu mắc bệnh gì nhưng không có Vạn thị thì không ngủ được!".
Một giả thuyết nữa cũng được nhiều người đồng tình, cho rằng, sở dĩ Minh Hiến Tông yêu Vạn Trinh Nhi như vậy là vì cả đời ông không hề có được nàng. Sử liệu có đề cập mập mờ về việc năm Hiến Tông lên 11, do ghen tuông nên đã sai người giết chết Đỗ Châm Ngôn - người tình của Vạn thị lúc bấy giờ. Vạn Trinh Nhi biết chuyện, đau khổ vô cùng. Từ đó, để trả thù, Vạn Trinh Nhi nửa gần nửa xa, vừa yêu vừa hận, nhất định không cho Minh Hiến Tông chiếm hữu mình.
(Ảnh minh họa)
Giải thuyết nhiều là thế, nhưng dù cho sự thật có thế nào đi chăng nữa, hậu thế ngày nay vẫn không thể nào phủ nhận một điều: Vạn Trinh Nhi - Hoàng Quý phi đầu tiên được công nhận trong lịch sử Trung Hoa phong kiến là một nữ nhân không hề đơn giản!
(Nguồn: Minh sử, Qulishi, Kknews.cc)