Dòng chảy hối hả của cuộc sống hiện đại, con người ta phải lo lắng, đối đầu với muôn vàn khó khăn, thử thách. Có lẽ bởi vậy mà nhiều người coi nhẹ, không còn mặn mà với Tết, khiến hương vị truyền thống ngày càng bị mai một.

Thế nhưng, không thể phủ nhận rằng, những hình ảnh thân thuộc trong quá khứ như câu đối đỏ, bánh chưng xanh, mâm ngũ quả vẫn luôn khiến mỗi chúng ta hoài niệm. 

BỒI HỒI NHỚ TẾT XƯA

Những ngày này, nhiều du khách đặt chân vào Hoàng Thành Thăng Long bị thu hút bởi sắc màu rực rỡ của triển lãm Tết Nguyên Đán. Được biết, không gian trại ngập tràn sắc xuân đều do các nhân viên làm công việc nghiên cứu ở khu di tích lên ý tưởng và thực hiện. 

Họ đã tận dụng khoảng trống ngay phía trước khu vực quầy thông tin 19C Hoàng Diệu để dựng lên bối cảnh Tết xưa. Những nét đẹp ngàn đời mỗi dịp năm mới như phong tục treo tranh, xin chữ… được tái hiện một cách sống động.

Thờ cúng ngày Tết là nhân tố góp phần quan trọng bảo tồn và duy trì văn hóa truyền thống - Ảnh 1.

Thờ cúng ngày Tết là nhân tố góp phần quan trọng bảo tồn và duy trì văn hóa truyền thống - Ảnh 2.

Trong “ngôi nhà” mái ngói thân quen treo tác phẩm của nghệ nhân đến từ các làng tranh dân gian nổi tiếng như Đông Hồ (Bắc Ninh), Hàng Trống và Kim Hoàng (Hà Nội). Xưa kia, sau ngày Tết ông Công, ông Táo, mỗi gia đình sẽ gỡ tranh cũ xuống, treo tranh mới lên, hy vọng đón vinh hoa, phú quý về nhà. Treo tranh để trang hoàng nhà cửa lộng lẫy hơn, sạch đẹp hơn, đón chào một năm mới với nhiều thành công. 

Màu sắc rực rỡ của những bức tranh gợi lên cảm giác mới mẻ, ấm cúng.

Kế đó là một ban thờ ngày Tết thường thấy trong các gia đình Bắc Bộ. Những thứ không thể thiếu là mâm ngũ quả, hoa tươi, mứt và bánh chưng. 

Thờ cúng ngày Tết là nhân tố góp phần quan trọng bảo tồn và duy trì văn hóa truyền thống - Ảnh 4.

Tết trong ký ức xưa còn có tràng pháo nổ giòn giã vào đêm 30 và sáng mồng Một, mang ý nghĩa xua đuổi tà ma và đón chào những điều may mắn. “Tôi lại nhớ hồi còn nhỏ, pháo đốt xong nhuộm thắm cả khoảng sân trước nhà. Lũ trẻ con chúng tôi sẽ kéo nhau đi nhặt xác pháo chưa cháy hết để đập cho nó nổ”, anh Hoàng Anh hào hứng nhớ lại kỷ niệm. 

Thờ cúng ngày Tết là nhân tố góp phần quan trọng bảo tồn và duy trì văn hóa truyền thống - Ảnh 6.

Câu đối đỏ mang theo lời chúc an lành.

Thờ cúng ngày Tết là nhân tố góp phần quan trọng bảo tồn và duy trì văn hóa truyền thống - Ảnh 7.

Một cửa hàng lụa trên con phố Rue de la soie - nay là phố Hàng Đào được dựng lại.

Thờ cúng ngày Tết là nhân tố góp phần quan trọng bảo tồn và duy trì văn hóa truyền thống - Ảnh 8.

Sự xuất hiện của những hình ảnh thân thuộc, của hoa đào, hoa thược dược, hoa dơn hay những chiếc đèn lồng truyền thống cho thấy sự tỉ mỉ đến từng chi tiết của những người làm nghiên cứu ở Hoàng Thành Thăng Long. 

PHONG TỤC THỜ CÚNG TỔ TIÊN NGÀY TẾT

Trong không gian triển lãm, nhiều du khách tỏ ra thích thú khi ngắm nhìn gian trưng bày bàn thờ gia tiên ngày Tết cổ truyền. Cô Hoa đã đứng rất lâu và cùng chồng giảng giải cho các con. 

“Mặc dù mọi người vẫn truyền tai nhau là bàn thờ ngày tết nhất định phải có bánh chưng, có mứt, có mâm ngũ quả nhưng không phải triển lãm nào cũng dám và đủ khả năng dựng lên mô hình như thế này. Không đơn giản chỉ là ban thờ mà với người Việt chúng ta thì còn là một tục lệ tốt đẹp”. 

Thờ cúng ngày Tết là nhân tố góp phần quan trọng bảo tồn và duy trì văn hóa truyền thống - Ảnh 9.

Đặc biệt, Tết Nguyên đán mang ý nghĩa thiêng liêng, là dịp để mọi người nhớ về cội nguồn. Trong đó, phong tục thờ cúng tổ tiên ngày Tết của người Việt là một nghi thức tâm linh, thấm đượm tính nhân văn và đạo lý. 

Những ngày giáp Tết mọi nhà lau dọn và trang hoàng lại bàn thờ gia tiên. Ngày Tết, con cháu khấn mời tổ tiên ông bà về ăn Tết với gia đình, tạo nên một không khí thiêng liêng, đầm ấm. 

Thờ cúng ngày Tết là nhân tố góp phần quan trọng bảo tồn và duy trì văn hóa truyền thống - Ảnh 10.

Trước Tết có lễ cúng ông Công, ông Táo vào ngày 23 tháng Chạp đưa tiễn Táo Quân lên chầu trời. Chiều 30 Tết các gia đình chuẩn bị mâm cơm đầy đặn, thơm ngon, bày biện trang nghiêm cùng hương hoa, vàng mã, bánh chưng… làm lễ cúng tất niên. 

Mâm ngũ quả ứng với ngũ hành được dâng lên thể hiện lòng hiếu thảo và ước mong những điều tốt lành trong gia sự. Trong ba ngày Tết con cháu đều dâng lễ, thờ cúng tổ tiên rất chu đáo. 

Đêm 30 Tết lễ cúng giao thừa (hay còn gọi là lễ trừ tịch) được coi là lễ quan trọng nhất, có ý nghĩa “tống cựu nghinh tân” để tiễn đưa vị đương niên đại vương Hành khiển của năm cũ và đón rước vị tân đại vương Hành khiển của năm mới.

Sáng mùng Một, nhà nhà sắm sửa mâm cúng ngày đầu năm. Vì quan niệm linh hồn của tổ tiên cư ngụ trên bàn thờ cùng con cháu ăn tết nên người ta thường làm cơm cúng vào mỗi buổi sáng từ mùng Một Tết cho tới ngày hóa vàng. 

Lễ hóa vàng tức là đốt những đồ vàng mã trên bàn thờ mấy ngày tết để tiễn gia tiên về trời. 

“Phong tục thờ cúng trong ngày Tết Nguyên đán là một trong những nhân tố góp phần quan trọng để bảo tồn và duy trì văn hóa truyền thống, là nét đẹp không thể thiếu mỗi dịp Tết đến xuân về”, chị Bùi Thu Phương, phòng nghiên cứu trung tâm di sản Hoàng Thành Thăng Long. 

NHỮNG HOẠT ĐỘNG GIỮ GÌN VĂN HÓA TRUYỀN THỐNG CÒN TIẾP DIỄN

Trên thực tế, việc tổ chức các triển lãm tái hiện không gian Tết truyền thống đã rất quen thuộc, có rất nhiều địa điểm, đơn vị làm mỗi năm. Song, những người làm nghiên cứu ở Hoàng Thành Thăng Long vẫn tiếp tục thực hiện và không ngừng đổi mới hình thức thể hiện để làm sao truyền tải một cách chân thực và sống động nhất đến mọi người. 

“Trong những năm gần đây, hướng nghiên cứu và phát huy giá trị tại Di sản Thế giới Hoàng thành Thăng Long có những chuyển biến cơ bản, tập trung nghiên cứu theo hai hướng: Nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng. 

Các kế hoạch nghiên cứu văn hóa phi vật thể được đẩy mạnh và luôn hướng tới thể nghiệm kết quả nghiên cứu thông qua những cuộc trưng bày, triển lãm; những thể nghiệm nghi lễ truyền thống; những chương trình sự kiện… nhằm phát huy giá trị di sản, mang di sản đến gần công chúng hơn và góp phần quảng bá khu Di sản Hoàng thành Thăng Long”, chị Bùi Thu Phương nhận định. 

Thờ cúng ngày Tết là nhân tố góp phần quan trọng bảo tồn và duy trì văn hóa truyền thống - Ảnh 13.

Tiếp nối triển lãm Tết xưa, tới đây, Hoàng Thành Thăng Long sẽ phục vụ công chúng ở triển lãm Tết Nguyên Đán trong cung đình. Những nghi lễ trước, trong và sau Tết, thể hiện sự tôn nghiêm và quyền uy của triều đình dưới thời Lê - Nguyễn sẽ được tái hiện.

Thờ cúng ngày Tết là nhân tố góp phần quan trọng bảo tồn và duy trì văn hóa truyền thống - Ảnh 14.

Bên cạnh đó, các hoạt động tham quan ban ngày và tour đêm ở Hoàng Thành Thăng Long cũng được duy trì và không ngừng đổi mới để làm sao tiếp cận được với nhiều thế hệ hơn nữa. 

Hy vọng những hình ảnh thân thuộc của không gian Tết sẽ giúp mỗi người con Việt Nam, dù ở nơi đâu cũng gác lại muộn phiền, lo toan cuộc sống, tìm lại hương vị truyền thống. Bởi vì đó chính là bản sắc, là một phần thiêng liêng, không thể thiếu trong văn hóa của thế hệ người Việt bao đời nay.  

Địa chỉ khu di tích: Hoàng Thành Thăng Long, 19C Hoàng Diệu, Ba Đình, Hà Nội.

Thời gian mở cửa:

Sáng: 8h00 - 11h30.

Chiều: 14h00 - 17h30.

Gửi xe: 5.000đ/xe máy; 30.000đ/ô tô.

Giá tham quan:

- Không gian trưng bày Tết Nguyên đán truyền thống tại nhà 19C Hoàng Diệu: miễn phí.

- Không gian trưng bày Cung Đình Ngày Xuân tại khu nhà N14 từ ngày 14/01/2023: miễn phí

- Không gian trưng bày hoa, tiểu cảnh mừng Xuân Quý Mão 2023 tại khu vực Đoan Môn, Điện Kính Thiên, Hậu Lâu, bao gồm trong tour khám phá Hoàng Thành Thăng Long: 30.000đ/người. (chưa tính đối tượng ưu tiên).

- Tour đêm Giải mã Hoàng Thành Thăng Long: 19h00 thứ 6 và thứ 7 hàng tuần: 300.000đ/người lớn; 150.000đ/trẻ em.