Nếu hỏi nhân vật giám khảo nào xéo xắt số 1 trong các chương trình truyền hình thực tế ở Việt Nam thì xin chỉ điểm ngay và luôn chuyên gia trang điểm, giám đốc sáng tạo Đỗ Nam Trung - người thầy của loạt người mẫu bước ra từ Vietnam's Next Top Model. Kiểu xéo xắt không phải cứ bồ bã, chặt chém trên TV mà lại thâm thúy, sâu cay của vị giám khảo này đã khiến anh trụ vững vị trí giám khảo của Next Top Model trong 7 mùa liền.

Bởi thế mà mỗi lần chỉ dạy học trò, Nam Trung lại phát ngôn những câu từ có ý nghĩa "đắt xắt ra miếng". Hay như trong bài chia sẻ của anh với chúng tôi gần đây và vụ việc "Where is My Xà Leo" của những học trò cũ bao gồm Hoàng Thùy, Thanh Thảo và TyhD, anh cũng khiến dân tình phải phát sốt vì nói câu nào câu nấy "khét lẹt".

Cũng từ bài phỏng vấn này mà dân mạng tìm ra luôn đối thủ cạnh tranh cho ngôi vị "thánh ca dao, tục ngữ" của Hoàng Thùy. À không, phải nói là "soán ngôi" luôn rồi thì đúng hơn. Trình sử dụng chất liệu ngôn ngữ dân gian trong đối thoại của vị giám đốc sáng tạo quả là thượng thừa, rất mượt mà lại còn đúng lúc, đúng chỗ. Hoàng Thùy hãy xếp bằng thật ngay ngắn để xem thầy Nam Trung "bắn" ca dao, tục ngữ ngọt thế nào nhé!

"Gió tầng nào, mây tầng đấy"

Dù không phải là một thành ngữ cổ, dân gian tuy nhiên câu nói này dường như được nhiều người rất tâm đắc về tính triết lý. Câu nói mang hàm ý rằng bạn gặp được ai trong cuộc đời, gặp những biến cố như thế nào đều do hành động và suy nghĩ của bạn mang đến. Đừng mơ gặp hoàng tử nếu bạn không biết cách cư xử như một công chúa lịch thiệp, đừng tơ tưởng tới việc gặp người ưu tú nếu bạn không tự trở nên xuất sắc, đừng mong gặp những chuyện thuận buồm xuôi gió nếu bạn không cố gắng và nỗ lực cho những việc mình làm.

Như Nam Trung đã dặn dò học trò của mình: "Mình làm ra cái gì thì ráng mà chịu cái đó thôi. Gió tầng nào, mây tầng đấy. Đã trót làm rồi thì đừng mong lên tầng mây cao. Địa ngục cũng có 9 tầng kia kìa."

Hoàng Thuỳ mới nói vài câu ca dao tục ngữ đã tự phong thánh, vào xem Nam Trung trổ tài là tắt điện ngay lập tức - Ảnh 2.



Bầu ơi thương lấy bí cùng / Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn"
"Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau"

Hai câu ca dao, tục ngữ này thì đã quá nổi tiếng, ít nhất một lần bạn đã gặp trong đời học sinh khi cô giáo bắt bạn phải viết một bài văn Nghị luận dài thườn thượt để phân tích, giải nghĩa. Cả hai câu đều có chung một ý nghĩa nói về sự đoàn kết, gắn bó. Đến cả "bầu" và "bí" khác giống còn được dặn là phải yêu thương nhau huống chi là các người mẫu cùng bước ra từ chương trình Next Top Model, cùng chịu sự huấn luyện của vị giám khảo quyền lực Nam Trung.

Bởi thế mà gặp chuyện những thế hệ học trò của mình "đấu tố" nhau trên MXH, vị giám khảo chỉ có thể thốt lên: Tôi buồn lắm chứ, rất buồn!

"Lưng bàn tay cũng là thịt, lòng bàn tay cũng là thịt"

Hết dùng ca dao Việt Nam, Nam Trung lại lái hẳn sang dùng tục ngữ Thái Lan. Câu nói trên của anh bắt nguồn từ câu "Lòng bàn tay là da, mu bàn tay là thịt, Cấu chỗ nào cũng đau" của xứ chùa Vàng. Đã là ruột thịt, là anh em là gia đình thì ai bị thương, bị đau thì những người còn lại cũng xót, đó là ý nghĩa mà câu nói mang lại.

Bởi thế mà Nam Trung mới trả lời trong cuộc phỏng vấn về sự việc lời qua tiếng lại của các người mẫu rằng anh "bênh người này không được, người kia cũng chẳng xong." Chi bằng là ngồi xuống giải quyết êm đẹp để cả lòng bàn tay và mu bàn tay đều không phải chịu tổn thương?!

"Lùi một bước là có cả trời lẫn biển"

Nguyên văn câu nói này của Nam Trung đến từ câu tục ngữ bất hủ "Lùi một bước biển rộng trời cao, nhẫn một chút sóng yên gió lặng". Chính vị giám khảo quyền lực cũng đã giải thích tường minh ý nghĩa bao hàm của câu nói này rằng: "Chúng ta nên bao dung hơn, cái gì nhỏ quá thì bỏ qua. Cái gì nhẹ nhàng thì inbox vào chỗ nào kín kín chứ đừng nói to: "Mày đừng làm thế" rồi lại quay qua "Tao khuyên mày mà!"."

Đúng như người đời nói, lùi một bước là tiến hai bước, học cách nhẫn nhịn, tha thứ và cả nhận lỗi sai khi phạm sai lầm, sau đó sửa đổi thì biết đâu câu chuyện "Where is my Xà Leo" đã không bị đẩy đi quá xa!

Hoàng Thuỳ mới nói vài câu ca dao tục ngữ đã tự phong thánh, vào xem Nam Trung trổ tài là tắt điện ngay lập tức - Ảnh 3.

"Đường ai nấy đi, nhà ai nấy ở, hồn ai nấy giữ"

Cả 3 câu thành ngữ cùng một tầng ý nghĩa được Nam Trung "bắn" luôn trong bài phỏng vấn khi được hỏi về mối quan hệ với Hoàng Thùy hiện tại. Câu nói này quá rõ ràng về mặt ngữ nghĩa khi dùng để nói đến việc mỗi người chỉ lo việc của mình, không quan tâm chuyện người khác. Chuyện nhà ai thì người ấy tự lo liệu vì mỗi người đều có chí hướng, ngã rẽ khác nhau.

"Đời cua cua máy, đời cáy cáy đào"

Đó là câu tục ngữ mà người thầy quyền lực của dàn mẫu Next Top Model dùng để nói về mối quan hệ giữa anh và Hoàng Thùy sau cuộc thi. Câu tục ngữ này ngụ ý hãy để con cái chủ động với cuộc sống của chúng, người là cha làm mẹ không nên bao bọc quá nhiều vừa khổ mình lại hại con.

Nam Trung đã hoàn thành trách nhiệm của một người thầy truyền đạt cho các học trò, đặc biệt là Hoàng Thùy những kỹ năng, vốn liếng để tiến bước vào làng thời trang. Khi đã có danh hiệu trong tay, buộc Nam Trung cũng phải để cho học trò của mình tự lập và anh cũng phải tự sống cho cuộc đời mình.

Thế này thì Nam Trung đã xứng đáng "soán ngôi" "thánh ca dao, tục ngữ" của Hoàng Thùy chưa?