1. Đặt con ngang bằng khi trò chuyện
Nguyên tắc đầu tiên cần nhớ để có thể trò chuyện được cùng con đó là bạn cần phải tự hạ mình xuống hoặc phải nâng con lên địa vị của một người lớn để cha/mẹ và con cái có thể đặt ở vị trí ngang bằng nhau. Cha mẹ không nên nhìn xuống con cái theo kiểu người lớn - con nít. Đặt ngang bằng không có nghĩa cư xử hoặc hành động không có thứ tự trên dưới, mà là bạn cần đặt mình vào chính vị trí của con để nhìn nhận vấn đề.
Nếu chú ý quan sát bạn sẽ thấy rằng những ông bố bà mẹ càng “xì tin” bao nhiêu thì lại càng thân thiết, gần gũi với con cái của mình bấy nhiêu. Trái lại, những ông bố bà mẹ nghiêm khắc, “bề trên” thì bao giờ cũng có xu hướng xa cách với con cái mình, ít khi họ có thể chia sẻ, tâm tình với con cái.
2. Chú ý cách tiếp cận khi trò chuyện cùng trẻ
Âm điệu, cử chỉ, nét mặt và ánh mắt… là những dấu hiệu bên ngoài dễ nhận biết nhất khi giao tiếp và truyền cảm xúc. Trẻ nhỏ thì vốn rất nhạy cảm khi cảm nhận thái độ của cha mẹ và những người xung quanh. Chính vì vậy, một trong những nguyên nhân tạo ra sự khó khăn trong quá trình giao tiếp giữa cha mẹ và con cái có thể nói đó chính là những biểu cảm hoặc lời nói thể hiện sự ra lệnh, yêu cầu hơn là chia sẻ.
Khi trẻ cảm nhận đang trò chuyện trong tư thế là đối tượng bị ra lệnh hoặc áp đặt, chúng sẽ tự thu mình lại và “ghi nhớ” rất sâu. Kết quả là những lần sau, khi cần mở lòng trò chuyện, trẻ sẽ cảm thấy sợ hoặc bị động trong việc giao tiếp. Thay vào đó, cha mẹ nên tiếp cận với con theo cách nhẹ nhàng, vui vẻ và thoải mái hơn. Ví dụ như khi thấy trẻ xem TV lâu, thay vì nói theo kiểu ra lệnh: “Con tắt ngay TV để ra ăn cơm”, bạn có thể nhẹ nhàng nói: “Con yêu, cả nhà đang đợi con ăn cơm này”.
Tốt nhất, bạn đừng nên biến những cuộc trò chuyện với con cái thành buổi thuyết giảng, giáo huấn hay ra lệnh cho con mà nên coi đó là dịp để tìm hiểu xem con thích gì, mong muốn điều gì, đang gặp khó khăn gì, xem con định giải quyết ra sao... Và cũng đừng áp đặt định kiến, sự phán xét của mình lên những điều mà con kể. Tất cả những điều đó sẽ khiến trẻ mất dần thói quen chia sẻ tâm sự với cha mẹ.
3. Dành thời gian “chất lượng” bên con
Vào những lúc ở bên con trẻ, cha mẹ cần phải chú trọng đến “chất lượng” chứ không phải là số lượng thời gian tiếp xúc. Nhiều bà mẹ bận rộn tự hào khoe rằng họ bỏ ra 3 - 4 tiếng đồng hồ mỗi ngày cho con, nhưng trong 3 - 4 tiếng đó, họ sẽ nấu nướng cho con ăn, dạy con học bài hoặc chỉ dạy con làm cái này, cái kia... Đó thực ra chỉ là những công việc chăm sóc chứ không phải là đang vui chơi, trò chuyện cùng con.
Nếu một ngày cha mẹ không có ít nhất 45 phút trò chuyện, lắng nghe con hoặc chơi với con thuần túy, hoàn toàn không có áp lực học hành hay ăn uống… thì cha mẹ sẽ không thể trở thành người bạn của con. Đó là chưa kể những lúc ở bên con mà bạn vẫn ôm máy tính, điện thoại, vẫn nghĩ về công việc… thì đối với các con, đó còn là sự thiếu tôn trọng của cha mẹ đối với trẻ.
Để gần gũi với trẻ, bạn nên cùng con chơi đồ chơi hay xem bộ phim mà trẻ yêu thích. Với trẻ lớn hơn, bạn có thể bắt đầu trò chuyện với con bằng việc hỏi trẻ về chuyện học tập và các mối quan hệ của con ở trường, ở lớp rồi dần dần phát triển ra những đề tài rộng hơn. Nên nhớ, hãy hỏi để lắng nghe và chia sẻ chứ không phải để phán xét hay dạy bảo trẻ. Lúc đầu, trẻ có thể không quen và không mấy hứng thú. Nhưng dần dần, con sẽ cảm thấy gần gũi và muốn chia sẻ với cha mẹ nhiều hơn.
Bé làm điều hay, mẹ thưởng ngay Dino
Khi bé làm điều hay, một món quà nhỏ sẽ là động lực to lớn để khuyến khích bé khôn lớn mỗi ngày. Hiểu được mong ước giúp con lớn lên khỏe mạnh, ngoan ngoãn nước uống dinh dưỡng Dino dành tặng mẹ và bé cuốn sách "Cùng Dino khôn lớn từng ngày" để đồng hành với mẹ và bé trong hành trình bé khôn lớn. Mẹ hãy click vào đây để đăng ký nhận ngay phần quà dễ thương này nhé.