Đài truyền hình Giang Tô, Trung Quốc đưa tin, tối 18/2, cảnh sát tại nhà ga đường sắt ở Nam Kinh, tỉnh Giang Tô đã phát hiện một cậu bé mặc bộ đồ ngủ màu xanh lam một mình bước xuống tàu. Được đưa đến đồn cảnh sát địa phương để hỗ trợ, cậu bé nói mình không nhớ số điện thoại của bố mẹ.

Anh Lưu, sỹ quan cảnh sát địa phương, cho biết: "Cậu bé cư xử kỳ lạ và cố gắng né tránh những câu hỏi của chúng tôi. Bé nói mình bị tách khỏi bố mẹ khi họ vẫn đang ở trên tàu và từ chối cung cấp thông tin chi tiết về gia đình mình”.

Nghi ngờ thiếu niên này bỏ nhà đi, sỹ quan đã mua đồ ăn và an ủi cậu. Sau khi nói chuyện một lúc, cậu bé mới tiết lộ lý do tại sao lại đi một mình trong bộ đồ ngủ.

Học giỏi vẫn bị bố gây áp lực, cậu bé lên tàu đi xa tìm mẹ làm cảnh sát hết hồn - Ảnh 1.

Sau cuộc trò chuyện kéo dài với các sỹ quan cảnh sát hiểu rõ lý do tại sao cậu bé lang thang một mình trong bộ đồ ngủ. (Ảnh: Weibo)

Thiếu niên họ Chu này đang học tại một trường cấp hai trọng điểm ở thành phố khác. Do bất đồng quan điểm với bố, cậu rời nhà, lên tàu đi tìm người mẹ đang làm việc ở thành phố Lệ Thủy, tỉnh Chiết Giang. Không rõ hai cha con đang sinh sống ở đâu.

Cậu bé cũng cho biết mình đạt điểm cao ở trường nhưng người cha đặt ra tiêu chuẩn cao hơn và có cách dạy con rất nghiêm khắc.

Khi cảnh sát liên lạc với cha của cậu bé, anh tỏ ra rất tức giận và từ chối đón con trai mình, coi đây là cách dạy cho cậu một bài học. Tuy nhiên sau đó, anh nhanh chóng mềm lòng và quyết định đến đồn cảnh sát đón con.

Cảnh sát Lưu khuyên người cha: “Anh nên lưu ý, an toàn cá nhân của con là ưu tiên hàng đầu, lỡ như cậu bé gặp nguy hiểm thì sao? Kết quả học tập sẽ không giúp ích được gì trong trường hợp này" .

Học giỏi vẫn bị bố gây áp lực, cậu bé lên tàu đi xa tìm mẹ làm cảnh sát hết hồn - Ảnh 2.

Người cha có cách dạy con khá nghiêm khắc. (Ảnh: Weibo)

Câu chuyện này gây ra cuộc tranh luận khá sôi nổi trên mạng xã hội về cách nuôi dạy con. Nhiều người đồng cảm với trải nghiệm của cậu bé và cho rằng người cha nên thay đổi cách giao tiếp với con cái trong các vấn đề liên quan đến học hành: “Trẻ con suy cho cùng vẫn là trẻ con; cha mẹ nên kiên nhẫn giao tiếp với con”; "Con đạt điểm cao nhất trường rồi, ông còn đòi hỏi gì nữa"; "Dạy con quá nghiêm khắc sẽ ảnh hưởng đến tâm lý sau này của đứa trẻ, cha mẹ cần phải xem lại"...

Trẻ em phải vật lộn với áp lực học tập nặng nề là vấn đề được nói đến nhiều lần trên truyền thông Trung Quốc. Vào tháng 1, một cậu bé bị trầm cảm đã đến đồn cảnh sát ở tỉnh Thiểm Tây và phàn nàn rằng cha mẹ đã ép buộc cậu tham gia các buổi dạy kèm riêng mỗi cuối tuần. Cậu bé hy vọng hành động của mình sẽ khiến chính quyền phải dẹp bỏ các cơ sở dạy thêm.