Cứ mỗi độ trời đông rét ngọt, bước sang tháng Chạp là nhiều nhà lại háo hức chuẩn bị những nồi thịt đông thơm ngon để đón Tết Nguyên đán - cái Tết cổ truyền đầy ý nghĩa của dân tộc. Thịt đông có thể ăn quanh năm nhưng trong món ăn chứa miếng thịt mềm rục, mộc nhĩ giòn giòn và nước dùng đông lại như thạch đặc trưng ấy phải đến Tết mới cảm nhận được hết vị ngon. Bởi vậy mà thịt đông là món ăn không thể thiếu trong mâm cỗ Tết của mỗi gia đình.
Nếu như xưa kia các bà, các mẹ thường nấu một nồi to để ăn được lâu, dùng đến đâu lấy ra đến đó thì bây giờ món thịt đông được tạo hình đẹp đẽ, vừa vặn giúp mâm cơm, mâm cỗ Tết thêm tươm tất. Bát thịt đông lấp lánh trong suốt không chỉ là món ăn truyền thống ngon miệng mà còn là biểu tượng cho sự sum vầy, ấm áp, nhắc nhở mọi người hướng về một năm mới vẹn tròn, đầy yêu thương.
Món thịt đông dù giản dị, mang đậm hồn Việt ấy lại tô điểm cho không khí Tết thêm phần rộn ràng và trọn vẹn. Để làm được món thịt đông ngon và đẹp, mặc dù không khó nhưng cũng nhiều người chưa thành công, về hương vị lẫn độ đông của thịt không được ưng ý, thậm chí món ăn còn không đông lại, lõng bõng nước.
Lại nói về cách nấu thịt đông, phần lớn nhiều người ưa lối nấu cổ truyền đó là xào nhân, đổ phần nước vào ninh nhừ sau đó để ở nồi hoặc chia hộp nhỏ ăn dần. Cách thứ hai gọi là "tân thời", hiện đại không phải vì mới xuất hiện mà có lẽ nấu theo cách này tiết kiệm thời gian hơn. Đó là xào nhân, chia hộp, đổ nước bì ninh sẵn.
Nhìn chung, làm theo cách nào tùy thuộc vào sở thích của mỗi người. Mỗi cách nấu đều có ưu nhược điểm riêng. Cách cổ truyền thì cần ninh nhừ nguyên liệu, mất nhiều thời gian, khó tạo hình nhưng đậm đà, bắt vị. Hơn nữa, làm cách này thì thịt sau khi nấu đặc và keo hơn. Nhiều người thích nấu cách cổ truyền thì phần nước ngon hơn hẳn. Còn cách nấu "tân thời" thì phần thạch trong lại dễ tạo hình. Và để tiết kiệm thời gian, nhiều người chọn cách nấu thứ 2 tuy nhiên nguyên liệu do chỉ xào, không được ninh nhừ nên sẽ không mềm bằng cách nấu thứ nhất.
Thịt đông cổ truyền thường dùng thịt lợn, nhưng hiện tại cũng có nhiều nhà thích ăn thịt đông nấu từ gà, cũng có người thích kết hợp cả hai vừa gà vừa lợn, có khi là ngan, chân giò, sườn. Dù nấu theo cách nào, nguyên liệu ưa thích ra sao thì vẫn không thể thiếu được bì lợn để tạo chất keo. Nhưng phần nước đục hay trong, ngon hay dở cũng phụ thuộc nhiều vào kinh nghiệm người nấu.
Thịt đông ăn cùng cơm nóng, dưa món, hành muối rất "vào". Đặc biệt, trong thời tiết lạnh, miếng thịt đông thơm nồng mùi tiêu, thịt mềm rục beo béo man mát của nước thạch trong như pha lê lại càng khiến món ăn này ở một đẳng cấp rất "ra gì và này nọ".
Chưa kể đến, ngoài bày cỗ ăn trực tiếp, món thịt đông này còn tiện lợi khi chế biến nhiều món ăn khác như xào thập cẩm cùng rau hay nấu canh miến dong rau cần,... Công thức nấu thịt đông rất nhiều, mỗi người mỗi khẩu vị nhưng vẫn không "thoát" được cách nấu và nguyên liệu cơ bản.
Nếu bạn chưa biết nấu thịt đông theo công thức nào thơm ngon và hấp dẫn, có thể tham khảo cách nấu thịt đông của chị Cao Giang - "giáo viên" chuyên dạy nấu ăn chia sẻ, đảm bảo bạn sẽ có bát thịt đông thơm ngon, đẹp mắt để bày mâm cỗ trong dịp Tết Nguyên đán này.
Hướng dẫn cách nấu thịt đông thơm ngon ngày Tết
Nguyên liệu cần thiết làm món thịt đông
- 500g thịt chân giò (sử dụng phần nạc và da của chân giò trước), 500g tai heo, 3g tiêu, 50g nước mắm cốt ngon (loại 35 độ đạm, nếu sử dụng loại nước mắm có độ đạm cao hơn thì giảm lượng nước mắm xuống), 45g dầu hào, 2g mì chính.
- 10g hành củ, 4g hạt nêm, 2g muối hạt to, 20g nấm hương khô, 20g mộc nhĩ, 1.2l nước, nửa củ cà rốt để tỉa hoa.
Cách thực hiện món thịt đông
Bước 1: Chân giò mua về rửa sạch và ngâm khoảng 20 phút cùng với nước muối loãng để loại bỏ mùi hôi. Rửa sạch, sau đó để ráo. Phần tai heo mua về dùng muối, giấm, gừng hoặc chanh để chà xát, rửa sạch giúp loại bỏ mùi hôi. Tiếp đó, để ráo nước.
Bước 2: Chuẩn bị 1 nồi nước sôi, cho thêm chút muối và hành tím đập dập. Lần lượt cho tai heo, chân giò vào luộc qua để loại bỏ phần bọt bẩn. Đây cũng là mẹo giúp cho phần nước thạch của thịt đông ngon và trong hơn.
Bước 3: Cắt thịt từng miếng vừa ăn theo sở thích và khẩu vị của mỗi nhà. Trộn tất cả các gia vị nêm nếm với nhau và chia đôi. Một nửa mang ướp với thịt đã thái nhỏ từ 30 phút đến 1 giờ.
Bước 4: Sau khi ướp cho lên bếp xào săn. Sau đó, thêm 1.2l nước và nấu ở lửa vừa đến khi phần thịt mềm vừa phải.
Bước 5: Mộc nhĩ rửa sạch, ngâm nở. Mộc nhĩ thái sợi hoặc cắt miếng nhỏ. Nấm hương rửa sạch, ngâm cùng 100ml nước nóng, phần nước ngâm nấm hương này sẽ giữ lại. Đây là bí quyết tiếp theo giúp món thịt đông thơm hơn. Nấm hương thái nhỏ hoặc để nguyên cái tùy thuộc sở thích.
Bước 6: Cho hành băm vào xào cùng chút mỡ hoặc dầu ăn, mộc nhĩ và nấm hương cho vào xào cùng. Một nửa phần gia vị đã trộn trước đó mang nêm nếm vào.
Bước 7: Khi nồi thịt đã ninh được khoảng 40-50 phút thì cho phần nhân mộc nhĩ nấm hương đã xào vào cùng nước nấm hương. Trong quá trình đó có thể vớt bọt đổ đi để phần nước được trong. Nêm nếm gia vị cho vừa miệng và hầm thêm từ 30-40 phút tùy vào độ mềm mà bạn thích. Nhiều người thích ăn mềm rục, cũng có người thích ăn mềm vừa. Tuy nhiên, không nên ninh nhừ nát vì làm như vậy khiến nước thạch bị đục và món ăn tạo hình cũng không đẹp, nấm hương và mộc nhĩ mất đi độ giòn.
Bước 8: Cà rốt mang cắt tỉa hoa theo ý thích. Cho vào hộp thủy tinh hoặc các bát vừa ăn, xếp hoa cà rốt xuống dưới đáy và cho thịt đông lên trên. Theo công thức 1kg nguyên liệu sẽ chia được 6 bát ăn cơm thịt đông. Thịt đông nấu xong mang bảo quản ngăn mát được 1 tuần. Bởi vậy, hãy tính toán số lượng ăn vừa đủ để không nấu nhiều quá để lâu vị sẽ không còn ngon như mới nấu.