Bài viết dưới đây hi vọng sẽ trở thành kiến thức tham khảo hữu ích giúp cho các bậc cha mẹ trong vấn đề này.
Ăn như thế nào chứ không phải ăn bao nhiêu
Giai đoạn từ 0 đến 3 tuổi chính là thời kỳ nền tảng để rèn luyện cho trẻ thói quen ăn uống khoa học, nuôi dưỡng niềm vui với ăn uống, chứ không phải là cố ăn cho thật nhiều.
Cảm nhận ăn uống là một niềm vui: Khi bắt đầu tiếp xúc với món ăn có thể trẻ ghét hay chưa quen, thì thông qua bữa ăn cha mẹ cần truyền cho con bài học “ăn uống trước hết phải là một niềm vui”. Muốn như thế thì bữa ăn phải luôn diễn ra vui vẻ, mẹ vui cười dẫn dụ trẻ tập ăn chứ không thể là những tiếng quát tháo ép con ăn, vì điều đó sẽ chỉ khiến trẻ thấy sợ hãi với việc ăn uống mà thôi.
Hãy để trẻ cảm nhận ăn uống là một niềm vui (Ảnh minh họa: YsPhoto1/PIXTA)
Học cách cảm nhận mùi vị của nhiều thực phẩm: Trẻ cần học cách cảm nhận vị và mùi của các món ăn, các loại thực phẩm khác nhau để giúp nuôi dưỡng cơ quan vị giác. Đó là lí do vì sao người Nhật luôn cho trẻ tập nếm nhiều loại thực phẩm khác nhau khi bắt đầu tập cho trẻ ăn dặm.
Hình thành thói quen ăn uống có quy tắc: Với con trẻ việc lặp đi lặp lại và có nhịp điệu và có quy tắc là điều vô cùng quan trọng giúp trẻ phát triển cả về thể chất và trí tuệ. Thói quen ăn uống khoa học trước hết cần phải bắt đầu từ thói quen ăn uống đúng giờ giấc, đúng bữa ngay từ những ngày đầu khi trẻ tập ăn. Việc làm này được lặp đi lặp lại thì dần dần như một phản xạ có điều kiện, trẻ sẽ hiểu được là đến giờ nào sẽ ăn, sẽ chơi, sẽ ngủ. Chính nhịp điệu sinh hoạt này là một nhân tố quan trọng giúp trẻ hình thành nhịp điệu sinh học cho cơ thể, và giúp nuôi dưỡng tâm hồn an thái, tính khí hiền hòa.
Trong số những cha mẹ mệt mỏi vì con lười ăn, ăn ít, ăn chậm không ít người quá chú trọng đến vấn đề chiều cao, cân nặng của con không nằm trong “biểu đồ đánh giá chuẩn” của Bộ Y tế, mà quên nhìn vào chính con mình. Nếu con vẫn tăng cân dù không nhiều, nhưng vẫn khỏe mạnh thì có nghĩa là con vẫn ổn, chỉ là cái dạ dày của con nó chỉ có nhu cầu ăn đến mức đó. Nếu cha mẹ hiểu được 3 nguyên tắc cơ bản ở trên rồi thì những bước tiếp theo sẽ giúp cha mẹ cải thiện cái dạ dày và thói quen ăn uống cho con mình.
7 bước giúp con cải thiện bệnh lười ăn
Bước 1: Cho con tận hưởng niềm vui “chén sạch đĩa thức ăn”
Cha mẹ thường chỉ nghĩ đến việc làm thật nhiều đồ ăn mong con ăn thật nhiều. Nhưng khi con không ăn thì thở dài thất vọng, hoặc quát mắng mà không hề biết rằng trẻ cũng rất buồn khi nhìn thấy khuôn mặt ấy của cha mẹ. Vậy thì, thay vì chỉ quan tâm đến mong muốn của mình, cha mẹ hãy thử làm món ăn mà gói tròn cả suy nghĩa và tâm trạng của con mình trong đó xem sao. Thay vì chất đầy đĩa thức ăn một lần hãy chia làm nhiều lần và nếu con muốn ăn thêm thì lại lấy thêm. Thay vì làm nhiều con ăn thừa, thì hãy làm ít đi vừa đủ để con ăn hết. Khi nhìn đĩa trống trơn hãy vỗ tay khen ngợi “Ôi con ăn được hết rồi này”. Trẻ sẽ cảm nhận được niềm vui khi nhìn thấy khuôn mặt tươi cười, rạng rỡ của mẹ và chính điều đó giúp trẻ cảm nhận được “niềm vui ăn uống”, và muốn ăn thêm.
Ở nhà trẻ Nhật, giáo viên luôn để lượng ăn mỗi trẻ khác nhau tùy khả năng, để giúp trẻ cảm nhận niềm vui “ăn hết sạch đĩa thức ăn của mình”, vừa giúp trẻ tự tin vào bản thân, vừa không cảm thấy thua kém các bạn khác.
Bước 2: Trẻ có thật sự đói bụng không
Một nguyên nhân rất lớn cho việc trẻ không chịu ăn hay ăn ít chính là vì cái bụng không đói. Nhiều cha mẹ sai lầm khi trên đường đón con từ nhà trẻ về vẫn cho con bịch sữa vì sợ con đói, hay ở nhà liên tục cho con ăn vặt trước bữa ăn. Vì thế trước bữa ăn con đã lửng bụng rồi không còn cảm giác ăn uống nữa. Thời gian cho bữa phụ và bữa chính nên thực hiện có giờ giấc và hợp lí. Ví dụ như bữa ăn phụ chỉ nên kết thúc lúc 3 giờ chiều và kể từ lúc đó đến lúc ăn bữa tối không nên cho trẻ ăn vặt hay uống sữa để tạo cảm giác đói.
Bước 3: Cho trẻ được tự xúc ăn
“Mẹ đút thì con mới ăn được nhiều”, “Để con ăn bốc hay tự xúc, con làm bẩn dọn mệt lắm”. Suy nghĩ ấy không chỉ làm trẻ mất đi hứng thú ăn uống vì bị người khác điều khiển, mà còn mất đi cơ hội giúp trẻ cảm nhận món ăn theo cách riêng của mình thông qua việc ăn bốc, hay cầm thìa, nĩa. Vì thế ở giai đoạn từ 8,9 tháng đi trẻ biết cầm nắm rồi hãy làm món ăn cho trẻ chủ động tập bốc, và dần dần tập cho trẻ tự cầm thìa để xúc ăn.
Bước 4: Chế biến sao để trẻ dễ ăn nhất
Hãy chế biến món ăn với kích cỡ, độ mềm rắn khác nhau phù hợp với từng giai đoạn phát triển của trẻ giúp trẻ nhai dễ hơn, cầm nắm dễ hơn... Có thể nêm một chút gia vị sẽ giúp trẻ có hứng thú ăn hơn.
Bước 5: Thay đổi cách nêm gia vị và cách nấu
Có thể món ăn được mẹ nấu quá nhạt nên trẻ không ăn. Mẹ có thể nêm thêm một chút gia vị, nhưng cần chú ý đến lượng muối lấy vào cơ thể trẻ. Cùng một nguyên liệu nhưng có thể thay đổi vị nào trẻ thích, kết hợp cùng các thực phẩm mà trẻ muốn ăn.
Bước 6: Cùng trẻ chế biến món ăn
Cùng trẻ đi chợ chọn thực phẩm, để trẻ giúp nhặt rau, rửa rau, bưng đồ ăn ra bàn trong quá trình chế biến, có thể sẽ tốn thời gian hơn bình thường nhưng nó lại là khoảng thời gian tuyệt vời giúp trẻ hiểu quá trình nấu nướng phải công phu ra sao để quý trọng đồ ăn, đồng thời trẻ sẽ muốn tận hưởng món ăn do chính tay mình làm. Ngoài ra,với những trẻ ghét ăn rau cha mẹ hãy cùng trẻ tập trồng một loại cây nào đó, chắc chắn trẻ sẽ có hứng thú ăn uống với chính loại rau mình trồng, và từ đó cải thiện thói quen ăn rau cho mình.
Bước 7: Kiên nhẫn và không nổi giận
Bữa ăn không nên để trẻ phân tâm vào tivi, điện thoại hay đồ chơi và nên quy định chỉ ăn trong 30 phút còn nếu lâu hơn thì mẹ sẽ dọn để trẻ biết tuân thủ thời gian.
Ngay khi bắt đầu bữa ăn mà mẹ đã ra lệnh “Không ăn thì thôi mẹ dọn”, “Không ăn mẹ không cho xem tivi nữa đâu” là những hành động tuyệt đối không nên làm vì nó chỉ làm cho trẻ thấy ghét bữa ăn mà thôi. Thay vì nói những câu cấm đoán như thế hãy nói để chờ đợi trẻ ăn như “Bon mà ăn được cái này thì giỏi quá”. Cũng đừng nên thể hiện sự nóng vội “Ăn đi con, ăn đi con” để thúc giục trẻ. Hãy kiên nhẫn chờ đợi và thể hiện sự vui mừng khi trẻ ăn được món nào, dẫn dụ bằng câu nói về các món ăn trên đĩa. Nếu được hãy để trẻ ăn cùng cả gia đình từ tầm 1 tuổi để giúp trẻ cảm nhận được niềm vui của bữa ăn.