Phan Nguyễn Đồng Khởi (sinh năm 2008), cựu học sinh trường THCS Lê Quý Đôn, TP Thủ Đức, TP.HCM từng gây chú ý khi giành được học bổng của 6 trường Trung học ở Mỹ khi chỉ mới 13 tuổi. Khởi qua Mỹ vào cuối tháng 8/2022 và nhập học tại trường St. Croix Lutheran Academy, bang Minnesota được hai tuần. 

Lần đầu tiên xa nhà, làm quen với một cuộc sống mới, nam sinh không tránh khỏi bỡ ngỡ. Tuy nhiên, theo Khởi, thầy cô trong trường rất tốt bụng và luôn nhiệt tình với học sinh. Em còn được thầy tặng một vài đồ dùng cá nhân khi mới đến. Bạn bè ở đây hầu hết đều thân thiện khiến Khởi cảm thấy dễ hòa nhập và vơi đi cảm giác nhớ nhà.

Khởi chia sẻ, nhờ kinh nghiệm hoạt động trong các câu lạc bộ, tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa trước đó nên khi sang đây em không tốn quá nhiều thời gian để làm quen và trò chuyện cùng mọi người. Tuy nhiên, "nếu chuẩn bị đi du học thì các bạn nên chuẩn bị sẵn tinh thần... nhớ đồ ăn, gia đình và đôi lúc sẽ thấy rất hụt hẫng vì cảm giác mình không thân được với bạn bè như ở Việt Nam", Khởi nói.

Học ở Mỹ khác Việt Nam thế nào? Chia sẻ từ nam sinh 13 tuổi giành học bổng của 6 trường trung học Mỹ  - Ảnh 1.

Phan Nguyễn Đồng Khởi (sinh năm 2008), cựu học sinh trường THCS Lê Quý Đôn, TP Thủ Đức từng gây chú ý khi giành được học bổng của 6 trường Trung học ở Mỹ.

Thông thường, khoảng 7h45 hàng ngày Khởi sẽ đến lớp, học tới 15h10 rồi cùng các bạn tham gia thể thao sau ngày học. 5h30 Khởi về ký túc xá, ăn tối và sinh hoạt tự do, tới 21h30 nộp thiết bị, 22h đi ngủ. 

Về thời khóa biểu, chương trình học, phân bổ lớp học ở Mỹ cũng có nhiều khác biệt so với ở Việt Nam. 

1. Thời khóa biểu

Trường học của Khởi vào học trễ nhưng lại ra về sớm hơn Việt Nam. Tuy nhiên, nếu nói thời gian học ở Mỹ ít hơn Việt Nam thì lại không phải. Một ngày tại St. Croix Lutheran Academy có 8 tiết học, ngoài ra còn có thêm giờ advisory và chapel (khoảng thời gian học sinh cầu nguyện, thiền định,...) tổng cộng khoảng 40 phút. Mỗi tiết học cũng sẽ có độ dài 40-41 phút, đôi khi còn phụ thuộc vào môn học.

Trường Khởi theo học không có giờ ra chơi hay giờ ngủ trưa. Khi hết tiết thì Khởi cùng các bạn có 4 phút để đi sang lớp mới, giờ ăn trưa tầm nửa tiếng. Lịch học liên tục mới nghe qua sẽ thấy khá mệt, tuy nhiên cá nhân Đồng Khởi cho rằng không có vấn đề.

Học ở Mỹ khác Việt Nam thế nào? Chia sẻ từ nam sinh 13 tuổi giành học bổng của 6 trường ở Mỹ - Ảnh 2.

2. Chương trình học

Khác với Việt Nam, chẳng hạn như một ngày 8 tiết thì có 3 tiết Văn, 2 tiết Toán và 3 tiết Anh văn. Đối với trường ở Mỹ, một ngày 8 tiết thì bạn sẽ học 8 môn đã chọn. Điều này khiến học sinh luôn thích thú vì được theo học môn học mình yêu thích. Trước khi vào năm học mới, học sinh sẽ được gửi form để chọn môn học. Trong thời gian một tuần sau đó, các bạn có quyền được xem xét và chuyển lớp nếu muốn.

 

Khởi cho biết: "Lúc đầu, em được xếp vào hai lớp ESL 2 (Lớp tiếng Anh kèm) và Algebra 1 (Đại số 1) nên yêu cầu được đổi từ ESL 2 sang Study Hall (Là một dạng tiết học mà học sinh sẽ vào thư viện và ngồi làm bài của các môn học khác); từ Algebra 1 (Đại số 1) lên Algebra 2 (Đại số 2).

Ngoài ra, vì học sinh chọn môn học theo yêu thích, nên rất khó để có học sinh trùng thời khóa biểu với nhau, cũng vì như vậy mà đôi khi một lớp học sẽ có đa dạng học sinh từ nhiều khối, thuận tiện hơn trong việc kết bạn".

Nhiều người thường "đồn" rằng "học ở Mỹ thì không cần vở", theo Khởi, quả là không cần thật, nhưng không cần cái này thì lại cần cái khác.

"Khi sang đây, em mua một cái binder (sổ còng), và kèm theo một xấp giấy được đục lỗ sẵn để có thể viết bài từng môn và kẹp vào. Hầu hết ở đây không sử dụng giấy nhiều. Tới bài học, giáo viên thường phát giấy cho học sinh rồi học bài và làm bài dựa trên tờ giấy đó. Những tờ giấy sau khi học xong cũng sẽ được kẹp vào binder (sổ còng) để học sinh làm tài liệu ôn tập. 

Em thường sử dụng giấy trắng mua sẵn để viết bài tập về nhà, nhưng nếu không thích thì cũng có thể viết và nộp online vì bài tập cũng sẽ được đăng lên Google Classroom", Khởi chia sẻ.

Học ở Mỹ khác Việt Nam thế nào? Chia sẻ từ nam sinh 13 tuổi giành học bổng của 6 trường trung học Mỹ  - Ảnh 2.

St. Croix Lutheran Academy, bang Minnesota, Mỹ.

Tuy nhiên, cũng sẽ có một vài môn yêu cầu vở, chẳng hạn như môn Engineering (Kỹ thuật), dù vậy nội dung ghi tương đối ít.

3. Lớp học

Trường học ở Mỹ coi khối 9 là cả một tập thể với nhau chứ không phân ra thành nhiều lớp như 9/1; 9/2 hay 9A, 9B,... Học sinh học môn nào thì đi tới lớp của giáo viên dạy môn đó, và cũng vì thế nên được làm quen nhiều môi trường hơn là học trong một lớp học trong nguyên một năm. Vào lớp học không được mang cặp, nên học sinh sẽ cất cặp ở trong tủ khóa. Năm học mới bắt đầu thì mỗi người sẽ nhận được số tủ khóa và mật khẩu.

Khởi cho biết, việc có cơ hội du học từ cấp ba giúp học sinh có nhiều lợi thế trong việc cạnh tranh vào các trường đại học nước Mỹ, cũng như rèn luyện khả năng tự lập từ nhỏ và đặc biệt là trau dồi nhiều kỹ năng mềm hữu ích. Mục tiêu của Khởi là cố gắng học lấy điểm cao và tham gia thật nhiều hoạt động ngoại khóa để có thể có nhiều cơ hội hơn trong tương lai.