Khó thở, không ăn được vì hóc phao câu vịt, bệnh nhân nam 69 tuổi suýt mất mạng
Mới đây, Bệnh viện Quân y 120 vừa cấp cứu lấy dị vật là chiếc phao câu vịt ra khỏi họng của nam bệnh nhân 69 tuổi ở Bến Tre. Theo đó, hóc dị vật khiến bệnh nhân vào viện trong tình trạng khó thở, nuốt đau, không ăn uống được, nặng ngực sau xương ức, nói không rõ lời... Sau khi thăm khám, bác sĩ đã chỉ định nội soi họng và phát hiện dị vật nằm ở hố lê hai bên chèn ép thanh quản.
Các bác sĩ đã xử trí lấy dị vật ra là một cái phao câu vịt tróc da còn nguyên thịt và xương, kích thước 3 x 3,5 x 5 cm, nằm kẹt cứng vào hố lê hai bên, chèn ép gần hết thanh quản. Sau khi cấp cứu xong, bệnh nhân khỏe, cổ họng giảm đau, cảm giác dễ chịu; mạch, huyết áp, hô hấp ổn định, được tư vấn về nhà.
Bác sĩ thăm khám trực tiếp cho bệnh nhân khẳng định, đây là một trường hợp đặc biệt bởi miếng phao câu vịt khá lớn đã nằm kẹt cứng vào hố lê hai bên, chèn ép thanh quản trên 12 giờ và gây khó khăn khi thực hiện thủ thuật. Các bác sĩ phải xử lý cẩn thận để không làm tổn thương thực quản. Sau hơn 20 phút, dị vật được lấy ra khỏi thực quản bệnh nhân.
Trong đó, bước sơ cứu ban đầu vô cùng quan trọng. Trong nhiều trường hợp, việc sơ cứu không kịp thời và đúng cách có thể dẫn đến tử vong đáng tiếc chứ không phải ai cũng may mắn như người đàn ông này.
Sơ cứu đúng cách khi bị hóc dị vật – Phương pháp Heimlich cần được sử dụng thuần thục
Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng (Nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai), để sơ cứu khi bị hóc dị vật, chúng ta cần thực hiện những bước sau theo thủ thuật Heimlich theo hướng dẫn cụ thể dưới đây!
Đối với người lớn
- Đầu tiên, người thân nên bình tĩnh, đỡ bệnh nhân đứng thẳng, mặt hướng về phía trước, người cấp cứu đứng phía sau, hai tay ôm bụng sát trên xương ức dùng cả thân người mình giật mạnh từ trước ra sau và từ dưới lên trên, làm tăng áp lực trong lồng ngực tống dị vật ra. Thực hiện động tác nhanh và dứt khoát.
- Khi nạn nhân ngã xuống, người thân cần lật nghiêng người hoặc nằm ngửa nhưng đầu nghiêng. Lấy hai bàn tay ấn vào phía trên xương ức thật mạnh từng cái một. Sau mỗi đợt ép, dùng 2 - 3 ngón tay để móc khoang miệng kiểm tra xem dị vật ra chưa.
Đối với trẻ nhỏ
- Một tay giữ bé, một tay dùng lòng bàn tay vỗ thật mạnh 5 – 7 cái vào lưng bé, chỗ giữa hai xương bả vai. Hành động này sẽ khiến áp lực trong lồng ngực trẻ tăng lên để tống đẩy dị vật ra ngoài.
- Sau khi thực hiện xong mà trẻ vẫn khó thở và tím tái, cha mẹ cần đặt bé nằm ngửa, dùng hai ngón trỏ ấn nhanh, mạnh, đột ngột vào xương ức.
Nếu thấy cháo, sữa, canh… chảy từ mũi, miệng ra, cha mẹ cần hút sạch để thông đường thở cho con. Việc này cần làm sớm để tránh sữa không ứ đọng trong mũi, miệng.
Đặc biệt với trẻ dưới 2 tuổi, phụ huynh có thể dùng phương pháp vỗ lưng ấn ngực. Lấy 3 ngón tay (ngón trỏ và ngón giữa chĩa ra) ấn mạnh 5 lần vào vùng thượng vị (vùng trên rốn và dưới xương ức).
Làm động tác này tới khi nào bé thấy đỡ hơn, tỉnh táo hơn. Song song với việc đó là gọi xe cấp cứu.
- Với những bé còn tỉnh táo, nói được, cha mẹ nên để trẻ đứng thẳng. Một người đứng ra sau lưng, ôm ngang thắt lưng bé, một tay tạo thành nắm đấm ấn mạnh lên vùng thượng vị, dưới xương ức của trẻ. Ấn mạnh theo hướng từ dưới lên trên liên tiếp.
- Trường hợp trẻ hôn mê, cha mẹ cần đặt bé nằm ngửa. Người sơ cứu quỳ gối, nắm 2 bàn tay thành 2 nắm đấm, đột ngột ấn vào dưới xương ức của trẻ. Ấn mạnh liên tiếp tới khi nào bé tỉnh. Sau đó đưa bé ngay vào viện.
Lưu ý: Sau các bước sơ cứu, nếu dị vật hóc ra được thì vẫn cần nhanh chóng đưa nạn nhân đến bệnh viện để kiểm tra, đề phòng dị vật còn sót lại ở đường thở.