Gần đây, cô Trịnh Thu Tuyết, nguyên giáo viên dạy Ngữ văn của Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội) đã chia sẻ về trường hợp một học sinh lớp 6 là con của bạn mình bị chép phạt.
Lý do là cô giáo ra đề bài “Hãy kể về thần tượng của em”. Học sinh này không làm bài vì lý do không có thần tượng nào dù biết cách làm bài. Cô con gái của người bạn bị cô giáo phạt phải chép 100 lần câu: "Em xin lỗi cô, lần sau em không thế nữa”. Cô bé vừa chép phạt vừa khóc vì không hiểu sao mình bị phạt.
TS Văn học Trịnh Thu Tuyết cho rằng, đề bài chưa ổn về kiến thức, kĩ năng khi câu lệnh yêu cầu kể về một đối tượng mà với học trò, có thể không tồn tại, hoặc có thể các em cũng không hiểu khái niệm “thần tượng” là gì.
Cũng theo TS Thu Tuyết, đề bài và hình phạt của cô với trò sau đó đã cho thấy tâm lý nô lệ đáng sợ trong giáo dục con người, khi yêu cầu con người buộc phải có đối tượng để sùng bái.
“Cô giáo đã làm tổn thương cái tôi cá nhân của học trò khá nặng nề” - Cô Tuyết khẳng định.
Cô Tuyết cho rằng, câu chép phạt 100 lần: "Em xin lỗi cô, lần sau em không thế nữa” cộng thêm lời kể của mẹ bé: "Con vừa chép vừa khóc vì “con không hiểu sao con bị phạt” là minh chứng đau lòng cho sự thất bại thảm hại của giáo dục - lần sau con cứ phải sùng bái một ai đó/hay lần sau con phải cố viết những điều giả dối.
"Phải chăng mục đích của giáo dục là xóa bỏ cái tôi tự trọng, trung thực và biến đối tượng giáo dục thành những robot không được phép phản biện” - cô Tuyết nhấn mạnh.
Cách phạt này là hình thức bạo lực học sinh?
Về vấn đề này, cô Nguyễn Đình Thủy, giáo viên dạy Văn trường THPT Hoài Đức A, Hà Nội cho rằng, giáo viên cho đề nhưng không có sự định hướng cho học sinh.
Theo cô Thủy, giáo viên phải định hướng cho học sinh về thần tượng là gì trước đã. Không phải cứ phải người thật nổi tiếng, đáng ngưỡng mộ mới là thần tượng mà có thể là người em trân trọng, hoặc người đó đã làm những điều tốt đẹp mà đáng để ngưỡng mộ.
Việc giáo viên phạt học sinh 100 lần đó là một cách bạo lực học sinh. Việc dùng hình phạt này với học sinh chứng tỏ giáo viên quá máy móc, mang tính áp chế.
“Giáo dục hiện đại là tạo hứng thú cho học sinh. Nếu học sinh nói học sinh không có thần tượng thì giáo viên phải có cách để giải thích cho học sinh hiểu thần tượng không phải ai cao siêu mà những con người đẹp đẽ xung quanh. Còn nếu giáo viên khơi gợi như vậy mà học sinh vẫn nói không thấy về những điều và con người tốt đẹp thì lúc đó thực sự lỗi của gia đình, giáo viên và giáo dục lại tâm hồn cho học sinh” - cô Thủy nói.
Cô giáo Lê Thị Tâm Hảo, giáo viên dạy Văn trường THPT chuyên Ngữ, ĐH Quốc gia Hà Nội cho rằng, thay vì phạt, cô giáo nên có một phương án xử lý tích cực hơn cho học sinh.
"Việc áp dụng hình phạt này không mang tính tích cực. Giáo viên có thể gợi mở hơn về đề bài cho học sinh có thể làm bài. Thay vì bắt em làm về thần tượng, giáo viên có thể cho học sinh có một phương án khác như viết về một người mà em ấn tượng, yêu thích, đặc biệt ấn tượng ở lĩnh vực khác" - cô Hảo chia sẻ.
Cũng theo cô Hảo, cũng phải nhìn nhận đây chỉ là một học sinh lớp 6, em có thể nhìn nhận về thần tượng còn theo nghĩa hẹp nên em mới không xử lý tốt trong tình huống này.