Bước sang học kỳ 2, Nguyễn An Linh, học sinh lớp 9 trường THCS Yên Hòa, Cầu Giấy (Hà Nội) cảm nhận rõ sức nóng trong cuộc đua vào lớp 10 công lập. Ngoại trừ tối Chủ nhật, thời khoá biểu các ngày trong tuần của Linh đều được lấp kín bằng lịch học chính khoá trên lớp, học thêm, học tại trung tâm ôn thi vào lớp 10.

Do chưa biết năm nay thi vào lớp 10 có môn thi thứ tư hay không nên vào tối thứ 3-5-7, Linh tham gia lớp học thêm môn Toán - Ngữ văn - tiếng Anh, còn thứ 2, 4, 6 học thêm môn Vật lý, Hóa học, Lịch sử. Còn lại, hai môn Địa lý và Sinh học không quá khó nên nữ sinh quyết định tự học tại nhà vào ngày Chủ nhật.

Học sinh Hà Nội học ngày, cày đêm ôn thi vào lớp 10 - Ảnh 1.

Học sinh Hà Nội chật vật, cày ngày đêm ôn thi vào lớp 10. (Ảnh minh họa)

Hàng ngày, đi học thêm về đến nhà lúc 10h tối, Linh chỉ nghỉ ngơi khoảng 30 phút, tranh thủ tắm rửa, ăn nhẹ vài miếng bánh rồi lại tiếp tục ngồi vào bàn để làm bài tập, luyện đề ôn thi, "không hôm nào ngủ trước 1h sáng".

Lượng kiến thức khổng lồ khiến Linh đôi lúc thấy uể oải, chán nản việc học, nhưng nếu không cố gắng bản thân sẽ không đạt kết quả tốt trong kỳ thi sắp tới. Mục tiêu của Linh thi đỗ vào lớp 10 trường THPT Cầu Giấy và THPT Yên Hoà. Năm ngoái, hai trường này lấy điểm chuẩn lần lượt 41,5 và 42,25 điểm (trung bình khoảng 8,4 điểm mỗi môn).

Thấy con học ngày, học đêm, chị Hà Thị Liễu - mẹ của Linh xót xa: "Gia đình luôn đầu tư hết sức cho con học tập và mong muốn đạt được kết quả cao trong kỳ thi vào lớp 10 sắp tới. Biết con học vất vả nhưng không còn cách nào khác, tôi chỉ biết động viên cố gắng trong khoảng thời gian này" , chị Liễu nói.

Ngô An Nguyên học sinh lớp 9, trường THCS Lương Thế Vinh đặt mục tiêu vào trường THPT Lương Thế Vinh và THPT Ngô Thì Nhậm. Để đạt mục tiêu đó, Nguyên dành phần lớn thời gian cho việc ôn luyện tại các trung tâm. Mỗi ngày, sau giờ tan trường, cậu tham gia 2 lớp học thêm từ 18h - 22h.

Quay cuồng với sách vở, Nguyên không có nhiều thời gian cho việc giải trí nên thường xuyên trong tình trạng căng thẳng. "Hôm nào em cũng học đến 1 - 2h sáng, ngủ dậy 7h lại tiếp tục đến trường học. Bây giờ bắt đầu là thời gian nước rút để ôn tập kiến thức nên em tranh thủ mọi lúc, mọi nơi, chuẩn bị kỹ lưỡng nhất về mặt kiến thức", Nguyên nói.

Dù bố mẹ Nguyên không ép buộc hay đặt mục tiêu quá cao nhưng nam sinh vẫn luôn tự tạo áp lực cho mình phải đỗ được vào trường công lập có tiếng, chất lượng đào tạo tốt.

Cô Huỳnh Thị Quỳnh, giáo viên dạy Ngữ văn ở trung tâm dạy thêm tại Hà Nội chia sẻ, đây bắt đầu là thời điểm nước rút, số lượng phụ huynh đăng ký cho con học thêm, ôn thi cấp tốc bắt đầu tăng. Ngày nào cô Quỳnh cũng nhận được vài cuộc gọi hỏi về việc xin cho con học thêm nhưng hiện trung tâm đã quá tải, các giáo viên kín lịch.

Theo cô Quỳnh, năm nay số lượng học sinh đăng ký vào lớp 10 các trường công lập tại Hà Nội tăng lên, đồng nghĩa tỷ lệ chọi cũng cao hơn nên việc học sinh ôn luyện căng thẳng, áp lực cũng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên học sinh cũng nên học vừa phải không nên ép bản thân học quá sức, lúc đó sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe và khả năng tiếp thu kiến thức.

"Hiện nay tôi thấy nhiều học sinh học rất vất vả, cày ngày cày đêm cả trên trường, ở nhà và học thêm, khiến các em mệt mỏi. Tôi mong các em cân bằng tốt giữa việc ôn luyện và rèn luyện sức khỏe thật tốt", cô Quỳnh nói.

Tới thời điểm này, nhiều địa phương đã công bố phương án thi vào lớp 10 với điều chỉnh giảm số lượng môn thi theo hướng chỉ tổ chức thi 3 môn thi (Toán, Ngữ văn, tiếng Anh) để giảm áp lực cho học sinh. Trong khi đó, Hà Nội vẫn chưa chốt phương án tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập năm học 2024-2025.

Áp lực lớn nên thời điểm này, hầu hết học sinh, phụ huynh đều mong muốn thành phố sớm chốt phương án thi vào lớp 10 với 3 môn: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ để học sinh yên tâm học và ôn tập, chuẩn bị tốt cho kỳ thi sắp tới. 

Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, năm học 2024 - 2025, dự kiến có 134.942 học sinh đăng ký dự tuyển vào lớp 10 THPT, tăng 5.732 học sinh so với năm học 2023 - 2024. Về quy mô trường THPT công lập, so với năm học 2023 - 2024 (không tính trường công lập tự chủ), năm học 2024 - 2025, dự kiến Hà Nội có 121 trường, tăng 2 trường.