Năm học 2022-2023, cấp THPT thực hiện Chương trình GDPT 2018 đối với lớp 10. Theo đó, cùng với sách giáo khoa mới, phương pháp dạy, kiểm tra của giáo viên có nhiều thay đổi.

Tại Trường THPT Phong Phú (huyện Bình Chánh), lần đầu tiên, đề kiểm tra Ngữ văn giữa học kỳ 1 của học sinh khối 10 được thiết kế theo hình thức trắc nghiệm kết hợp tự luận. Hình thức kiểm tra mới mẻ này khiến học sinh vô cùng thích thú. Học sinh khá thoải mái vì sự đổi mới của đề thi khi yêu cầu học sinh vận dụng kỹ năng làm bài hơn là kỹ năng học thuộc, sao chép.

Cô Nguyễn Thị Minh Tâm, Hiệu trưởng Trường THPT Phong Phú chia sẻ, dựa vào hướng dẫn và chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, Tổ Ngữ văn đã thiết kế bài kiểm tra giữa kỳ gồm 2 phần: phần đọc hiểu và phần làm văn theo tỷ lệ 6-4. Trong phần đọc hiểu, xây dựng 10 câu hỏi bao gồm 7 câu trắc nghiệm (mỗi câu 0,5 điểm) và 3 câu tự luận (trả lời ngắn), phân bổ theo các cấp độ nhận biết, thông hiểu, vận dụng.

Các câu hỏi phần đọc hiểu xoay quanh vấn đề có liên quan đến tri thức Ngữ văn theo đặc trưng thể loại, chủ điểm. Học sinh dễ dàng nhận diện, có thể so sánh, đối chiếu với các tác phẩm đã học để chọn được đáp án đúng.

“Vì yêu cầu không dùng ngữ liệu trong sách giáo khoa, chúng tôi lấy một văn bản ngoài sách nhưng thể loại tương đương với một trong số các bài được học trong sách. Ngữ liệu tham khảo nhiều nhưng trước khi xây dựng một đề bài, giáo viên phải kiểm tra những câu hỏi xem trên mạng có không, nếu có thì phải xây dựng câu hỏi khác.

Cách kiểm tra này có ưu điểm là giảm áp lực thi cử. Học sinh chỉ cần nắm vững kỹ năng đọc hiểu theo thể loại, viết theo kiểu bài là có thể làm tốt, không cần thuộc lòng như trước. Điều này đòi hỏi các em phải tăng cường thực hành để thuần thục kỹ năng, phát triển năng lực ngôn ngữ, năng lực văn học và các năng lực chung như tự chủ, tự học, phù hợp với mục tiêu của chương trình phổ thông mới”, cô Tâm chia sẻ.

Tương tự, đợt kiểm tra môn Ngữ văn giữa kỳ năm học 2022-2023 của Trường THPT An Nghĩa (huyện Cần Giờ) có 35% trắc nghiệm, 65% tự luận. Đề thi theo định hướng mới bắt buộc ra văn bản ngoài sách giáo khoa để đánh giá kỹ năng đọc hiểu và viết của học sinh. Dù văn bản là mới nhưng thể loại thì đã học. Trên lớp, các em được hướng dẫn cách tìm hiểu văn bản theo đặc trưng thể loại và viết theo kiểu bài.

“Mỗi hình thức kiểm tra đều có cái hay riêng. Thầy cô trong trường từ lâu nay cũng đã quen với việc cho đề trắc nghiệm nên đã cân đối độ khó, độ nhiễu của các đáp án làm sao cho tương đối phù hợp với đối tượng học sinh của mình.

Qua đợt kiểm tra học kỳ môn Ngữ văn vừa qua, khảo sát cho thấy học sinh có vẻ thích làm trắc nghiệm hơn bởi vì phần này vừa có thể kiểm tra các kiến thức cần ghi nhớ thông qua tri thức Ngữ Văn, vừa đánh giá được kĩ năng đọc và hiểu của học sinh qua một ngữ liệu cụ thể”, thầy Quốc cho hay.

Học kỳ I vừa qua, các trường THPT tại TPHCM chủ động lựa chọn thời gian kiểm tra, đánh giá học sinh theo kế hoạch giáo dục chung của trường. Từ đó đảm bảo đánh giá được năng lực học sinh và xây dựng, điều chỉnh phương pháp giáo dục phù hợp nhất.

Học sinh hứng thú với hình thức kiểm tra đánh giá mới - Ảnh 1.

Giờ học Ngữ văn của học sinh Trường THPT Phong Phú.

Năm học 2022-2023 này, Trường THPT Thủ Thiêm tổ chức kiểm tra giữa học kỳ 1 khối 10 theo hình thức tự luận, trắc nghiệm tuỳ theo từng môn học. Trường trao quyền cho tổ bộ môn thiết kế hình thức kiểm tra phù hợp sao vừa sức cho học sinh. Đề kiểm tra các môn đều theo ma trận: 40% nhận biết, 30% thông hiểu, 20% vận dụng, 10% vận dụng cao.

Theo chia sẻ của thầy Nguyễn Tấn Tài, Hiệu trưởng nhà trường, năm học 2022-2023 học sinh khối 10 phải đối diện với nhiều thay đổi của chương trình, từ phương pháp học tập cho đến lựa chọn bộ môn học. Trên thực tế, không ít học sinh lúng túng, thậm chí chưa bắt nhịp kịp với sự thay đổi này. Hình thức kiểm tra phù hợp sẽ giúp các em bớt áp lực. Từ đó tạo động lực để học sinh tiến bộ song vẫn giúp giáo viên, nhà trường và bản thân học sinh tự đánh giá được năng lực của mình.

“Chương trình GDPT mới có rất nhiều thay đổi về kiểm tra, đánh giá nhằm phát triển năng lực cho học sinh, đòi hỏi giáo viên cần chủ động tìm những cách làm mới, phù hợp với đối tượng học sinh của mình. Nếu trước đây, các bài kiểm tra thiên về đánh giá kiến thức, thì trong chương trình mới sẽ linh hoạt hơn về hình thức đánh giá và tiêu chí đánh giá học sinh.

Nếu như trước đây, giáo viên chủ yếu chỉ kiểm tra đánh giá định kỳ, thì nay phải chuyển dần sang đánh giá bằng cả quá trình. Bên cạnh đó, trong quá trình tập huấn, giáo viên cũng được cung cấp thêm nhiều công cụ kiểm tra đánh giá để từ đó phát huy được phẩm chất, năng lực của học sinh. Sau khi được trang bị những kỹ năng cần thiết về kiểm tra đánh giá, bản thân tôi thấy tự tin hơn, bớt lo lắng khi lần đầu thực hiện Chương trình GDPT mới”, thầy Tài chia sẻ.

Anh Tiến học sinh lớp 10 C1, Trường THPT Phong Phú chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên em được làm đề kiểm tra môn Ngữ văn theo hình thức trắc nghiệm. Em thấy khá thú vị, các câu hỏi trắc nghiệm là những kiến thức cơ bản mà chúng em đã học trên lớp. Sự kết hợp giữa tự luận và trắc nghiệm khiến đề độc đáo, vẫn kiểm tra được kiến thức nhưng lại giúp học sinh chúng em thấy nhẹ nhàng, bớt áp lực hơn...”