Một phụ huynh mới đây "đăng đàn" bức xúc vì bài làm của con mình bị cô gái phê bình thiếu thực tế. Cụ thể, bà mẹ này chia sẻ như sau:
"Chuyện là con mình hôm nay học online. Tiết luyện từ và câu. Cô giáo kêu con mình viết câu văn về quê hương, có sử dụng biện pháp từ láy. Nhà mình bên quận 7 một số nơi vẫn còn trồng lúa rất nhiều, cả 1 cánh đồng luôn. Nên con mình viết là "Ở Sài Gòn, đồng lúa mênh mông bát ngát". Cô giáo phê bình con mình, kêu Sài Gòn không phải quê hương, không thực tế. Mình mới hỏi cô thì cô kêu bé phải tưởng tượng này kia, quê hương là phải vùng nông thôn, đường đất, nhà tranh, người dân nghèo khổ các thứ chứ ở SG viết vậy không phù hợp. Mình bó tay nên cũng ậm ừ cho qua sợ con mình bị đì.
Trước đây mình cũng từng đọc được một câu chuyện trên mạng kể về một một học sinh tả ông bà đi xe tay ga, còn khoẻ mạnh làm giám đốc nhưng bị giáo viên chỉnh là phải tưởng tượng ông bà già lụm khụm, chống gậy, tối hay ho, mắt kém. Mình tưởng là chuyện vui chứ ai ngờ giờ chính mình gặp trường hợp này luôn. Tại sao lại phải dạy học sinh nói dối như vậy chứ?", người này đặt câu hỏi.
Nhiều phụ huynh khác cũng đồng tình với nhận xét của người mẹ này, bởi trên thực tế, thực trạng học theo “văn mẫu, bài mẫu” là một hiện tượng khá là phổ biến hiện nay. Khi yêu cầu tả cô giáo thì phần nhiều học sinh sẽ dùng mỹ từ để diễn đạt, như: Mắt cô long lanh, mắt bồ câu, sống mũi dọc dừa… Tả ông bà như một bà tiên, ông thánh với râu tóc bạc phơ, chống gậy hiền lành... theo văn phong, suy nghĩ của người lớn.
Một phụ huynh chia sẻ: "Bây giờ nhiều cô vẫn giữ cái tư duy gò ép trẻ, là quê thì phải là ở nông thôn, ông bà thì phải già tóc bạc các thứ. Trong khi thế hệ bây giờ như cháu em, đến nay là 3 đời đều ở thành phố, chứ cô đòi quê nông thôn thì lấy đâu ra, rồi bà của cháu vừa mới nghỉ hưu mấy năm, tóc nhuộm váy vóc sành điệu, chơi facebook, uống trà sữa các thứ, cứ bắt phải tả bà lưng còng, tóc bạc móm mém cơ. Nhiều lúc cháu hỏi dì chẳng biết trả lời sao cho hợp ý cô giáo luôn".
Nhiều phụ huynh cho rằng học sinh viết văn theo khuôn mẫu vì nhà trường, giáo viên khuyến khích, cho điểm cao. Chính cách dạy trong nhà trường khiến học sinh buộc phải theo khuôn mẫu và bỏ qua tính sáng tạo, chân thật.
Tuy nhiên, luồng ý kiến khác lại cho rằng, trong việc này chưa hẳn cô giáo không có lý. Vì Sài Gòn nổi tiếng là một đô thị phát triển vào bậc nhất Việt Nam nên một câu văn ngắn chưa đủ diễn tả được hết hoàn cảnh. Để rèn con viết Văn, phụ huynh trong trường hợp này có thể hướng dẫn con mở rộng câu, tả chung về Sài Gòn sau đó mới tả đến quận 7 có đồng lúa.
Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, một cô giáo tiểu học cho biết: "Thật ra, cá nhân mình thấy cô giáo nói đúng, chỉ là phụ huynh nghĩ theo chủ quan nhiều quá nên phát sinh vấn đề. Trước hết, có thể cô nói "không phù hợp" nhưng phụ huynh nghĩ là cô "phê bình". Dạy trẻ không nói dối/ nói xạo là đúng, nhưng trong trường hợp viết văn, nhất là tả cảnh, bạn nên "xạo" 1 xí thì bài văn mới vừa có tượng hình, vừa có tượng thanh, thì nó mới hay và cuốn hút chứ. Bài văn tả... chân thực quá sẽ vướng lỗi khô khan.
Thay vì nhìn theo hướng tiêu cực, phụ huynh nên giải thích với con một cách tích cực rằng: Cô giáo khuyên con nên biết linh động một chút, vì thực tế, trong suy nghĩ của mọi người, đúng là TP.HCM là nơi phồn hoa, chớ không bao giờ người ta nghĩ thành phố mình trồng lúa cả đâu con ạ. Có thể điều chỉnh 1 chút thành câu ''TP. Hồ Chí Minh trong con mắt của mọi người có thể xa hoa, diễm lệ, ồn ào tấp nập, nhưng đâu đó như nơi em đang sinh sống, vẫn còn rợp một màu xanh rờn của cánh đồng lúa mênh mông bát ngát, thẳng cánh cò bay''. Nghĩ mọi chuyện đơn giản hơn, từ hai phía sẽ thấy nhẹ nhàng hơn nhiều".