Con vào lớp 1 được hơn 2 tuần, đã bắt đầu bước qua những bỡ ngỡ trường lớp mới, nhưng có một vấn đề khiến chị Hoài Thanh (quận Hà Đông, Hà Nội) vừa xót con vừa đau đầu, đó chính là bài tập về nhà quá nhiều. Trung bình mỗi ngày cô giáo sẽ cho bài tập viết từ 2-3 trang, nhưng ngoại lệ, có 2 hôm lên tới 4-5 trang. Về nhà, ăn uống nghỉ ngơi là con ngồi vào bàn học. Thế nhưng cặm cụi phải đến 22, 23h đêm thì con mới xong xuôi để lên giường đi ngủ.
Chị Thanh đánh giá, chương trình học lớp 1 hiện nay có tốc độ khá nhanh, nếu không cho con học trước thì hiện tại, vợ chồng chị chỉ biết "khóc tiếng Mán". Ngày trước cứ thong thả học vần, ghép chữ nhưng hiện nay, con chị Thanh chỉ viết nét 1-2 buổi đầu, sau đó con sẽ viết chữ, ráp âm lại thành tiếng rồi đọc.
"Trải qua hai tuần "đánh vật" cùng con, tôi cảm thấy việc con được học chữ trước ở trường mầm non là vô cùng đúng đắn. Nếu chỉ như trang giấy trắng khi chuyển lên tiểu học, con sẽ rất khổ để theo kịp chương trình. Con tôi biết viết cơ bản, đọc trơn còn hơi chậm, tức là vẫn phải đánh vần trong miệng với những từ ghép còn những từ 2 âm tiết đã đọc được mà vẫn còn thấy đuối trước khối lượng bài học trên lớp và bài về nhà mỗi ngày" , chị Thanh chia sẻ.
Con vật vã, cha mẹ cũng "lên tăng xông" vì con
Chủ trương của chương trình giáo dục phổ thông 2006 và cả chương trình hiện hành là không giao thêm bài tập về nhà cho học sinh tiểu học. Bởi, học sinh tiểu học đã ở trường 2 buổi mỗi ngày, giáo viên phải cho học sinh học, làm bài tập, thực hành trên lớp. Thời gian ở nhà, học sinh có thể tự ôn tập thêm hoặc chuẩn bị trước cho bài mới nếu thấy cần. Tuy nhiên trên thực tế, nhiều trẻ lớp 1, lớp 2 vẫn phải gồng mình với khối lượng bài tập về nhà quá lớn!
Một phụ huynh chia sẻ: Sau mỗi buổi học, cô giáo sẽ chụp ảnh các chữ gửi trong nhóm chat chung rồi yêu cầu phụ huynh cho con rèn chữ ở nhà. Viết cũng phải thẳng, đẹp, không nghiêng vẹo, lại còn là viết chữ hoa uốn lượn.
"Đêm nào cả nhà cũng cùng đánh vật. Tôi phải bỏ chai xịt khoáng bên cạnh để mỗi lúc "lên tăng xông" xịt vào mặt cho tỉnh người. Con tôi vốn hơi béo, nhưng không có cả thời gian chạy nhảy nữa. Ngồi học buổi tối phải có mẹ kèm bên cạnh, vậy mà học xong cũng gần 22h, hai mẹ con ướt sũng mồ hôi. Học xong là cháu lăn ra ngủ để sáng còn đi học tiếp. Ông bà thương cháu nên phải đến trường đón sớm để tranh thủ thời gian cho bé ra công viên gần nhà chạy nhảy chút" , chị nói.
Trên thực tế, bài tập về nhà là cách đơn giản nhất để giáo viên có thể tương tác và hiểu năng lực của học sinh, từ đó có hướng giáo dục và phát triển phù hợp với tư duy của từng em. Bên cạnh đó, việc học sinh được kiểm tra và sửa bài tập về nhà là cách để các em hiểu rõ hơn những kiến thức trong sách giáo khoa cũng như những vấn đề mà mình chưa nắm được.
Tuy nhiên, hiện nay, đa số học sinh học hai buổi mỗi ngày nên bài tập và hoạt động thực hành có thể thực hiện vào buổi chiều, còn buổi tối nên để các em nghỉ ngơi hoặc xem trước bài hôm sau. Học sinh tiểu học cần nhiều thời gian hơn cho các hoạt động thể chất và tinh thần khác. Bên cạnh đó, việc làm bài tập về nhà làm giảm đi thời gian mà các em dành cho gia đình.
Nhiều phụ huynh cho rằng, họ ủng hộ con có bài tập về nhà, tuy nhiên khối lượng cần phù hợp với lứa tuổi của trẻ. Điều này vừa giúp con rèn thói quen tự học, củng cố kiến thức đã học trên lớp vừa rèn được tính tập trung.
Cô Ngọc Trâm, giáo viên tiểu học ở TP.HCM cho biết, tại trường của cô, tất cả học sinh của trường đều được tham gia học 2 buổi/ngày nên các em được giáo viên giải quyết tất cả bài tập vào buổi học thứ 2. Điều này đã thực hiện cách đây nhiều năm và đến nay vẫn giữ cách làm này.
Cô Trâm cũng cho rằng, nếu cần rèn viết ở nhà cho học sinh lớp 1, thời lượng bài tập phải giải quyết chỉ nên tối đa khoảng 30 phút/ngày. Đặc biệt, khi con bắt đầu học lớp 1, phụ huynh nên dành thời gian cùng con học hằng ngày vì giai đoạn đầu trẻ sẽ gặp rất nhiều khó khăn, nhất là khi trẻ học theo chương trình mới sẽ có nhiều bỡ ngỡ. Khi theo dõi quá trình học của con, phụ huynh sẽ biết được con có theo kịp chương trình hay không, gặp khó khăn chỗ nào để hướng dẫn thêm, nhưng tuyệt đối không gây áp lực cho trẻ.
Phụ huynh thật sự cần theo sát con, đừng giao hết cho giáo viên với quan niệm con chỉ cần học ở trường là đủ. Sự đồng hành của phụ huynh như là một điểm tựa để con có thể chia sẻ những vấn đề, khó khăn mà con gặp phải khi đi học.