Áp lực thi cử, học hành, áp lực từ chính bản thân, bạn bè, thầy cô, cha mẹ… khiến nhiều học sinh rơi vào trạng thái căng thẳng, lo âu. Nhất là ở Hà Nội, cuộc đua vào các trường THCS chất lượng cao, THPT công lập luôn trong tình trạng căng như dây đàn.

Mới đây, một bài viết của học sinh - tự giới thiệu vừa thi xong lớp 6 trên một diễn đàn tâm sự áp lực thi cử thu hút sự chú ý. Em cho biết, dù đã hơn 1 tháng kể từ kì thi vào 6 cho học sinh 2013, nhưng bản thân vẫn có vài lời muốn nói và lời khuyên cho các bố mẹ có con năm nay vào lớp 6. Trong phần chia sẻ khá dài sau đó, học sinh này kể lại trải nghiệm học hành không mấy dễ chịu để đáp ứng kỳ vọng của cha mẹ. Em mong người lớn thay đổi quan điểm để con cái không bị gánh nặng tâm lý.

Học sinh lớp 6 gây xôn xao vì bức tâm thư: "Đừng làm nát tuổi thơ tươi đẹp của con”, người tinh ý phát hiện 1 chi tiết bất thường - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Học sinh này viết:

"Không biết môi trường học tập của các bạn khác như thế nào nhưng của con thì vô cùng khắc nghiệt, vì là chuyển cấp nên học nhiều lắm. Chúng con phải cố gắng nhồn nhét đống kiến thức dày cộp vào đầu, mệt lắm. Chúng con cố gắng để có được môi trường học tập cấp 2 tốt cho chúng con nên phải cố, chúng con biết, nhưng có chắc là phải gồng mình như vậy không ạ?

Lúc nào cũng quyển sách với cây bút, hết đề này rồi đề khác, thật sự rất mệt mỏi. Con đang nhận thấy chính độ tuổi của chúng con bây giờ mới thật sự bị phá huỷ tuổi thơ. Con có rất nhiều bạn lớn tuổi hơn con, và cả anh nữa. Anh chị và các bạn tuổi thơ khi lên cấp 2 đều rất nhẹ nhàng, hoặc ôn nhiều một chút thôi, không đến nỗi này. Nhưng chúng con thì lại quan trọng giống thi đại học vậy. Đơn giản là bố mẹ nào cũng muốn con có môi trường tốt, nhưng con có muốn không?

Chúng con biết sức mình đến đâu, học tập thế nào nên sẽ biết mình phù hợp với cái gì chứ không phải tiêu chuẩn chất lượng cao của bố mẹ. Chúng con không muốn đi học về lại nối tiếp đi học, không muốn chồng chất trong đống bài tập, chúng con chỉ mới 11 tuổi thôi ạ. 11 tuổi là độ tuổi rất bé, chưa chắc chắn là sẽ chịu đựng được áp lực như thế. Chúng con lo lắng, chỉ là không nói thôi. Đấy chỉ là phần nhỏ của việc ôn thi, thế kết quả trượt sẽ thế nào?

Nếu chúng con trượt, bố mẹ thường sẽ quát mắng, đánh mắng vì con đã trượt. Con rất hiểu cảm giác ấy. Con đã trượt Nguyễn Tất Thành và chuyên Ngoại Ngữ, mẹ mắng con nhiều lắm, vì con không đủ giỏi để sánh vai với các bạn giỏi hơn con. Các bố mẹ chắn chắn sẽ thất vọng nhưng nghĩ đến chúng con đi ạ.

Bố mẹ buồn 1 thì con sẽ buồn 10,100 lần bố mẹ. Hãy nghĩ xem, vừa trượt ngôi trường mình dày công học tập vừa bị mắng mỏ, trách móc, thật sự cảm xúc tụt xuống đáy luôn. Chúng con rất mệt, cực kì mệt trong lúc ôn thi, với tuổi đó vượt qua được kì thi đã là kì tích rồi ạ. Chúng con khác nhau, tài năng và cả cách tiếp thu kiến thức cũng khác, đừng đặt kì vọng cao rồi làm nát tuổi thơ tươi đẹp của chúng con ạ. Hãy ôn thi cho chúng con với đúng độ tuổi, chúng con chỉ mới 11 tuổi thôi.

Bố mẹ đã từng là con nít, nhưng chúng con thì chưa từng làm trẻ con, đừng phán xét tụi con qua những con số. Đối với môi trường của con, việc bị tẩy chay và phán xét ngoại hình đã có từ rất sớm rồi, nó ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý chúng con. Vì thế không hẳn là vì chúng con lười biếng, mà có thể là vì môi trường học tập của chúng con. Chất lượng cao ở cách giảng dạy, chứ không ở môi trường và học sinh".

Câu "view" hay tâm sự thật lòng?

Tâm sự của em học sinh này nhận về lượt thích và bình luận cao. Nhiều người tỏ ra đồng cảm.

Một môi trường học chất lượng là có thể giúp phát huy được những thế mạnh con đang có, khai phá được tiềm năng cho con. Cố gắng theo học ở một trường chất lượng cao trong khi không đủ năng lực sẽ biến việc học thành nỗi ám ảnh. Kỳ vọng không đúng cách của cha mẹ đôi khi đẩy con cái vào bước đường cùng.

Tuy nhiên, hầu hết ý kiến đều nghi ngờ tính xác thực của bài viết. Nguyên do theo họ là, một học sinh năm nay mới 11 tuổi không thể có những suy nghĩ và cách diễn đạt quá chững chạc đến như vậy. Cách hành văn và dùng từ giống người dùng mạng xã hội thường xuyên. Nhiều học sinh có thể chín chắn, nhưng văn này vẫn không phải của một đứa trẻ 11 tuổi.

"Có rất nhiều cụm từ thể hiện và khẳng định rằng, bài viết này không phải của bạn 2013. Dù con có lớn đi chăng nữa, thì chỉ là cơ thể con lớn thôi, con không có đủ kinh nghiệm sống để nói “Hãy nghĩ xem”…

Dù vậy, vẫn có người phản biện, học sinh 2013 hoàn toàn có thể viết được như thế này và tốt hơn. Họ còn biết nhiều con còn viết nhật ký, viết truyện, hay hơn người lớn. Khi chúng ta không làm được như thế thì đừng nghĩ 1 đứa trẻ 11-12 tuổi không làm được.

Tuy nhiên, người này cũng khuyên em học sinh này, xung quanh các bạn bằng tuổi không phải ai cũng trong tình trạng này. Các bạn đi học là tự nguyện và nhiều bạn tìm thấy niềm vui trong học tập cũng như được tôi luyện sự cố gắng cũng như thiết lập mục tiêu trong học tập. Biết rằng con cũng đã có những nỗi buồn và sự bất mãn trong lòng song con cũng cần đặt mình vào vị trí bố mẹ. Sau này làm cha mẹ con mới biết những gì bố mẹ đang làm là tốt cho mình. Không ai lo lắng yêu thương con hơn bố mẹ.

Nếu con viết được và đối đáp được như thế này thì bố mẹ cũng là người hiểu chuyện. Với khả năng của con, con sẽ thừa lý lẽ để giảng cho bố mẹ con hiểu như thế nào là tốt cho con, và bố mẹ cũng đủ biết con mình như thế nào để điều chỉnh hành vi cho phù hợp.

Có người khuyên, dù giả danh hay không thì phụ huynh cũng hãy nên ý thức rằng, mỗi gia đình 1 hoàn cảnh, 1 sự lựa chọn, không phải con người ta vào chất lượng cao thì con mình cũng phải cố bằng được.

Phụ huynh nên hiểu rõ về năng lực, sở trường của con để đặt ra mục tiêu, chọn trường, chọn lớp phù hợp. Bên cạnh đó, cần lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của con mình để đưa ra những tư vấn cũng như định hướng đúng đắn giúp trẻ giải tỏa được áp lực về học tập, thi cử.