Dọn dẹp là công việc vặt quen thuộc của hầu hết trẻ em trên thế giới. Đó có thể là nhiệm vụ các em phải làm để được bố mẹ cho phép xem TV hoặc đi ra ngoài chơi.

Tuy nhiên tại Nhật Bản, việc dọn dẹp không đơn giản như vậy. Học sinh Nhật sẽ phải dọn lớp học và nhà vệ sinh như một phần của chương trình giáo dục.

Đây không phải là quy tắc do chính phủ đề ra, nhưng mọi trường học đều áp dụng điều này và hiếm có ngoại lệ. Nếu đã xem các bộ phim hoạt hình của Nhật, bạn dễ dàng thấy cảnh học sinh nước này đang dọn dẹp trường lớp.

Ở các nước phương Tây, việc bắt học sinh dọn dẹp có thể bị cho là lạm dụng trẻ em thì trong văn hóa phương Đông, đặc biệt là Nhật bản, đây được xem là một cách thực hành toàn diện giúp trẻ trở thành công dân có trách nhiệm hơn.

Giáo lý Gakko Soji

Học sinh Nhật xem việc giữ gìn vệ sinh trường học như một phần của cuộc sống và văn hóa đất nước. Họ không ghét việc dọn dẹp, ngược lại còn rất yêu thích.

Một cuốn sách về giáo dục Nhật từng đề cập như sau: "Mục tiêu cuối cùng của giáo dục Nhật Bản là thúc đẩy khả năng hội nhập và làm việc hiệu quả với xã hội. Nếu bạn đang sử dụng một không gian cụ thể, nghĩa vụ và trách nhiệm của bạn là đảm bảo không gian đó sạch sẽ. Việc dọn dẹp sẽ giúp mọi người hiểu được tầm quan trọng của sự sạch sẽ - một kỹ năng sống quan trọng mà hàng triệu người chưa thành thạo trên toàn thế giới".

Học sinh Nhật tự dọn dẹp phòng học và nhà vệ sinh: Mục đích không chỉ để cho sạch mà còn chứa đựng cả bài học ý nghĩa - Ảnh 2.

Bên cạnh đó, việc phải dọn dẹp thường xuyên sẽ khiến chúng ta có ý thức xả rác ít hơn.

Trong tiếng Nhật, "làm sạch trường học" có nghĩa là "Gakko soji". Điều này có nguồn gốc từ các giáo lý Phật giáo, giải thích tầm quan trọng của việc giữ vệ sinh cơ thể và môi trường xung quanh.

Một số nghiên cứu cho thấy, không gian sống sạch sẽ có tác động tích cực đến tâm lý của chúng ta. Ngược lại, không gian sống bừa bộn, bẩn thỉu sẽ tác động tiêu cực đến tâm trí con người, nhiều khi khiến chúng ta mất bình tĩnh.

Công việc dọn dẹp trong các trường học ở Nhật bao gồm những gì?

Thông thường, học sinh Nhật Bản sẽ phải quét dọn và lau chùi lớp học, lau bụi, làm sạch hành lang, cầu thang, cửa ra vào, cửa sổ, thậm chí là nhà vệ sinh. Học sinh tiểu học sẽ không phải dọn nhà vệ sinh, và chỉ phải làm khi lên các cấp học cao hơn.

Bên cạnh việc dọn dẹp, học sinh Nhật sẽ phải phục vụ các bữa ăn trưa do đầu bếp nhà trường chuẩn bị cho nhau và tự dọn sau khi ăn xong.

Học sinh Nhật tự dọn dẹp phòng học và nhà vệ sinh: Mục đích không chỉ để cho sạch mà còn chứa đựng cả bài học ý nghĩa - Ảnh 3.

Để đảm bảo môi trường học tập sạch sẽ, một số trường học thậm chí có cả dép đi trong lớp. Vì vậy, học sinh không được đi dép của mình vào lớp để tránh mang bụi bẩn từ ngoài vào.

Về lịch trực nhật, giáo viên sẽ làm bảng thời khóa biểu phân bổ rõ ràng và công bằng.

Các học sinh lớn tuổi hơn thường được phân công xuống lớp dưới trực nhật, để các học sinh ít tuổi nhìn theo và học tập.

Làm thế nào để việc dọn dẹp có thể khiến học sinh trở thành công dân kiểu mẫu?

Khuyến khích trẻ chú ý đến môi trường xung quanh ngay từ khi còn nhỏ sẽ giúp các em hình thành ý thức tôn trọng môi trường và giữ gìn vệ sinh.

Không chỉ vậy, điều này còn giúp trẻ nhận thức rằng vấn đề cộng đồng cũng là vấn đề cá nhân. Dọn dẹp trường học không chỉ là công việc của nhà trường, mà còn là mối quan tâm của mọi học sinh

Giáo lý Gakko Soji sẽ biến sự sạch sẽ thành thói quen trách nhiệm không thể lay chuyển.

Ngoài ra, việc cùng nhau dọn dẹp sẽ thúc đẩy tinh thần đồng đội giữa các học sinh, khiến các em hợp tác, giúp đỡ lẫn nhau làm việc nhanh và hiệu quả. Điều này còn xây dựng tư duy quan tâm đến người khác và đồng cảm nhiều hơn.

Học sinh Nhật tự dọn dẹp phòng học và nhà vệ sinh: Mục đích không chỉ để cho sạch mà còn chứa đựng cả bài học ý nghĩa - Ảnh 4.

Cũng vì vậy mà học sinh Nhật lớn lên trở thành những công dân luôn tìm kiếm sự tốt đẹp và hạnh phúc của đồng loại.

Ngày nay, chúng ta dễ dàng bắt gặp một chiếc xe đạp để chỏng chơ, không khóa trên đường phố Nhật Bản nhưng chẳng ai lấy trộm. Mọi người yên lặng ngay cả trên tàu điện ngầm đông đúc và không cần lo lắng khi để điện thoại hay laptop nằm xung quanh khu vực công cộng.

Tất cả điều này cũng một phần nhờ những hoạt động dọn dẹp vệ sinh ngay từ khi còn nhỏ.