Trong một thời gian ngắn liên tiếp xảy ra các sự việc đau lòng liên quan đến hành trình những chuyến hoạt động trải nghiệm do nhà trường tổ chức. Mới đây, phải kể đến như Trường THPT Đông Anh đưa 896 học sinh lớp 10 và 11 đi hoạt động trải nghiệm tại Khu du lịch Đảo Ngọc Xanh (Phú Thọ), 3 học sinh đã gặp nạn trong đó 1 em tử vong, 2 em bị thương nặng.
Một học sinh lớp 4 Trường tiểu học Âu Dương Lân (TP HCM) tử vong ở Khu du lịch Đại Nam; học sinh Trường THPT Chuyên Nguyễn Thị Minh Khai (Sóc Trăng) tử vong khi đi trải nghiệm ở Đà Lạt; trẻ mầm non tử vong do tủ đè khi tham quan quan thư viện trường mới…
Khi các nhà trường đều tăng cường tổ chức hoạt động trải nghiệm, học sinh háo hức, phụ huynh lo lắng về sự an toàn của trẻ. Bởi lẽ, học sinh có tính hiếu động, lớp đông, giáo viên khó có thể quản chặt chẽ khi đi ra ngoài, nhất là môi trường tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn.
Ông Nguyễn Như Hoan, huấn luyện viên cấp 1 T.Ư về công tác đội, Tổ trưởng tổ kỹ năng xã hội, Trường Lê Duẩn (Hà Nội), người từng tham gia tổ chức nhiều buổi hoạt động trải nghiệm cho học sinh chia sẻ, để xảy ra những vụ việc đáng tiếc là có phần trách nhiệm quản lý lỏng lẻo của cả phía nhà trường lẫn nhân viên công ty du lịch phối hợp.
"Cả nhà trường và phía cty du lịch chưa trang bị kiến thức, kỹ năng cho học sinh trước khi đi. Thậm chí công ty du lịch cũng không có những người chuyên làm về giáo dục nên thiếu hụt nhiều kỹ năng", ông Hoan nói.
Cũng theo ông Hoan, cách làm hiện nay của một số trường học đang tràn lan, tổ chức cho hàng trăm, thậm chí cả nghìn học sinh đi cùng lúc sẽ rất cồng kềnh, khó có hiệu quả giáo dục về chiều sâu.
Khi tổ chức hoạt động cho 1 lớp khoảng 50-60 học sinh, nhà trường thường giao trách nhiệm cho giáo viên chủ nhiệm quản lớp. Tuy nhiên, học sinh rất hiếu động, trước khi đi phải đưa ra những nguyên tắc, quán triệt kỹ. Nếu tổ chức hoạt động trải nghiệm với số lượng lớn, nhà trường chỉ chạy theo thành tích, làm cho xong, khó đảm bảo tính hiệu quả cũng như đảm bảo an toàn.
Không đưa quá đông học sinh đi cùng lúc
Sau sự việc, học sinh tử vong khi đi tàu lượn ở Khu du lịch Đảo Ngọc Xanh (Phú Thọ), ông Hoan nói rằng, trường nên chọn các chương trình đưa học sinh về với thiên nhiên, khu di tích lịch sử…hơn là cho trẻ tham gia các trò chơi vận động, trò chơi nguy hiểm.
TS Đinh Thị Kim Thoa, Tổng chủ biên chương trình Hoạt động trải nghiệm cho biết, trong chương trình GDPT mới, hoạt động trải nghiệm là hoạt động giáo dục bắt buộc từ lớp 1 đến lớp 12.
Trong sự việc để học sinh tử vong, lỗi của nhà trường là chưa có sự kiểm tra, đặc biệt đối với các trò chơi có tính nguy hiểm. "Không nên cho học sinh đi hoạt động tập thể lại sử dụng những dịch vụ có nguy cơ mất an toàn. Những hoạt động như vậy đòi hỏi phải có những yêu cầu ngặt nghèo về sức khỏe, tiêu chí, tiêu chuẩn, chất lượng của công trình dịch vụ và đặt yếu tố an toàn lên số 1", bà Thoa nói.
Trong chương trình GDPT mới, các hoạt động giáo dục trải nghiệm bao gồm trên lớp và ngoài nhà trường. Trong đó, chủ yếu là các hoạt động trên lớp nhằm rèn cho học sinh các kỹ năng còn thiếu như: khả năng nói, tư duy giải quyết vấn đề… Sau đó, mới đưa học sinh thâm nhập thực tiễn để bổ trợ những kỹ năng đã học trước đó trên lớp. Tuy nhiên, trường nào giỏi chỉ tổ chức được 1 năm khoảng 2 lần các hoạt động trải nghiệm ngoài trời.
Theo bà Thoa, các nhà trường không nên tổ chức quy mô lớn, lượng học sinh đông lại đi quá xa. Chỉ khuyến khích tổ chức hoạt động theo khối lớp, có hoạt động phù hợp với độ tuổi. Những người tham gia đi trải nghiệm phải được tập huấn kỹ, có quy trình và chia học sinh theo nhóm để giáo viên, phụ huynh đi cùng hỗ trợ.
Trong chương trình GDPT mới, ban soạn thảo cũng đã có những tài liệu hướng dẫn cách thức tổ chức đoàn đi tham quan; tổ chức hoạt động cũng như các quy tắc đảm bảo an toàn. Ngoài ra, một trong những vấn đề quan trọng là nhà trường phải cử người đi tiền trạm địa điểm, khu vui chơi, chỗ nào có nguy cơ nguy hiểm cần được vẽ sơ đồ cảnh báo trước cho học sinh. Ngay cả xe đưa đón cũng phải kiểm tra đạt yêu cầu, tiêu chuẩn từ lái xe, chất lượng xe mới sử dụng", bà Thoa nói.
Sau việc học sinh tử vong khi đi trải nghiệm ngoài trời, Sở GD&ĐT TP HCM và Sở GD&ĐT Hà Nội lại yêu cầu các nhà trường rà soát việc tổ chức; tăng cường quản lý, giám sát chặt chẽ học sinh, đảm bảo an toàn tuyệt đối, không để học sinh tham gia các trò chơi mạo hiểm.