6 tuổi - một cột mốc đánh dấu sự thay đổi lớn trong thói quen hằng ngày của trẻ khi phải rời xa lớp "đại học chữ to" để bước vào lớp 1 với môi trường học tập quy củ và yêu cầu các con phải tập trung hơn. Đối mặt với sự thay đổi này, không ít trẻ cảm thấy không quen bởi ở lớp mầm non đang vui chơi thỏa thích, đùng cái lên lớp 1, trẻ buộc phải vào nền nếp và làm mọi thứ có tính... học thuật hơn. Sự thay đổi này có tác động không hề nhỏ đối với tâm lý của trẻ, đặc biệt là những trẻ có cá tính mạnh, hiệu động và thích làm mọi thứ theo ý riêng của mình.
Nắm bắt tâm lý này, các khóa học tiền tiểu học ra đời nhằm giúp cho quá trình thay đổi này diễn ra dễ dàng hơn. Các khóa này sẽ bắt đầu trong khoảng 3 - 6 tháng trước khi trẻ nhập học ở môi trường mới.
Tầm quan trọng của lớp tiền tiểu học
Việc giáo dục từ sớm cho con trẻ là việc được cha mẹ quan tâm hiện nay. Thậm chí, nhiều phụ huynh cho rằng các chương trình phát triển từ sớm là một khoản đầu tư vào tương lai của con. Vào khoảng thời gian này, trẻ không chỉ đơn giản là học các kỹ năng cần thiết và chuẩn bị cho việc học, mà còn bắt đầu khám phá những sở thích, đam mê mà có thể sẽ đi theo các em trong suốt một hành trình dài.
Quay trở lại với các khóa tiền tiểu học, điều đầu tiên cần nhắc tới là sự thay đổi lớn về mặt thể chất lẫn tâm lý mà trẻ trong giai đoạn chuyển tiếp từ môi trường mầm non sang tiểu học. Lớp tiền tiểu học được tạo ra với mục tiêu giúp trẻ thích nghi dần với môi trường, khuôn khổ cũng như hoạt động học tập ở trường tiểu học, tạo cho trẻ sự tự tin và hứng thú với trường lớp, bạn bè mới. Từ đó, trẻ sẽ không bị "choáng ngợp" khi bắt đầu hành trình học tiểu học đầu tiên của mình.
Ngoài ra, các lớp tiền tiểu học giúp xây dựng nền móng vững chắc cho trẻ, từ việc làm quen với kiến thức của các môn trong phân phối chương trình. Không những thế, nó còn là cơ hội để trẻ phát triển khả năng tương tác xã hội và làm quen với một lịch trình học tập cụ thể để từ đó giúp trẻ không bị "thua từ vạch xuất phát" ngay từ những ngày đầu tiên của tiểu học.
Tuy nhiên, việc tham gia các lớp tiền tiểu học từ quá sớm mà không có sự hỗ trợ hợp lý từ phía phụ huynh cũng có thể khiến trẻ rơi vào trạng thái mệt mỏi và hạn chế khả năng thích nghi của mình. Đặc biệt, việc "biết trước" kiến thức có thể tạo ra tâm lý chủ quan khi trẻ bước vào tiểu học, nghĩ rằng mình đã biết trước mọi thứ nên không cần nghe cô giảng nữa và từ đó giảm sự tập trung.
Thấu hiểu điều đó, nên hiện nay đa phần các lớp học này sẽ không dạy theo kiểu "nhồi nhét" kiến thức cho con trẻ mà chủ yếu dạy bé các kỹ năng cần có khi vào tiểu học như cung cấp môi trường học tập, dạy trẻ tập viết, tư thế ngồi học, tác phong cần có khi lên lớp… Như vậy, trẻ sẽ tự tin hơn khi bước vào năm học mới.
Tóm lại, trước khi quyết định cho trẻ tham gia lớp tiền tiểu học không, phụ huynh nên cân nhắc cả sẵn sàng và mong muốn học hỏi của trẻ. Ngoài ra, phụ huynh cần nhớ rằng mỗi đứa trẻ là một cá thể riêng biệt với khả năng nhận thức khác nhau. Cha mẹ cũng không nên thúc ép hay gây áp ức học tập quá lớn cho con ở giai đoạn này.
Tổng hợp