Thực trạng trên được nêu ra tại buổi tọa đàm "Làm thế nào thoát khỏi nguy cơ rối loạn tâm lý học đường do ảnh hưởng Covid-19" do Báo Tiền Phong vừa tổ chức tại Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ (quận 4). Nhiều chuyên gia tâm lý, xã hội và giáo viên bất ngờ với những chia sẻ của học sinh.
ThS Đỗ Đình Đảo, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ, kể lại: Mới đây, một người mẹ gõ cửa phòng thầy hiệu trưởng, khóc nghẹn lời xin bảo lưu kết quả cho con đang học lớp 10. Em trước giờ là học sinh giỏi, đạt được nhiều thành tích. Từ năm học lớp 9, khi có những đợt lên lớp trực tuyến, con có biểu hiện không thích học, mệt mỏi, không tiếp thu được bài.
Con đã chia sẻ với bố mẹ rất nhiều lần nhưng họ bận rộn, nghĩ đơn giản con ở nhà mở máy tính rồi học, mọi thứ bình thường chẳng có vấn đề gì phải lo. Em một mình xoay xở ở nhà với việc học trực tuyến. Mới đây, khi đi học trực tiếp trở lại, không thể hòa nhập, em xin nghỉ học. Đến lúc này, gia đình đưa em đi khám tâm lý, được chẩn đoán có dấu hiệu lo âu, trầm cảm trong thời gian dài. Em gặp vấn đề trong mối quan hệ bạn bè, nhưng học online nên mâu thuẫn không được giải quyết, giãi bày. Giờ đi học trở lại, em rơi vào trạng thái bị tẩy chay, cô lập.
Theo ông Đảo, tình trạng lo âu, rối loạn tâm lý trong thời gian dài rất nguy hiểm. Đặc biệt, thời gian học tập trực tuyến kéo dài, hạn chế tiếp xúc, giao tiếp khiến nhiều học sinh bất ổn tâm lý. Đáng lo ngại nhất là hiện nay, theo vị hiệu trưởng, nhiều em chưa nhận được sự hỗ trợ kịp thời từ chính gia đình, nhà trường. "Tôi nghĩ rằng đã đến lúc các cơ sở giáo dục cần tìm cách để các em có thể thoát khỏi những vấn đề trên, tránh để lại những hậu quả nghiêm trọng, đau lòng xảy ra do rối loạn tâm lý học đường” - thạc sĩ Đỗ Đình Đảo chia sẻ.
Nhiều học sinh bày tỏ rơi vào stress, căng thẳng, cô đơn tột cùng nhưng không ai lắng nghe.
Tại tọa đàm, nhiều học sinh chia sẻ, các em rơi vào stress, căng thẳng, cô đơn tột cùng nhưng cha mẹ không lắng nghe. Một học sinh lớp 12, Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ bày tỏ: "Em đang phải đối mặt với tình trạng căng thẳng tâm lý từ lâu và dịch bệnh càng làm nặng thêm tình trạng. Em hướng nội, rất ít bạn bè, học online lại càng hạn chế tiếp xúc. Đã vậy, bố mẹ không chịu nghe em tâm sự, hễ em định nói chuyện là họ gạt đi. Em chán nản gần nửa năm nay. Khi đi học lại không thể kết nối với bạn mới, mọi người nhìn em như kẻ lập dị làm em trầm cảm thêm".
Trò chuyện cùng học sinh, bác sĩ Nguyễn Minh Mẫn - trưởng Đơn vị tâm lý lâm sàng Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM - nhìn nhận không phải ai cũng dám nói lên tâm sự của mình khi bị trầm cảm: "Tất cả các bạn ngồi đây, nếu ai có những cảm xúc chưa tốt, chưa tích cực thì hãy cố gắng nói với bạn thân, những người trong gia đình. Khi cần thiết hơn, các bạn hãy tìm đến chuyên gia tâm lý. Chúng tôi thường gặp học sinh có những biểu hiện tâm lý căng thẳng. Dịch Covid-19 cộng với việc học hành căng thẳng khiến ngày càng nhiều học sinh rơi vào tình trạng trầm cảm. Do đó, ngay từ giờ phút này các bạn học sinh hãy kết nối với nhau, kết nối và chấp nhận sự khác biệt của mỗi người".
Trong khi đó, ThS tâm lý Phan Thị Cẩm Giang, giảng viên Phân hiệu Học viện Phụ nữ Việt Nam, cho biết hiện tại chúng ta chưa có nghiên cứu, thống kê nào về việc học sinh được chia sẻ hay kỳ thị, bỏ mặc khi bị trầm cảm. Rất cần làm thống kê về vấn đề này để nắm được thực trạng, khó khăn của các em.