Bỏ qua tình trạng shop bán hàng “không có tâm” khiến sản phẩm thực nhận khác xa với ảnh minh họa, có không ít sự cố mua sắm online đến từ việc bị lộ thông tin cá nhân rồi kẻ xấu lợi dụng. Trước khi các nền tảng mua sắm an ninh, bảo mật hơn, dưới đây là 7 bí quyết bạn nên trang bị để bảo vệ bản thân, tránh việc trở thành nạn nhân của các ca lừa đảo.
1. Chỉ giao dịch trên các trang web có biểu tượng “ổ khóa” an toàn
Một thao tác cơ bản hẳn bạn đã từng nghe nhiều: chú ý xem website mà mình mua sắm hoặc được dẫn sang để thanh toán có an toàn hay không. Bí quyết chính là trang web an toàn có biểu tượng ổ khóa ở phía trái thanh địa chỉ.
Không bao giờ điền thông tin cá nhân vào những địa chỉ, tên miền được dán nhãn “không bảo mật” vì trang web không đảm bảo an toàn thông tin cá nhân. Điều này đặc biệt quan trọng khi bạn được ai đó gửi link đến một trang mới hoặc trang giao dịch chuyển người dùng sang một trang mới.
2. Chủ động theo dõi tình trạng đơn hàng
Để đối phó với tình trạng bị đánh cắp thông tin, đơn hàng giả được giao đến nhanh hơn đơn thật, bạn nên chủ động theo dõi tình trạng đơn hàng của mình. Rất nhiều nền tảng mua sắm cập nhật từng bước nhỏ trong đơn hàng của bạn, từ shop đã nhận đơn chưa, gói hàng đang ở kho nào, shipper đã cầm hàng đi giao chưa. Nếu có shipper gọi giao hàng, đừng quên thao tác mở ứng dụng mua sắm ra kiểm tra đơn hàng của mình đã ở tình trạng “Đang giao hàng” chưa nhé.
3. Với những nơi mua sắm lạ, đối chiếu số điện thoại, mã vận đơn rồi mới nhận hàng
Dẫu không được mở gói hàng ra đồng kiểm, bạn vẫn có thể bảo vệ bản thân bằng việc kiểm tra thông tin đơn hàng bên ngoài rồi mới nhận, từ thông tin shop, thông tin người nhận, mã vận đơn - loại mã “tối thượng” mà các bên lừa đảo thường không ăn cắp được.
4. Chủ động thanh toán trước với shop quen, uy tín
Lừa đảo mua sắm online thường diễn ra với hình thức mua sắm COD - trả tiền mặt nhận hàng. Những bên đánh cắp thông tin thường “hack” khâu giao hàng để giao hàng đểu, nhận tiền từ những đơn hàng có giá trị cả trăm nghìn, thậm chí cả triệu đồng. Nhưng nếu bạn trả tiền trước, các đơn hàng trở thành 0 đồng và không ai lại đi ăn cắp thông tin loại đơn này. Tất nhiên, bạn nên cân nhắc lựa chọn này với các shop uy tín, các nền tảng bảo vệ người dùng.
5. Ưu tiên chọn bên giao hàng uy tín, quen thuộc
Thông thường, hệ thống mua sắm sẽ chỉ định bên vận chuyển có phí giao hàng thấp nhất. Nhưng bạn có thể chọn bên có mức phí cao hơn, quen thuộc và uy tín hơn để tránh giao dịch với shipper lạ. Mức chênh lệch thường không nhiều và có thể vẫn miễn phí nếu vẫn trong mức ưu đãi của mã vận chuyển.
Đổi lại, bạn sẽ biết chắc chắn đâu là shipper xịn của bên đơn vị vận chuyển, không có “cửa” cho shipper lạ mặc đồng phục giả danh giao hàng đểu. Quen shipper ruột còn có những thuận lợi khác như shipper tin tưởng khách, nhiều khi thuộc luôn khung giờ làm việc của khách và tạo điều kiện giao hàng thuận lợi cho đôi bên.
6. Chủ động bảo vệ thông tin cá nhân ở mọi nền tảng
Xé nhỏ hóa đơn mua hàng bằng giấy trước khi cho vào thùng rác; không bình luận số điện thoại hay địa chỉ, món đồ mình mua vào các bài đăng bán hàng công khai mà nhắn tin riêng là cách đơn giản bảo vệ thông tin cá nhân. Không có bên thứ ba nào có thể lấy cắp thông tin đơn hàng của bạn từ những thói quen nhỏ như vậy.
7. Cảnh báo các thông báo trúng thưởng, quà tri ân yêu cầu cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng hay đòi phí
Các cuộc gọi rác, tin nhắn rác bên cạnh dịch vụ bảo hiểm, bất động sản thì còn có một kiểu nội dung khác “Chúc mừng trúng thưởng”, “Tặng quà tri ân”. Nhưng nếu các chương trình quà tặng không công khai trên các phương tiện truyền thông hay yêu cầu bạn trả phí, ví dụ 100.000 đồng phí vận chuyển, 1 triệu đồng thuế thì càng nên từ chối.
Đặc biệt cảnh giác với các tin nhắn mạo danh ngân hàng, báo trúng thưởng hàng chục triệu đồng, kèm theo link truy cập yêu cầu bạn cung cấp thông tin tài khoản, đăng nhập. Chỉ cần một phút lơ là, thẻ tín dụng của bạn có thể liên tục bị rút tiền, chuyển khoản cả trăm triệu đồng trong khi bạn đang loay hoay liên hệ khóa thẻ.