Đó là trường hợp của anh N.H.T (41 tuổi) vào BV cấp cứu trong tình trạng ho khạc đàm vàng, sốt cao liên tục trong vòng 3 ngày, thân thể mệt mỏi.
Sau khi thăm khám, ekip điều trị chẩn đoán anh bị viêm phổi. Tiến hành chụp CT phổi, các bác sĩ phát hiện một dị vật nằm trong phế quản của thùy dưới phổi phải. Đây chính là nguyên nhân gây ra các biến chứng viêm phổi cho bệnh nhân.
Ảnh chụp dị vật là chiếc xương cá trong phế quản bệnh nhân.
Bác sĩ Cao Minh Thông, khoa Ngoại Tim Mạch – Lồng Ngực của BV cho biết, thay vì như những trường hợp hóc xương khác bệnh nhân sẽ được tiến hành nội soi để gắp dị vật ra ngoài, bệnh nhân T. vì giữ trong người chiếc xương cá quá lâu trong suốt 5 năm nên dị vật này đã ghim sâu vào trong phần phế quản trung gian.
Điều này khiến phổi bị đông đặc và viêm mũ mãn tính, nội soi thông thường không thể gắp được. Vì vậy sau khi tổ chức hội chẩn, phối hợp chặt chẽ, các bác sĩ quyết định chọn phương án mổ hở, lấy dị vật xương cá ra ngoài và cắt phần phổi bị tổn thương.
Miếng xương cá được lấy ra.
Sau 2 giờ phẫu thuật, kíp mổ đã cắt thùy dưới phổi phải, lấy dị vật xương cá nằm trong phế quản ra ngoài. Sau mổ tình trạng sức khỏe người bệnh hồi phục tốt và đã được xuất viện.
Bệnh nhân kể lại, cách đây 5 năm anh vô tình bị hóc xương cá gây ho kéo dài. Anh đã đến nhiều bệnh viện để điều trị, mặc dù có thuyên giảm nhưng sau đó các đợt ho vẫn tái phát lại, thậm chí còn nặng hơn. Cho đến lần này, do sốt cao liên tục kéo dài nên anh buộc phải đi cấp cứu.
Sau can thiệp, bệnh nhân mất một nửa lá phổi nhưng sức khỏe đã ổn định.
Bác sĩ Trần Anh Đào, khoa Nội hô hấp của BV khuyến cáo mọi người cần cẩn trọng khi ăn cá hoặc thịt có nguy cơ mắc xương.
Nếu không may bị hóc xương hoặc dị vật do sặc kèm theo đó là tình trạng ho kéo dài cần đến ngay các cơ sở y tế chuyên sâu để kiểm tra nhằm tránh tình trạng đáng tiếc như ca bệnh trên. Vì nếu phát hiện sớm, chúng ta có thể lấy dị vật ra ngoài bằng phương pháp nội soi tránh bị phẫu thuật và các biến chứng do nó gây ra.