"Hồi mẹ bằng con bây giờ..." từ lâu đã trở thành câu cửa miệng của các bà mẹ trong cuộc trò chuyện với những đứa con. Sẽ có rất nhiều thay đổi khi đem so sánh thời thơ ấu của chúng ta với cuộc sống của con trẻ bây giờ. Trẻ em ngày nay khác xưa nhiều lắm, bởi mọi thứ đã biến đổi chóng mặt trong vài chục năm qua, kéo theo những thiếu hụt không dễ bù đắp trong lòng con trẻ. Cha mẹ bị dòng chảy hối hả của cuộc sống ép phải sống nhanh, sống vội nên tuổi thơ của các con cũng vô tình bị cuốn theo. Trên thực tế, có rất ít người làm cha mẹ chịu dừng lại để lắng nghe xem con trẻ thực sự muốn gì và cần gì.
Trong ký ức của mẹ, ấu thơ của những đứa trẻ, ngay cả giàu có nhất cũng không đủ đầy tiện nghi, không như thời bây giờ, đầy rẫy những điện thoại thông minh để "vuốt vuốt" chơi game như bây giờ, mà ngày ấy chỉ có những trò chơi tự chế mà đám con nít cùng lứa tự nghĩ ra.
Trò chơi giản đơn thời của mẹ không giống những phương tiện giải trí thông minh con thích.
Ngày bằng tuổi con, mẹ chỉ phải học một buổi thôi, còn một buổi thì tha hồ chơi những đủ thứ trò cùng chúng bạn như chơi năm mười, chơi làm cô dâu chú rể, chơi đồ hàng, chơi bịt mắt bắt dê, dán giấy viết linh tinh trên áo những người bạn cùng lớp… Đó là những khi chơi theo "bầy". Còn khi chơi một mình, có những trò chơi tưởng chừng rất đỗi giản đơn, thậm chí ngớ ngẩn nhưng lại mang đến niềm vui sướng vô bờ chỉ những đứa trẻ cùng thời với mẹ mới hiểu, như là đứng trước quạt và hét thật to để nghe tiếng của mình lạc đi, cố cậy lớp nhựa dính phía dưới nắp chai nước ngọt hay ngồi hì hục bóp bóp mấy cái bóng xốp.
Con bây giờ, tuổi thơ trải dài trong sách vở, phải học ngày hai buổi, chưa kể học thêm, học hè, học năng khiếu. Thời gian riêng tư có được, trong khi chờ bữa cơm chiều, trước và sau giờ học bài tối... con lại dán mắt vào màn hình ti vi, mê mải với những chương trình giải trí, với những bộ phim hấp dẫn hoặc nài nỉ mượn điện thoại của bố mẹ để chơi game.
Những món đồ chơi "xa xỉ" của mẹ ngày xưa hầu hết là những đồ tự chế, cái lon bia, vỏ hộp bánh cũng có thể được biến hóa thành cái xe kêu leng keng, dăm chiếc lá, vài bông hoa dâm bụt, ít quả xanh quả vàng từ cây chuỗi ngọc cũng trở thành quầy hàng bán mua, một cái hộp xà phòng nước, cái lon bia rọc dọc rồi nắn lại cho khum khum, bỏ cái nến và xâu thêm sợi chỉ, chiếc đũa, thế là thành đèn lồng trung thu...
Đồ chơi của mẹ là những món đồ tự chế, đồ chơi của con là lego cả triệu, là búp bê hàng hiệu,
là thẻ học chữ đắt tiền nhưng chẳng hấp dẫn con được lâu.
Còn tuổi thơ con bây giờ, khó mà thấy những hình ảnh ấy nữa. Đồ chơi của con là lego cả triệu, súng ống máy bay tên lửa, là búp bê hàng hiệu, là bộ đồ nấu bếp, thẻ học chữ đắt tiền... cái gì cũng quy ra từ lương của bố mẹ, nhưng nói thật, chẳng hấp dẫn con được lâu, và dăm thì mười họa, mẹ lại phải lùng sục, săn tìm đồ chơi mới cho con khỏi chán.
Ngày bằng tuổi con, không gian sống chủ yếu của những đứa trẻ như mẹ ít khi là nhà. Nhà, ừ thì là nơi ấm áp ngọt ngào, để ùa về ăn cơm, tắm rửa và ngủ những giấc yên lành thật ngây thơ. Nhưng mẹ thường long nhong với đám bạn ở khu tập thể, trèo me trèo sấu, vặt dâu da xoan, quả duối, là lăn lê bò toài, lem luốc với vết nhọ nồi trên mặt, với cọng rơm trên tóc, với áo quần xộc xệch dính đầy nhựa cây hay nhảy ùm xuống ao chuôm đầy rẫy chung quanh nhà.
Thật thương, tuổi thơ của con bây giờ chật chội với chương trình học nặng nề và phức tạp, với những phương tiện giải trí hiện đại, với những khối nhà bê tông, và cũng ít bạn bè hơn. Những khi con được chạy chơi, vận động như bơi lội, "leo núi"... thì cũng là trong những trung tâm vui chơi, những phòng tập thiếu ánh sáng trời và thừa đèn điện, điều hòa với những người hướng dẫn tập luyện.
Tuổi thơ của con bây giờ chật chội với chương trình học nặng nề và phức tạp, với những phương tiện giải trí hiện đại, với những khối nhà bê tông, và cũng ít bạn bè hơn.
Khi xưa, hạnh phúc của mẹ có thể chỉ giản dị là được cùng chúng bạn ào theo một chiếc ô tô rước dâu đang đi chầm chậm, để nhìn tận mặt cô dâu, chú rể, là tụ tập sang nhà hàng xóm để xem ké ti vi những khi Tây Du Ký hay Những bông hoa nhỏ phát sóng; còn hạnh phúc của con bây giờ, giữa phố phường tấp nập bóng xe hơi và truyền hình cáp, có lẽ xa xỉ hơn nhiều.
So sánh ngày xưa, ngày nay thì lắm thứ lắm, con sẽ lại cười mẹ sao mà hoài cổ thế, vì thời nay, làm gì còn cảnh cả nhà ngồi trên chiếc chõng tre, ăn cơm xong thì nghêu ngao hát hò và ngắm trăng, còn ai hài lòng với bữa cơm đạm bạc với lạc rang, dưa cà và tóp mỡ phi nước mắm nữa. Đó là hoài niệm đã qua của thời xưa cũ, và chẳng thể kéo về, cũng chẳng thể yêu cầu con sống như mẹ đã từng sống.
Con có những hạnh phúc, niềm vui hiện đại của riêng con, và bố mẹ, cũng như ông bà khi xưa, chỉ cần đảm bảo cho con một tuổi thơ ngọt ngào và đáng nhớ, thế là đủ. Và mẹ hiểu, dẫu có những khác biệt, đứa trẻ ở thời đại nào cũng có nhưng ước muốn giống nhau: một gia đình êm ấm. Và điều hạnh phúc ngọt ngào nhất, món quà giá trị nhất và hoàn toàn miễn phí mà mọi bố mẹ có thể dành tặng cho con mình, đó là thời gian.
Mẹ hiểu điều đó, khi nhìn vào mắt con hồi lên 2, long lanh ngấn lệ ôm chặt lấy chân mẹ nài nỉ mẹ bỏ smartphone xuống để chơi cùng con trò câu cá, đọc cho con quyển sách mà mẹ đã đọc hàng trăm lần đến thuộc làu. Mẹ thấm thía điều đó, khi con 3 tuổi, mặt phụng phịu khi là đứa trẻ cuối cùng còn ngồi trước cửa trường mẫu giáo đợi mẹ đón về, bởi hôm ấy mẹ mải chạy những công đoạn cuối của dự án quan trọng. Mẹ cũng biết điều đó, bởi chỉ khi lớn thêm chút nữa, chút nữa, con sẽ có những khoảng không gian riêng, những bí mật nho nhỏ của riêng con, có một thế giới bí mật mà mẹ không thể nào "xâm nhập" được. Vậy nên, khi con còn là trẻ thơ, còn cần thời gian của mẹ, mẹ sẽ dành tặng con những phút ngồi bên nhau ca hát, những phút vào bếp nấu nướng để khi xong món, con reo lên vì "trúng tủ", sẽ bù đắp cho sự thiếu thốn bạn bè và chật hẹp không gian của con bằng cách một lần nữa, trở về tuổi thơ, để là một người bạn của con.
Hạnh phúc của một đứa trẻ, chẳng phải giản dị thế thôi sao?
Điều mà bố mẹ nghĩ rằng sẽ tốt cho con chưa chắc đã là điều mà các con thực sự cần. Hãy lắng nghe mong ước của những đứa trẻ nếu bạn thực sự muốn con mình có một tuổi thơ hạnh phúc. We Are Family - chiến dịch thường niên của trang tin Afamily.vn với sứ mệnh gắn kết, truyền cảm hứng và lan tỏa tình yêu thương cũng như các giá trị tích cực trong gia đình sắp sửa quay trở lại. Chúng tôi sẽ giúp bạn nhìn thấu mong ước của các con và kéo các thành viên trong gia đình xích lại gần nhau hơn nữa.