Với các chị em, cứ đến thời gian sát Tết là lại bắt đầu nỗi lo lắng về cách chi tiêu, mua sắm làm sao cho đầy đủ, nhưng không được quá hoang phí.
Đặc biệt với ai mới lấy chồng, lần đầu đón Tết phương xa chắc hẳn còn bỡ ngỡ hơn nhiều. Việc sắm Tết cho nhà chồng, mừng biếu ra sao với dâu mới hẳn phải tính toán từ sớm để cân đối chi tiêu. Chưa kể, chị em còn phải cân đo đong đếm rõ ràng để sau khi hết Tết vẫn phải đảm bảo cho cuộc sống sinh hoạt.
Cùng lắng nghe 5 nàng dâu mới về nhà chồng năm nay chia sẻ việc chi tiêu Tết này ngay nhé.
Team mới về nhà chồng chi tiêu "mát tay", x2 so với năm ngoái
Năm nay là năm đầu tiên Phương Huệ về nhà chồng. Dâu mới nên Huệ cũng khá lo lắng và hồi hộp trong việc lên kế hoạch tiêu Tết. Trước Tết 3 tuần, Huệ đã bắt đầu tính toán kế hoạch mua sắm cho bản thân và hai bên gia đình trong dịp Tết Nhâm Dần này.
Một số khoản chi tiêu không đổi của Phương Huệ so với năm ngoái, bao gồm mua sắm quần áo, chăm sóc bản thân, biếu tiền cho bố mẹ, mua bánh kẹo đồ ăn, hoa trang trí. Điểm khác là khi có chồng, số chi phí này sẽ nhân đôi.
Phương Huệ dự tính tiêu khoảng 30 - 35 triệu cho Tết này.
"Năm nay dịch bệnh nên thu nhập của hai vợ chồng cũng giảm hơn, thưởng Tết cũng chắc cũng ít. Thế nên tiêu chí của mình là mua sắm vừa đủ, chỉ mua những gì cảm thấy cần thiết. Việc biếu bố mẹ cũng không nặng tính chất cho thật nhiều để lấy lòng, để thể hiện là dâu rể mới bởi hàng tháng vợ chồng mình đều biếu không phải chỉ riêng Tết".
Không phải theo chồng về quê ăn Tết vì cả hai bên gia đình đều sống ở Hà Nội, Hồng Anh (nhân viên văn phòng) cũng đã rục rịch chuẩn bị cho Tết Nhâm Dần năm nay. Hồng Anh cho biết vì vừa sinh bé đầu lòng, cũng còn khá bỡ ngỡ trong việc nuôi con nên việc sắm sửa cho Tết Nguyên đán cô được mẹ chồng giúp đỡ rất nhiều.
"Mình dự tính Tết sẽ mừng bố mẹ nội ngoại 2 bên, mỗi bên khoảng 5 triệu. Đang trong giai đoạn sau sinh kèm thêm dịch bệnh phức tạp không ra ngoài mua sắm được nhiều nên mình sẽ gửi mẹ chồng thêm 5 triệu nữa để sắm đồ chung cho cả gia đình. Còn lại thiếu thứ gì, mình sẽ lên các trang thương mại điện tử để đặt cho tiện. Năm nay mình cũng đã tham khảo được một vài sản phẩm mới lạ, độc đáo dự định sẽ đặt để "đổi gió" cho gia đình", Hồng Anh chia sẻ.
Team dâu mới có chi tiêu "không biến động" nhiều
Nguyễn Hằng cũng đã lên kế hoạch về quê ăn Tết. Hằng cho biết, gần sát Tết mình sẽ cùng chồng về Thanh Hóa đón năm mới cùng gia đình. Năm nay Hằng mới sinh, em bé còn khá nhỏ nên việc sắm Tết chủ yếu với phải nhờ tới mẹ chồng.
"Mình đưa tiền cho mẹ chồng nhưng bà không cầm chắc vì bà thấy hai vợ chồng còn đang nuôi con nhỏ sợ mình phải bỏ tiền mua lãng phí, không có tiền nuôi con. Mình cũng đã suy nghĩ trong đầu sẽ mua ít hoa quả thắp hương và đặt bò khô hoặc bánh trái lạ miệng xách về dâng lên ban thờ.
Năm nay dịch bệnh, cộng thêm vướng con nhỏ nên mình cũng không có hoạt động xã giao, hội họp gì. Chủ yếu sẽ đi chúc Tết họ hàng hai bên thôi. Mình nghĩ với những thứ mình muốn mua như trên, cộng thêm mừng tuổi cho các cháu trong nhà thì chi phí sẽ dao động khoảng 5-7 triệu đồng, không quá chênh lệch so với khi còn độc thân".
Bích Phương, một nàng dâu ở Hà Nội cũng đang sắp xếp công việc để có thời gian cho việc chuẩn bị và sắm Tết. Phương cho biết, năm nay bản thân không quá chú trọng tiêu nhiều cho bản thân mà chủ yếu muốn mua đồ trang trí nhà cửa, mua đồ ăn Tết, mua quà Tết biếu cho hai bên nội ngoại. Phần chi phí này Phương đang dự tính sẽ gói gọn trong khoảng 8-9 triệu.
"Mình thấy con số tiêu Tết của hai vợ chồng từ 8-9 triệu như vậy là hợp lý nhất. Hai vợ chồng mình chưa có con, lại làm dâu Hà Nội cũng không phải về quê xa nên cũng đỡ được một khoản. Tết năm nay dịch bệnh nên mình cũng phải lựa tình huống mà sắm sao cho hợp lý nhất. Chủ yếu nhất vẫn là mua đồ trang trí nhà cửa, mua đồ ăn Tết, mua quà Tết biếu cho hai bên nội ngoại", Bích Phương chía sẻ.
Cũng cắt giảm tối đa chi tiêu cho Tết năm nay vì thu nhập giảm, Trần Hiền lấy chồng ở Thái Nguyên cho biết, năm nay cô dự tính sẽ không chi tiêu gì cho bản thân. "Nếu như năm ngoái còn đầu tư nhiều cho quần áo, tóc tai, làm móng thì năm nay mình sẽ cắt giảm hoàn toàn. Vì mình nghĩ rằng dịch bệnh cũng không tụ tập bạn bè và về nhà chồng năm đầu mình cũng muốn dành thời gian nhiều hơn giúp bố mẹ dọn dẹp nhà cửa.
Mình sẽ biếu bố mẹ hai bên mỗi bên 3 triệu. Tiền mừng tuổi cho ông bà, các cháu, họ hàng,... hết khoảng 3 triệu nữa. Đây là các khoản chi tiêu bắt buộc, không thể cắt giảm. Việc chi tiêu hợp lý trước và trong Tết cũng sẽ giúp mình bớt gánh nặng tài chính sau khi năm mới kết thúc".