Giáo dục giới tính toàn diện có liên quan đến việc giảm tỷ lệ quan hệ tình dục không an toàn, các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục, mang thai ngoài ý muốn... Tuy nhiên, tại nhiều nơi, đây vẫn là chủ đề "cấm kị" trong các cuộc trò chuyện giữa bố mẹ, con cái, hoặc chưa có sự quan tâm, hướng dẫn đúng, đủ cho thanh thiếu niên, thậm chí cả ở các nước phát triển - nơi mà phụ huynh thường quan niệm rằng vấn đề tình dục khá "thoáng" và cởi mở.
"Bố mẹ chắc đã quá quen với những sự ngợi ca về tiêu chuẩn giáo dục của Anh và Mỹ. Điều này đúng trên nhiều phương diện và lĩnh vực. Nhưng với Sex Ed thì có lẽ là không" - Chị Phạm Thu Hà, thạc sĩ về Social Entrepreneurship và xây dựng mô hình giáo dục giới tính cho thanh thiếu niên tại Anh chia sẻ về một số "lầm tưởng" của phụ huynh khi nói về chuyện "nhạy cảm" ở trời Tây.
Là một người đang sống ở Anh, may mắn khi được trải nghiệm nền giáo dục "ở bển", được gặp gỡ các bạn trẻ đến từ nhiều nền văn hóa khác nhau, chị Hà cho rằng, góc nhìn về Sex Ed của mình được mở rộng hơn so với chính bản thân cách đây 5 năm. Và theo Thu Hà, sự thật thì 2 đất nước to bự này (Anh và Mỹ) lại đứng... bét bảng về tỷ lệ mang thai ngoài ý muốn và lây nhiễm STIs (bệnh lây qua đường tình dục) trong số các nước phát triển. Một kết luận khiến khá nhiều người giật mình.
Chị Thu Hà cho rằng, có hai lý do chính dẫn đến hệ quả này:
1. Rất nhiều người Mỹ khá bảo thủ trong việc nói về Sex Ed cho học sinh
Thậm chí nếu thử Google, bạn sẽ thấy ở Mỹ có cả 1 phong trào đấu tranh yêu cầu nhà trường không được phép dạy về Sex Ed cho tụi trẻ (Abstinence sex ed only), vì họ cho rằng nói về phòng tránh thai, về porn, về việc quan hệ an toàn là tiêm nhiễm vào đầu tụi trẻ con những kiến thức khiến chúng sử dụng để đi quan hệ lung tung.
2. Người Anh thì quá... lịch sự để nói về Sex Ed
Để mình lấy 1 ví dụ vui vui cho mọi người hình dung nhé: Khi gặp một người sắp chết đuối thay vì chỉ kêu cứu, thì người Anh sẽ kiểu "Tôi rất xin lỗi đã làm phiền nhưng mà anh có thể làm ơn ném cho tôi cái phao được không nếu điều đó không làm ảnh hưởng gì tới anh". Tất nhiên ngoài đời không ai làm thế, nhưng sự dài dòng lịch thiệp của người Anh là có thật như vậy. Và chính văn hóa lòng vòng lịch sự này khiến họ có sự e dè khi nói về Sex Ed.
Khi còn đi học Thạc sĩ với đề tài khóa luận về xây dựng mô hình giáo dục giới tính online, mình có hỏi han thầy cô và các bạn bè người bản xứ của mình về việc mọi người đã từng được học, hay từng nói với con cái của mình về Sex Ed như thế nào. Câu trả lời mình nhận được, đều bắt đầu bằng những cái nhíu mày suy nghĩ mất cỡ vài giây, và rằng "ah, tôi cũng chẳng biết nói sao nữa".
Sex Ed không phải là môn học bắt buộc
Bạn có thể không tin, nhưng Sex Ed tại các trường học ở Mỹ là điều tùy thuộc vào mỗi bang, thậm chí mỗi trường. Không hề bắt buộc. Còn ở Anh, thì quy định bắt buộc dạy về GDGT toàn diện (Comprehensive sex education) cho học sinh mới chỉ được phổ cập khoảng từ năm 2017.
Chị Hà cho rằng, chúng ta hiện nay cũng không quá đi sau Anh và Mỹ trong việc học về Sex Ed: "Có lẽ thay vì lên án mãi, chúng ta nên bao dung hơn một chút trong việc cùng nhau chia sẻ và học tập về Sex Ed. Vì suy cho cùng, để đạt được tới "cảnh giới" thực sự phát triển trong lĩnh vực giáo dục giới tính sẽ luôn là 1 quá trình dài, đồng hành cùng nhau, cùng con. Không chỉ dừng lại ở mặt kiến thức, mà còn ở cách chúng mình mở lòng hơn khi nói về nó nữa".
Thạc sĩ 9x chia sẻ, Sex Ed thực chất bao gồm rất nhiều thứ. Nội dung học truyền thống (chỉ nói về bộ phận sinh dục, cách thức hoạt động của bộ máy sinh sản, qua 1-2 tiết học về sinh học năm cấp 2) là điều cực kỳ thiếu sót. Nhất là trong thời đại internet bây giờ, với sự hiện diện của Porn, của Sexting, của Cyber Sex, thì chắc chắn chúng ta cần nhiều hơn những bài học sinh học đơn thuần.
"GDGT toàn diện cũng nên bắt đầu từ sớm, và mỗi độ tuổi sẽ có những nội dung phù hợp. Về tiêu chí xây dựng bài học dựa trên độ tuổi, mọi người có thể tham khảo mô hình hướng dẫn của UNESCO, nhằm hướng tới Mục tiêu phát triển bền vững. Tài liệu có tên là "International technical guidance on sexuality education: an evidence-informed approach". Nó bao gồm 8 cụm nội dung chính, mỗi cụm nội dung này sẽ được sắp xếp theo mức độ, ứng với từng độ tuổi phù hợp.
Việc lo lắng các em bây giờ có xu hướng tình dục sớm thực ra là một sự lo lắng hơi... thừa vì đó là điều chắc chắn đang xảy ra. Nên thay vì lo lắng, hãy chấp nhận sự thật rằng các em có khi còn đang tìm hiểu những thứ mà nhiều người lớn chưa chắc đã biết. Điều cơ bản nhưng quan trọng nhất là tạo ra một môi trường cởi mở, thân thiện, không phán xét, khuyến khích các em nói về sex và các khúc mắc nhiều hơn nữa. Đây cũng là cách khiến người lớn dần thay đổi cách nhìn nhận về sex. Vì xét cho cùng, tại sao chúng ta lại phải ngại khi nói về những điều ai cũng cần phải trải qua?", chị Hà nhấn mạnh.
Phạm Thu Hà là Thạc sĩ về Social Entrepreneurship và xây dựng mô hình giáo dục giới tính cho thanh thiếu niên theo học bổng chính phủ Anh - Chevening. Đồng thời là Founder của She Talks - kênh chia sẻ kiến thức về Giáo dục giới tính toàn diện cho các bạn trẻ độ tuổi 14+ với series video hoạt hình "1 phút học Sex Ed" có hơn 80.000 người theo dõi và kênh Intivibe dành cho cha mẹ giúp thu hẹp khoảng cách thế hệ về chủ đề giáo dục giới tính.