Em có thai được hơn 2 tháng. Mấy hôm trước bị ngã xe nên em đến bệnh viện chấn thương chỉnh hình khám. Em đã chụp X-quang cổ tay, thời gian chụp khoảng 2-3 phút.
Sau khi chụp xong em mới nói bác sĩ là em có thai. Bác sĩ nói nguy cơ ảnh hưởng từ việc chụp X-quang đến em bé là rất ít, tuy nhiên, em nên đi kiểm tra thai thường xuyên. Em thấy lo lắng vì nghe nói chụp X-quang trong thời kỳ mang thai rất nguy hiểm, có thể gây ung thư cho em bé.
Thật sự em rất sợ và lo lắng. Con cái là của trời ban, em muốn giữ con. Rất mong bác sĩ có thể giải đáp thắc mắc giúp em. Em xin cảm ơn! (Mai Lan)
BS. Hoa Hồng tư vấn:
Bạn Mai Lan thân mến,
Chúng tôi rất hiểu tâm trạng lo lắng của bạn lúc này. Chuyện con cái đúng là không thể xem thường được.
Việc chụp X-quang khi mang thai có ảnh hưởng thế nào đến em bé trong bụng mẹ vẫn còn là điều gây nhiều tranh cãi. Thực chất, khi chụp X-quang, tia X là à dạng bức xạ không nhìn thấy được bằng mắt thường. Nó được dùng trong việc chẩn đoán các bệnh lý về xương, phổi và các cơ quan khác. Về cơ bản, nếu trong quá trình mang thai mà người phụ nữ thường xuyên tiếp xúc với môi trường tia X hoặc chụp X-quang nhiều lần (chụp trực tiếp ở phần bụng dưới) thì đúng là rất đáng lo ngại.
Ảnh hưởng của tia X khi chụp X-quang phụ thuộc vào số lần chụp và vị trí chụp. Nhiều phụ nữ cho rằng nếu có lỡ chụp X-quang khi đang mang thai thì nhất thiết phải bỏ thai vì nó sẽ gây dị tật thai nhi. Thực tế, nếu thai phụ chụp ở những vị trí không gần bụng hoặc khi chụp gần bụng, bác sĩ sẽ dùng thiết bị để che đi phần bụng thì ảnh hưởng của tia X đến em bé là rất nhỏ. Không ít trường hợp, thai phụ đã chụp X-quang mà vẫn sinh ra em bé khỏe mạnh như những thai phụ bình thường khác.
Ảnh minh họa
Do vậy, nếu bạn chỉ chụp X-quang một lần và chụp ở cổ tay, tia X không chiếu đến thai nhi thì bạn cũng không nên lo lắng quá.
Bạn nên thư giãn tâm lý để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe và bản thân và em bé trong bụng. Để yên tâm, bạn nên tham khảo tư vấn của các bác sĩ sản khoa trực tiếp khám, siêu âm và chăm sóc sức khỏe thai sản cho bạn. Ngoài việc nên bổ sung các dưỡng chất cho cơ thể để tăng lượng dinh dưỡng nuôi thai nhi, bạn cần đi khám theo đúng lịch hẹn của bác sĩ, tuân thủ những chỉ dẫn của bác sĩ để có một thai kì khỏe mạnh.
Trong trường hợp nếu thấy dấu hiệu lạ (chảy máu âm đạo, đau bụng, em bé không đạp...) thì bạn cần phải đi khám ngay lập tức.
Chúc gia đình bạn hạnh phúc!
Nếu bạn đọc có những thắc mắc về sức khỏe tâm sinh lý giới tính cần được tư vấn xin gửi về email: [email protected] |
Tìm hiểu cách tính ngày rụng trứng để tăng cơ hội đậu thai