Dốc hết trái tim - Tổng đài "lắng nghe và giải đáp" tất tần tật về phụ nữ. Ở đây, phụ nữ có một nơi để trút bỏ không chỉ những tâm sự về tình yêu - hôn nhân, mà còn có thể nói về những ước mơ, hoài bão; bày tỏ quan điểm, thắc mắc muôn mặt về đời sống; thậm chí kể câu chuyện đời mình... Với hình thức chia sẻ hai chiều, bạn gửi tâm sự về cho Tổng đài - Tổng đài gửi lại bạn hình ảnh minh họa tâm sự đó, hy vọng rằng đây sẽ là nơi gửi gắm tin tưởng của chị em. Ngay bây giờ, hãy dốc hết trái tim qua hòm mail: [email protected]

Chào Hướng Dương,

Bố mẹ cháu li hôn năm cháu 2 tuổi. Vì quá nhỏ nên cháu không biết được nguyên do tại sao bố mẹ cháu li hôn. Cháu chỉ được nghe mẹ cháu kể lại là bố cháu không có trách nhiệm với gia đình, lúc ra tòa thì không chịu chu cấp tiền nuôi cháu. Mẹ cháu có vẻ ghét bố cháu lắm. Cháu lại còn biết bố cháu lấy vợ mới và có con nữa kia ạ. Lúc đấy cháu cũng không có cảm xúc ghét bỏ hay gì đâu ạ. Cháu cũng hơi nhớ bố nữa ạ.

Hơm 10 năm bị bố bỏ rơi, cháu có nên tìm cách trò chuyện lại với bố? - Ảnh 2.

Ảnh minh họa.

Mặc dù li hôn nhưng nhà bố cháu và nhà cháu cùng thành phố, cách có 5 cây số là cùng mà suốt 10 năm trời đằng đẵng bố cháu không thăm cháu lấy 1 lần, không hỏi thăm cháu lấy 1 câu. Bảo là không biết địa chỉ nhà đã đành, nhưng cháu còn học chung tiểu học với chị họ bên nội ấy ạ. Thế là từ đấy cháu sinh ra hận bố cháu.

Tuần trước cháu kết bạn được với zalo của bố cháu. Bố cháu sống hạnh phúc với gia đình mới lắm ạ. Cháu rất muốn nói chuyện với bố cháu mà không dám. Cháu cũng sợ vợ mới của bố nữa ạ. Xin hỏi Hướng Dương cháu có nên không ạ và nếu có thì nên bắt đầu cuộc trò chuyện thế nào ạ? Cháu muốn biết liệu bố cháu có còn nhớ đến cháu hay có quan tâm gì đến cháu không ạ.

Mong Hướng Dương sớm hồi đáp ạ. ([email protected])

Hơm 10 năm bị bố bỏ rơi, cháu có nên tìm cách trò chuyện lại với bố? - Ảnh 3.

Chào cháu,

Hướng Dương rất thấu hiểu cảm giác của cháu lúc này. Cháu có quyền được thân cận với bố nhưng đọc thư của cháu, Hướng Dương cảm thấy bố cháu đã từ chối nghĩa vụ và trách nhiệm với cháu. Bởi nếu là một người cha có trách nhiệm, ông ấy đã thăm hỏi và gặp gỡ cháu rồi. Vì thế, giờ quyền quyết định nằm hoàn toàn ở cháu.

Nếu cháu muốn một cuộc nói chuyện để biết bố cháu có nhớ hay quan tâm tới cháu, cháu hãy bắt đầu bằng cách chào hỏi. Đơn thuần hỏi thăm ông ấy có khỏe mạnh, công việc có thuận lợi...

Cháu không nên đặt quá nhiều hi vọng hay niềm tin vào cuộc trò chuyện đó cũng như vào ông ấy.

Hãy suy nghĩ thật kỹ trước khi bắt đầu cuộc trò chuyện. Nếu cháu tìm hiểu rõ nguyên nhân của việc thờ ơ, vô trách nhiệm mà cha cháu đối với cháu, thì cháu có giận ông ấy? Có tiếp tục buồn rầu? Hay cảm thấy nhẹ gánh trong lòng?

Ai cũng có quyền mưu cầu hạnh phúc, cháu cũng có quyền mưu cầu có được sự quan tâm của cha, nhưng cũng hãy nghĩ tới cảm xúc của mẹ cháu. Hãy hỏi ý kiến mẹ cháu trước nhé!

Chúc cháu sớm gỡ rối được lòng mình và tiếp tục hướng về phía trước! Mọi buồn vui trong cuộc sống chỉ làm chúng ta thêm trưởng thành thôi!

Hướng Dương.