Suốt một năm qua, có lẽ bạn đã không ít lần thấy những chiếc khẩu trang y tế bị vứt lại ngay trên vỉa hè, bãi đậu xe hoặc thậm chí trong thang thoát hiểm ở chung cư. Nhưng đó không phải là nơi duy nhất chúng xuất hiện.
Theo một nghiên cứu mới của nhóm bảo tồn Ocean-Asia, kể từ đầu đại dịch COVID-19 tới giờ, các đại dương của chúng ta đang bị đầu độc bởi hơn 1,56 tỷ chiếc khẩu trang y tế dùng một lần. Ở một số vùng biển như Địa Trung Hải, khẩu trang có thể được tìm thấy nhiều hơn cả sứa.
Andrew Wunderley, một nhà hoạt động môi trường đến từ tổ chức Charleston Waterkeeper cho biết: Mọi người thường có một quan niệm sai lầm cho rằng khẩu trang y tế được làm từ vải. Nhưng thực sự thì chúng được làm từ nhựa. Sẽ mất tới 450 năm để những chiếc khẩu trang có thể phân hủy.
Trong khoảng thời gian đó, nghiên cứu của Ocean-Asia ước tính sản lượng khẩu trang được sản xuất trên toàn thế giới có thể lên tới hớn 52 tỷ chiếc mỗi năm. Nếu tính trên tỷ lệ hao hụt khoảng 3% và mỗi chiếc khẩu trang y tế có chứa từ 3-4 gram nhựa polypropylene thì kể từ đầu đại dịch COVID-19 đến giờ, con người đã xả thêm vào đại dương từ 4.680-6.240 tấn nhựa.
Và đó mới chỉ là phần nổi của tảng băng trôi, Teale Phelps Bondaroff, giám đốc nghiên cứu của Ocean-Asia cho biết. "Mỗi năm con người đang xả vào đại dương từ 8-12 triệu tấn nhựa các loại. Chúng đã, đang và sẽ gây ra những thiệt hại khủng khiếp lên quần thể sinh vật hoang dã sống trong các đại dương".
"Ô nhiễm nhựa đã giết chết khoảng 100.000 động vật có vú và rùa biển, hơn một triệu cá thể chim biển và một số lượng lớn không đếm xuể các loài cá, động vật không xương sống và các loài sinh vật biển khác mỗi năm", Gary Stokes, một chuyên gia môi trường, giám đốc điều hành của Ocean-Asia cho biết.
"Nó cũng tác động tiêu cực đến nghề cá và ngành du lịch, đồng thời gây thiệt hại thường niên ước tính khoảng 13 tỷ USD cho nền kinh tế toàn cầu".
Ở cuối chuỗi thực phẩm, ô nhiễm nhựa trong các đại dương cũng gây tổn hại đến sức khỏe con người. Hãy xem xét một kịch bản khi nhựa bị phân hủy thành các mảnh nhỏ hơn và nhỏ hơn nữa, được gọi là hạt vi nhựa. Các sinh vật biển ăn phải vi nhựa và các chất độc từ nhựa sẽ truyền vào thịt và nội tạng của chúng, sau đó vào con người khi chúng ta ăn hải sản.
Nghiên cứu thực hiện tại Châu Âu cho thấy, khi ăn một suất hải sản, các món từ động vật có vỏ như trai, hàu, sò…, bạn có thể nuốt vào bụng 90 hạt vi nhựa. Lượng này có thể thay đổi theo từng quốc gia, nhưng trung bình những người hay ăn hải sản, với các món từ động vật có vỏ, có thể nuốt vào 11.000 hạt vi nhựa mỗi năm.
Thành phần chính của khẩu trang dùng một lần là polypropylene, một loại nhựa có nguồn gốc từ nhiên liệu hóa thạch và những chiếc khẩu trang này không thể tái chế. Nguyên nhân vì chúng được sản xuất cho môi trường đặc thù trong bệnh viện, được làm từ các sợi nhựa khó tách rời, khó phân loại và làm sạch.
Do đó, báo cáo của Ocean-Asia khuyến khích người dân nên chuyển sang sử dụng khẩu trang vải có thể tái sử dụng nhiều lần thay cho khẩu trang y tế. Gary Stokes cho biết đó là cách mà chúng ta có thể bảo vệ hành tinh của mình, bởi dù cho bạn có vứt một chiếc khẩu trang vào sọt rác, số phận của nó vẫn có thể kết thúc trong các đại dương.
Những chiếc mặt nạ có thể bay theo gió, được người khác mang tới biển hoặc rơi ra khỏi tàu thuyền, Stokes nói. "Trên một bãi biển dài khoảng 100 mét, chúng tôi tìm thấy khoảng 70 chiếc khẩu trang. Một tuần sau, 30 chiếc khẩu trang khác đã được vớt lên thêm. Và đó là trên một hòn đảo hoang ở giữa biển cả", ông nói.
Tò mò muốn xem những chiếc khẩu trang đã đi được bao xa, Stokes bắt đầu kiểm tra các bãi biển khác gần đó. "Chúng tôi tìm thấy chúng ở khắp mọi nơi. Kể từ khi cả xã hội bắt đầu đeo khẩu trang, những hậu quả kéo theo đó đang được nhìn thấy trên tất cả các bãi biển".
Và vấn đề không chỉ xảy ra với khẩu trang y tế dùng một lần. Các đồ bảo hộ và rác thải y tế khác cũng đang gây ra nhiều vấn đề cho đại dương.
"Găng tay là một ví dụ điển hình và chúng đặc biệt có hại. Những chiếc găng tay cao su trông rất giống một con sứa, điều đó có nghĩa là những con cá có thể vô tình ăn phải chúng, rùa cũng vậy và cả các sinh vật biển khác", Wunderley nói.
Stoke cho biết điều tương tự có thể xảy ra với những chiếc khẩu trang. Ở một số vùng biển như Địa Trung Hải, số lượng khẩu trang có thể nhiều hơn cả sứa.
"Trong khoảng thời gian nghiên cứu của mình, chúng tôi thỉnh thoảng lại bắt gặp những con cá heo bị chết và trôi dạt vào bờ biển", Stoke nói. "Và khi mổ xác để khám nghiệm, thứ mà chúng tôi thường sẽ tìm thấy trong dạ dày của chúng là những chiếc khẩu trang".
Tổng hợp