Hơn 15.000 chữ ký đã được tập hợp ủng hộ BS. Hoàng Công Lương

Mới đây (sáng 7/5), Tòa án Nhân dân TP.Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình đã mở phiên tòa xét xử bác sĩ Hoàng Công Lương và hai bị cáo liên quan đến tai biến chạy thận xảy ra ngày 29/5/2017 làm 8 người tử vong tại bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình.

Hơn 15.000 chữ ký được gửi tới phiên tòa có giúp cho BS. Hoàng Công Lương được tuyên vô tội? - Ảnh 1.

Các bị cáo tại phiên tòa sáng 7/5

Tuy nhiên, phiên tòa đã bị hoãn do thiếu vắng một số người cần thiết liên quan đến xét xử vụ án; thiếu luật sư bào chữa cho bị cáo Bùi Mạnh Quốc - Giám đốc công ty TNHH xử lý nước Trâm Anh và bị cáo Trần Văn Sơn - cán bộ phòng Vật tư, Trang thiết bị y tế, bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình; thiếu người đại diện hợp pháp của bị đơn bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình...

Ngay sau phiên tòa, trao đổi với PV, bị cáo Hoàng Công Lương cho hay, thông tin từ người nhà cho biết, trước khi diễn ra phiên tòa, đã có trên 15.400 chữ ký được tập hợp trong bản danh sách "chữ ký đồng thuận ủng hộ bác sĩ Hoàng Công Lương". Tuy nhiên, do phiên tòa đã bị hoãn nên bản tập hợp danh sách những chữ ký trên chưa được gửi tới Tòa án Nhân dân TP.Hòa Bình.

Hơn 15.000 chữ ký được gửi tới phiên tòa có giúp cho BS. Hoàng Công Lương được tuyên vô tội? - Ảnh 2.

Bác sỹ Hoàng Công Lương sau khi rời phòng xử án sáng 7/5. Ảnh: TP

Được biết, phần rất lớn trong số này là của các đồng nghiệp y khoa trong cả nước, từ ĐH Y dược Thái Bình, bệnh viện Sản nhi Lào Cai, bệnh viện Đa khoa Kinh Bắc tỉnh Bắc Ninh, từ Cẩm Xuyên-Hà Tĩnh, Lạng Sơn…

Hơn 15.000 chữ ký xin giảm hình phạt cho bác sĩ Lương chính là đang "buộc tội" bác sĩ này?

Nói về việc này, dưới góc độ pháp lý, luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết: "Hơn 15.000 chữ ký của người dân xin giảm hình phạt cho bị cáo không phải là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật hình sự hiện hành, nhưng cũng có thể là căn cứ để Hội đồng xét xử tham khảo, đánh giá về tính chất, mức độ của hành vi phạm tội (nếu có tội). Từ đó, có quyết định phù hợp khi xác định khung hình phạt".

Hơn 15.000 chữ ký được gửi tới phiên tòa có giúp cho BS. Hoàng Công Lương được tuyên vô tội? - Ảnh 3.

Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn LS Thành phố Hà Nội)

Theo luật sư Cường, trước thông tin hiện nay, bác sĩ Hoàng Công Lương đang kêu oan chứ không phải là xin giảm hình phạt. Các luật sư tham gia bào chữa cho bác sĩ Lương cũng có quan điểm bào chữa là minh oan cho bác sĩ, đề nghị tòa án tuyên bố bác sĩ Lương không phạm tội. 

Vì vậy, nếu có hơn 15.000 người ký tên xin giảm hình phạt cho bác sĩ Lương thì chính là đang "buộc tội" bác sĩ này, bởi trong tố tụng hình sự thì hình phạt chỉ được đặt ra với bị cáo bị tuyên là có tội. Nếu bị cáo không có tội thì tòa án sẽ không xem xét, không áp dụng hình phạt.

Trong vụ một án hình sự nếu kết quả tranh tụng cho thấy bị cáo đã phạm vào một tội danh được quy định trong Bộ luật hình sự thì khi đó Hội đồng xét xử mới cân nhắc, xem xét đến loại hình phạt (phạt tiền, cải tạo không giam giữ, phạt tù, tử hình, trục xuất...) và mức hình phạt.

Việc quyết định loại hình phạt là hình phạt nào thì trước tiên phải căn cứ vào tính chất mức độ của hành vi và nhân thân của bị cáo, khả năng giáo dục, cải tạo của bị cáo.

Còn việc quyết định "mức hình phạt" (bao nhiêu năm tù...) sẽ căn cứ vào các quy định của Bộ luật hình sự, trên cơ sở đánh giá tính chất, mức độ của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội và các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.

"Để kết tội được bác sĩ Lương thì đại diện viện kiểm sát thực hành quyền công tố tại phiên tòa phải có chứng cứ chứng minh bác sĩ Lương là người có chức vụ, quyền hạn liên quan tới vụ việc gây chết 8 người chạy thận đó như việc bác sĩ Lương đã cố ý không thực hiện nhiệm vụ hoặc thực hiện sai nhiệm vụ dẫn đến hậu quả chết người. Nếu không chứng minh được điều này thì bác sĩ Lương đương nhiên không có tội - theo nguyên tắc suy đoán vô tội mà Bộ luật tố tụng hình sự hiện nay đã quy định", luật sư Cường phân tích.

Theo luật sư Cường, chỉ có bác sĩ Lương, người trong cuộc và các luật sư tham gia vụ án này mới biết rõ toàn bộ các tình tiết, tài liệu chứng cứ của vụ án. Còn những người dân khác chỉ biết thông tin thông qua dư luận xã hội nên thông tin sẽ không đầy đủ, không chính xác bằng những người trong cuộc. 

Nhận định thêm về vụ việc, luật sư Cường cho hay: "Vụ việc này khiến dư luận rất quan tâm nên hội đồng xét xử mặc dù theo quy định thì "xét xử độc lập, chỉ tuân theo pháp luật" - không bị tác động bởi bất cứ yếu tố nào khác nhưng sẽ rất thận trọng trong việc xem xét, đánh giá chứng cứ và kết luận vụ việc. Hy vọng án này sẽ kết thúc có hậu, đảm bảo nguyên tắc công bằng, bình đẳng, nguyên tắc suy đoán vô tội và các nguyên tắc cơ bản khác trong tố tụng hình sự, đảm bảo quyền con người để người dân thấy hài lòng, tin tưởng vào pháp luật, vào hoạt động tư pháp".