Trả lời VTC News ngày 22/8, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT khẳng định, 325.716 thí sinh không đăng ký nguyện vọng xét tuyển là số liệu bình thường, không đáng quan ngại.
Mọi năm, khi đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT, thí sinh cùng lúc đăng ký nguyện vọng xét tuyển vào các trường đại học (sau đó có thể điều chỉnh thông tin đăng ký nguyện vọng xét tuyển trong thời gian quy định). Do đó, thí sinh sẽ có xu hướng và tâm lý đăng ký trước, đăng ký thật nhiều nguyện vọng vì cho rằng đây là cơ hội trúng tuyển, sau đó mới dần điều chỉnh. Tuy nhiên, năm nay, tới khi có điểm thi tốt nghiệp THPT, thí sinh mới thực sự đăng ký nguyện vọng xét tuyển cụ thể và nộp lệ phí.
So với năm 2020 (642.270 thí sinh đăng ký) và 2021 (794.739 thí sinh đăng ký), năm nay số lượng thí sinh đăng ký giảm. "Tuy nhiên số liệu này lại thể hiện sự thực chất, thực lực của thí sinh có khả năng cạnh tranh xét tuyển vào đại học, thực sự mong muốn vào học đại học", bà Thuỷ nhấn mạnh.
Vụ trưởng phân tích, sau khi biết điểm thi tốt nghiệp THPT, thí sinh có thể tự đánh giá năng lực của bản thân đang ở mức độ nào, thực lực đạt được của mình thế nào. Nhiều thí sinh khi có kết quả điểm không cao, nhận thức thấy rằng không đủ khả năng cạnh tranh khi xét tuyển đại học, do vậy không đăng ký nữa. "Bởi vậy, việc nhiều thí sinh không nhập nguyện vọng xét tuyển trên hệ thống là chuyện bình thường”, bà nhấn mạnh.
Một lý do khác được PGS Nguyễn Thu Thuỷ đưa ra, năm nay lượng lớn thí sinh lựa chọn đi du học nên không đăng ký xét tuyển. Cụ thể, vào các năm 2020 và 2021, nhiều thí sinh bỏ lỡ việc đi du học do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Năm nay, ngay khi có điểm thi tốt nghiệp THPT, rất nhiều thí sinh quyết định du học.
"Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục phân tích số liệu về điểm thi tốt nghiệp THPT, phân tích theo vùng miền… đối với số lượng 325.000 thí sinh không đăng ký xét tuyển kể trên để có các điều chỉnh chính sách tương ứng, phù hợp trong những năm tới", Vụ trưởng nói.
Nếu nhìn vào năng lực đào tạo hiện nay của hệ thống, tức là số lượng chỉ tiêu mà các trường đại học đã công bố thì con số 616.522 thí sinh nhập nguyện vọng đăng ký xét tuyển là hợp lý. Hệ thống giáo dục đại học của Việt Nam hiện không đủ dung lượng để đào tạo cho tất cả trên 940.000 thí sinh nếu cùng đăng ký xét tuyển. Thực tế, năm 2020, số lượng nhập học chính quy theo tất cả phương thức xét tuyển là 441.913 thí sinh. Đến năm 2021, con số này tăng lên thành 501.455 thí sinh, là số liệu nhập học đại học cao nhất từ trước đến nay.
Trước ý kiến cho rằng hơn 300.000 thí sinh không nhập nguyện vọng là “tỷ lệ ảo” lớn, gây khó khăn cho các trường trong công tác tuyển sinh, PGS Thủy khẳng định, đây không phải tỷ lệ ảo, mà chính là việc giúp giảm số “thí sinh ảo” trong hệ thống khi triển khai công tác tuyển sinh. Với 616.522 thí sinh nhập nguyện vọng phần lớn là những em muốn học đại học, có đủ năng lực để học đại học. Do vậy, khi hệ thống của Bộ GD&ĐT chạy lọc ảo trên những thí sinh này giúp chúng ta “giảm ảo” rất nhiều so với các năm trước.
Liên quan vấn đề này, TS Nguyễn Đức Nghĩa, nguyên Phó giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội cũng cho rằng chưa thể nói đó là bất thường. Đây mới chỉ là năm đầu tiên các trường đại học phải xét tuyển lọc ảo chung tất cả các phương thức. Nếu thực sự hơn 300.000 thí sinh không tiếp tục đăng ký xét tuyển trên hệ thống mà chuyển sang xét tuyển vào các trường cao đẳng thì đây lại là điều đáng mừng, sự phân luồng sau THPT bắt đầu có tác dụng.Tuy nhiên điều này còn phải chờ được đánh giá kiểm chứng qua kết quả tuyển sinh của các trường cao đẳng.
Theo thống kê từ Bộ GD&ĐT, tính đến thời điểm khoá cổng đăng ký trực tuyến - 17h ngày 20/8, hệ thống tuyển sinh ghi nhận 616.044 thí sinh đăng ký tham gia xét tuyển đại học năm 2022. Còn lại 325.716 em không đăng ký (chiếm 34,6%). Tổng số nguyện vọng đã đăng ký vào các trường đại học là hơn 3.094.572 (trung bình mỗi thí sinh đăng ký 5,02 nguyện vọng).
Một số chuyên gia tuyển sinh băn khoăn việc 1/3 tổng số thí sinh không đăng ký xét tuyển đại học năm nay. Họ cho rằng điều này là bất thường, đáng quan ngại.