Lính cứu hỏa chiến đấu với lửa ở tỉnh Nam Sumatra. Ảnh: theguardian.com
Theo bà Nazir, con số trên cao hơn nhiều các số liệu được ghi nhận trong tháng 7 và 8, lần lượt là 27.563 và 29.236 người. Bà cũng cho biết thêm rằng các trung tâm y tế công cộng của 12 huyện thị trong tỉnh đã được huy động điều trị cho những người bị ảnh hưởng bởi khói mù. Theo bà, các bệnh nhân liên quan đến khói mù được miễn phí kiểm tra sức khỏe tại các cơ sở này.
Đề phòng tình hình có thể xấu hơn, Phó Tỉnh trưởng Riau, Edy Natar Nasution cho biết các trường học trong tỉnh đã được yêu cầu đóng cửa từ tuần trước. Chính quyền tỉnh cũng đã phát khẩu trang miễn phí cho người dân trong các khu vực bị ảnh hưởng.
Chất lượng không khí ở hầu hết các vùng thuộc địa phận tỉnh Riau trong ngày 12/9 đều được ghi nhận ở mức nguy hại do khói mù. Chỉ số ô nhiễm không khí (ISPU) đã đạt tới mức cảnh báo 300, cao hơn nhiều so với mức phù hợp là 100.
Tỉnh Riau là khu vực bị ảnh hưởng bởi cháy rừng lớn nhất, với 49.266 hecta rừng bị thiêu rụi, trong tổng số 328.724 hecta rừng cháy được phát hiện trên cả nước trong 8 tháng đầu năm. Các tỉnh khác bị ảnh hưởng bởi cháy rừng gồm Đông Nusa Tenggara, Trung Kalimantan, Tây Kalimantan, Nam Kalimantan và Nam Sumatra.
Indonesia đã huy động hàng nghìn nhân viên phối hợp khống chế cháy rừng với sự hỗ trợ của các chiến dịch thả nước từ trực thăng để dập tắt đám cháy.
Cơ quan Thời tiết Indonesia cho biết thời tiết tại một số khu vực ở Đông Nam Á thường khô hanh trong những tháng gần đây, trong đó có Indonesia. Các đám cháy rừng xảy ra ở Indonesia thường là do người dân đốt rừng phát quang đất để trồng cọ lấy dầu và các loại cây trồng khác cũng như các hoạt động tại lâm trường sản xuất các nguyên liệu giấy.