Mỗi khi nhắc đến Nhật hoàng Akihito, ngoài công lao to lớn mà ông đã đóng góp cho Nhật Bản, người ta còn thường xuyên bày tỏ sự ngưỡng mộ dành cho cuộc hôn nhân viên mãn hơn 60 năm của ông và Hoàng hậu Michiko. Chuyện tình của họ được ví như truyện cổ tích, bắt đầu từ một trận đấu trên sân tennis, vượt qua mọi rào cản cách biệt giai cấp để có thể nắm tay nhau bước hết cuộc đời này.
Năm 1957, Nhật hoàng Akihito thời điểm đó vẫn còn là một chàng Thái tử trẻ tuổi, điển trai đã gặp được Michiko Shoda trong trận đấu tennis ở Karuizawa. Trải qua 2 set đấu, Michiko không chỉ giành được chiến thắng trong trận bóng mà còn "đánh cắp" luôn cả trái tim của vị Thái tử kia.
Nói về Michiko, bà là con gái của Hidesaburo Shoda, có gốc gác samurai từ Tatebayashi, vùng ngoại ô cách Tokyo khoảng 80km về phía Bắc. Nhờ xuất thân trong gia đình tư bản nên Michiko được tiếp cận với nền giáo dục tiên tiến từ trong lẫn ngoài nước. Không chỉ tốt nghiệp cử nhân trường đại học Công giáo ngành Văn học Anh, bà còn có trong tay rất nhiều tấm bằng ngắn hạn tại Harvard và Oxford. Bên cạnh đó, Michiko còn có thể chơi đàn piano một cách thành thạo cùng tài năng hội họa không thể xem thường. Chính vì sở hữu cả tài năng lẫn nhan sắc, Michiko khi ấy được rất nhiều "vệ tinh", bao gồm cả nhà văn Yukio Mishima, theo đuổi và ngỏ lời cưới hỏi.
Trở về sau trận đấu, Thái tử Akihito đã phải lòng người con gái tài giỏi kia. Từ dạo đó, cặp đôi gặp gỡ nhau nhiều hơn và tình cảm lớn dần theo thời gian. Thái tử Akihito thậm chí còn tính đến chuyện cưới Michiko làm vợ. Khi đó, Cơ quan nội chính Hoàng gia sẽ đảm nhận nhiệm vụ chọn lựa cô dâu cho hoàng tộc, thường là những cô gái xuất thân từ tầng lớp quý tộc hoặc có dòng dõi Hoàng gia. Trong khi đó, gia thế Michiko có giàu có cỡ nào cũng không thể thay đổi được sự thật rằng bà chỉ là một thường dân. Sự cách biệt giai cấp trở thành rào cản lớn nhất đối với tình yêu của cặp đôi trẻ.
Nhiều thông tin cho biết, mẹ của Thái tử Akihito, Hoàng hậu Kojun chưa bao giờ hài lòng về Michiko. Thậm chí sau này khi cả hai kết hôn, bà vẫn thường tạo áp lực, thể hiện thái độ khinh miệt vì cho rằng con dâu không xứng với dòng máu Hoàng tộc cao quý chảy trong người con trai bà. Bù lại, cặp đôi nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của công chúng, bao gồm cả các nhà chính trị cầm quyền. Michiko trở thành biểu tượng của một Nhật Bản hiện đại và dân chủ.
Gia đình Michiko không vội nhìn thấy sự hào nhoáng của Hoàng gia và vị Thái tử kia mà thúc đẩy con gái tiến tới. Về phía Michiko cũng nhiều lần từ chối lời cầu hôn của Thái tử. Thậm chí, bà còn bỏ sang châu Âu một thời gian để dư luận lắng xuống cũng như trốn thoát khỏi sự soi mói của các tay phóng viên.
Một người bạn thân của Michiko cho biết đã từng nghe Michiko nói đùa rằng: "Mình lỡ tiêu hết tiền dành dụm làm đám cưới cho chuyến đi vừa qua. Không biết liệu còn có ai muốn kết hôn với một cô gái trắng tay như mình không?". Câu trả lời tất nhiên là có, Thái tử Akihito đã chủ động gọi điện cho bạn gái vài ngày sau khi hay tin bà trở về Nhật Bản.
Tình yêu của Thái tử Akihito và Michiko cuối cùng cũng được bậc bề trên chấp thuận. Tháng 11/1958, cặp đôi đính hôn. Tại buổi họp báo, Michiko, giờ đây với danh phận là Thái tử phi, đã gọi vị hôn phu của mình là người đàn ông chân thành và thuần khiết. 5 tháng sau vào ngày 10/4/1959, hôn lễ của Thái tử Akihito và Công nương Michiko được cử hành trước sự chứng kiến của hơn 530 nghìn người Nhật Bản trên đường phố và 15 triệu người theo dõi qua sóng truyền hình. Nhiều người thời điểm đó sẵn sàng chi tiền sắm tivi chỉ để theo dõi đám cưới của cặp đôi Hoàng gia.
Cuộc sống của Công nương Michiko trong cung điện không hề dễ dàng bởi bà phải tuân thủ nhiều lễ nghi, phép tắc gò bó. Không chỉ vậy, bà còn đối mặt với bệnh trầm cảm vì liên tục trở thành đối tượng công kích của truyền thông cũng như không chịu nổi thái độ gay gắt của mẹ chồng. Bản thân bắt buộc phải tuân theo quy tắc hoàng gia nhưng Công nương Michiko quyết tâm không để các con gồm Hoàng tử Naruhito, Hoàng tử Fumihito và Công chúa Sayako phải trải qua tuổi thơ bị bó buộc trong 4 bức tường của cung điện. Thay vì giao hết trách nhiệm cho bảo mẫu, Công nương Michiko giữ các con ở bên cạnh mình để chăm sóc và nuôi nấng chúng. Khi 3 đứa trẻ đến tuổi đi học, bà còn đích thân xuống bếp và tự tay làm bữa trưa cho chúng mang theo đến trường.
Tháng 1/1989, sau khi Nhật hoàng Hirohito băng hà, Thái tử Akihito đã lên ngôi kế vị và mở ra triều đại Heisei (Bình Thành). Thái tử phi Michiko chính thức trở thành Hoàng hậu đầu tiên trong lịch sử Nhật Bản có xuất thân thường dân.
Trong suốt thời gian Nhật hoàng Akihito tại vị, Hoàng hậu Michiko luôn đồng hành cùng chồng xuất hiện trong những sự kiện quan trọng, bao gồm cả những buổi gặp gỡ dân chúng, đặc biệt là người già, người khuyết tật và nạn nhân trong thảm họa thiên tai. Hoàng hậu không ngần ngại cúi xuống ôm, trò chuyện với mọi người, cử chỉ từng khiến giới bảo thủ sốc nhưng lại rất được lòng công chúng.
Vào sinh nhật lần thứ 84, Nhật hoàng Akihito từng nhắc đến cô dâu "thường dân" của mình bằng lời lẽ tràn ngập tình yêu thương: "Tôi thật sự rất cảm ơn Hoàng hậu, bà đã có thể sống một cuộc sống bình thường bên ngoài cung điện nhưng bà đã chọn cùng đi cùng tôi suốt hơn 60 năm trên con đường phục vụ gia đình hoàng tộc và nhân dân Nhật Bản".
Cách đây không lâu, vợ chồng Nhật hoàng Akihito vừa kỷ niệm "đám cưới kim cương", đánh dấu cột mốc 60 năm của cuộc hôn nhân hạnh phúc. Ở bên nhau chừng ấy thời gian, cặp đôi vẫn giữ nguyên thói quen nắm tay, đi dạo trong khuôn viên cung điện mỗi sáng hay thỉnh thoảng lại đối kháng trên sân tennis để gợi nhớ lại kỷ niệm xưa.
Sau khi thoái vị, Nhật hoàng Akihito và Hoàng hậu Michiko được cho là sẽ dành thời gian cho những sở thích cá nhân như nghiên cứu cá, đọc sách, nghe nhạc… Cùng là những con người có tâm hồn năng động, chắc chắn cặp đôi vẫn sẽ giữ nguyên niềm yêu thích dành cho tennis - bộ môn thể thao đã đưa họ đến gần với nhau hơn, khởi nguồn cho câu chuyện tình yêu viên mãn tưởng chừng chỉ có trong truyện cổ tích.
(Nguồn: Tổng hợp)