Đơn hàng giảm mạnh do chiến tranh Nga-Ukraine, lạm phát kinh tế thế giới khiến doanh nghiệp ở Bình Dương không đủ tài chính để giữ người lao động nên buộc phải tổ chức lại sản xuất, chấm dứt hợp đồng lao động...
Trong 5 tháng đầu năm 2023, Bình Dương có hơn 80.000 lao động mất việc, ngừng việc, nghỉ không lương, tạm hoãn hợp đồng lao động. Trong đó, ngành dệt may, da giày, chế biến gỗ có số lao động bị mất việc, ngừng việc, tạm hoãn hợp đồng nhiều nhất. Ít biến động lao động là ngành chế biến thủy, hải sản; sản xuất linh kiện điện tử và sản phẩm điện tử. Dự kiến, đến cuối năm 2023, con số này sẽ còn tăng thêm 60.000 người.
Hiện nay, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương đang thực hiện nhanh các thủ tục để giải quyết chế độ hưởng bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động; kết nối cung cầu lao động để điều tiết giữa nơi cần tuyển và nơi cắt giảm.
Ông Phạm Văn Tuyên, Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương cho biết, khi doanh nghiệp khó khăn thì tiền lương, phúc lợi cho người lao động giảm nên dễ dẫn đến tranh chấp, đình công trái pháp luật.
"Sắp tới, chúng tôi và Liên đoàn Lao động và các địa phương nắm tình hình để làm sao hạn chế thấp nhất các vấn đề tranh chấp mà trở thành điểm nóng. Tổ chức nhiều hoạt động thăm hỏi, tặng quà cho người lao động gặp nhiều khó khăn. Sẽ cố gắng nỗ lực, phối hợp với các ngành trong thời gian tới nhằm mục đích ổn định tình hình lao động", ông Phạm Văn Tuyên cho hay.
Để giúp người lao động vượt qua khó khăn trước mắt, cũng như nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của công nhân, Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương đã tổ chức đối thoại với công nhân; tham mưu để lãnh đạo tỉnh trực tiếp xuống nhà trọ thăm, tặng quà cho công nhân khó khăn.
Riêng trong tháng 5- Tháng Công nhân, các cấp công đoàn trong tỉnh Bình Dương đã trích ngân sách công đoàn, vận động để trao tặng 127.000 phần quà cho công nhân khó khăn, bị tai nạn lao động, bệnh hiểm nghèo với số tiền hơn 35 tỷ đồng; tặng 5 mái ấm công đoàn cho 5 trường hợp khó khăn về nhà ở, với tổng trị giá 520 triệu đồng.