Cụ thể, các tiktoker khuyên rằng, thí sinh không nên lựa chọn những ngành Quản trị kinh doanh, Ngôn ngữ Anh, Marketing, Quản trị nhân sự bởi chương trình đào tạo chung chung, thậm chí không cần học hay học trái ngành sau khi tốt nghiệp vẫn có thể làm tốt trong các lĩnh vực này. Ngay khi những clip này được đăng tải đã thu hút hàng triệu lượt xem. Trong đó, không ít học sinh cuối cấp THPT chuẩn bị đăng ký xét tuyển đại học bày tỏ sự hoang mang, băn khoăn khi có nguyện vọng theo đuổi những ngành học này.
Nguyễn Tuấn Tú (Hai Bà Trưng, Hà Nội), học sinh lớp 12 dự kiến đặt nguyện vọng vào các ngành Quản trị kinh doanh, Marketing trường ĐH Kinh tế Quốc dân chia sẻ: “Em bất ngờ và khá hoang mang khi trên mạng có nhiều người chia sẻ thông tin đây là những ngành không nên học nhất. Nhiều video chia sẻ cho rằng ngành Quản trị kinh doanh dạy những kiến thức không chuyên sâu, chung chung, sinh viên “không học được gì”, hay ngành học xong để ra làm sếp, nhưng sinh viên vừa ra trường lấy đâu cơ hội làm sếp. Em và nhiều bạn bè đang rất băn khoăn khi lựa chọn nghề nghiệp”.
Từng tốt nghiệp ngành Quản trị kinh doanh, hiện đang làm quản lý tại một công ty đa quốc gia, anh Trần Huy Cảnh (30 tuổi, Hà Nội) cho rằng, việc các tiktoker chia sẻ một số ngành như Quản trị kinh doanh, Quản trị nhân lực không cần học 4 năm đại học vì kiến thức chung chung, khó áp dụng hay không cần học vẫn có thể làm được hoàn toàn chưa chính xác. Công việc mà các tiktoker nhắc đến mới chỉ dừng lại mở mức độ quản lý đơn thuần, quản lý nhỏ, không yêu cầu quá cao. Đơn cử như khi quản lý một đội nhóm kinh doanh, sản xuất nhỏ vài ba người sẽ chưa đòi hỏi người quản lý có quá nhiều kỹ năng quản trị. Tuy nhiên, khi quản trị tổ chức, hay làm việc tại các doanh nghiệp lớn nếu không được đào tạo bài bản, có kiến thức nền ngay từ đầu sẽ rất khó để đáp ứng được yêu cầu công việc, khi đó sẽ phải học thêm nhiều kỹ năng, kiến thức khác liên quan đến chuyên ngành.
Trao đổi về nội dung này, TS Trần Đình Lý, Phó Hiệu trưởng ĐH Nông lâm TP.HCM cho rằng, tiktok có ưu điểm là truyền đạt thông tin nhanh, phù hợp với giới trẻ thế hệ gen Z, đặc biệt là lứa tuổi học sinh, sinh viên. Tuy nhiên, để thực hiện tư vấn hướng nghiệp, và tìm hiểu thông tin tư vấn hướng nghiệp trên tiktok cần phải lưu ý, thời lượng trên tiktok thường ngắn và rất ngắn nên không thể truyền tải đầy đủ và đúng nội dung tư vấn. Thời điểm xem tin trên tiktok khó xác định, nên dễ gây hiểu nhầm, hiểu sai thông tin, chẳng hạn như quy định, quy chế, mốc thời gian các năm khác nhau. Bên cạnh đó, người viết nội dung trên tiktok không kiểm chứng nội dung, không chịu trách nhiệm về nội dung – đây là điểm khác so với các công bố của các đơn vị tuyển sinh. Những điều này có thể gây hiểu nhầm cho học sinh khi tiếp cận thông tin.
“Các ngành đào tạo đều được thẩm định và khẳng định bởi nhu cầu thị trường ngay khi có đề án mở ngành. Thí sinh nên nghe, tiếp thu thông tin có chọn lọc, tránh những nội dung mang tính giật gân, gây sốc, câu view, câu like. Những thông tin này dễ dẫn đến hiểu lầm, ảnh hưởng đến tất cả các bên. Bên cạnh đó, chính bên đưa thông tin không chính xác cũng sẽ mất uy tín, thí sinh đón nhận thông tin hiểu sai dẫn đến những kết quả không mong muốn, thậm chí đánh mất cơ hội vào những ngành, trường mà mình yêu thích và có khả năng trúng tuyển”, TS Trần Đình Lý nói.
Ths Phạm Văn Minh - Phó Trưởng Khoa Quản trị Kinh doanh Trường Đại học Nguyễn Trãi đặt câu hỏi: “Tôi không hiểu nghĩa "vô dụng" các bạn tiktoker nói đến ở đây là gì. Nhưng nếu đánh giá 4 ngành học trên là "vô dụng" không cần nghiên cứu, không cần học thì hoàn toàn không đúng. Bất kỳ một ngành nghề nào cũng cần học, cần trải nghiệm sáng tạo, ngay cả việc ăn uống hàng ngày đều cần học”.
Theo Ths Phạm Văn Minh, 4 ngành nghề được đề cập đến trong nội dung các video trên mạng xã hội đều là những chuyên ngành mang tính khoa học. Khi mở ngành đã được nghiên cứu rất kỹ sinh viên sẽ học những gì, cần những kiến thức kỹ năng nào để sau khi tốt nghiệp có thể tham gia vào thị trường lao động trong lĩnh vực đó. Đơn cử như ngành quản trị nhân sự, về mặt kiến thức, để được công nhận là cử nhân ngành này, sinh viên phải học ít nhất từ 40-47 môn học chuyên sâu về tuyển dụng, bố trí công việc, tiền lương, thăng chức, giáng chức, chuyên chuyển công việc, quan hệ lao động… Những kiến thức này sinh viên phải được đào tạo bài bản, không thể nói không cần học trong trường đại học vẫn có thể làm được.
“Các em sinh viên cần biết rằng từ những điều đơn giản nhất đều cần phải học, chúng ta mất rất nhiều năm để nghiên cứu một môn học. Khi được học kết hợp với trải nghiệm trong cuộc sống sẽ giúp các em hình thành nên kiến thức của riêng mình. Nếu nói rằng không cần học vẫn có thể đi làm không khác nào bịt mắt đi trên đường, có thể vấp ngã bất cứ lúc nào hoặc không biết đích đến”, Ths Phạm Văn Minh nói.
Nói thêm về quan điểm nhiều ý kiến cho rằng nhiều sinh viên các ngành này được đào tạo bài bản nhưng sau khi ra trường các doanh nghiệp vẫn cần đào tạo lại, Ths Phạm Văn Minh cho rằng đây là điều đương nhiên, khi có hàng ngàn doanh nghiệp với môi trường văn hóa, đặc điểm kinh doanh khác nhau. Ứng viên vào doanh nghiệp sẽ phải “nhập gia tùy tục”, khi đó doanh nghiệp phải đào tạo là điều dễ hiểu.
“Về chương trình đào tạo, trong môi trường cạnh tranh thế giới phẳng, các trường cũng phải tìm hiểu những gì phù hợp nhất. Theo yêu cầu của Bộ GD-ĐT, khi xây dựng chương trình, bao giờ các trường cũng cần lấy ý kiến 4 bên gồm người học, cựu sinh viên, người dạy và doanh nghiệp. Các chương trình đào tạo đang ngày càng gần hơn, đáp ứng yêu cầu doanh nghiệp, việc đào tạo lại chủ yếu về văn hóa, quy định riêng của các doanh nghiệp", Ths Minh nói.
Đưa ra lời khuyên cho thí sinh, Ths Phạm Văn Minh cho rằng trên mạng có rất nhiều thông tin khác nhau, điều quan trọng cần tìm ra những thông tin hữu ích cho bản thân. Khi lựa chọn ngành nghề, thí sinh cần tìm hiểu thông tin ở những kênh chính thống như chuyên gia tuyển sinh, tham gia các buổi hội thảo hướng nghiệp, báo chính thống… “Thông tin trên mạng xã hội có cả xấu và tốt, các em cần tỉnh táo khi tiếp nhận những thông tin đó”, thầy Minh nhấn mạnh./.