Nếu hay xem thể thao, có lẽ không khó để bạn bắt gặp các cảnh quay zoom vào những cổ động viên nữ có ngoại hình hấp dẫn giữa trận đấu. Đây dường như đã trở thành một "đặc sản" của truyền hình thể thao, được cho là làm tăng sức nóng vốn có của các đấu trường.
World Cup chắc chắn không phải ngoại lệ. Giải đấu này từng là "mảnh đất vàng" cho các cameraman thể hiện khả năng "soi" bóng hồng giữa một rừng cổ động viên nam cuồng nhiệt. Một ví dụ điển hình là cú lia máy và zoom ở trình độ thượng thừa của một cameraman trong trận đấu giữa Iran và Nigeria thuộc khuôn khổ World Cup 2014.
Vào phút thứ 79 của trận đấu giằng co chưa có bàn thắng, cameraman lanh lẹ lia máy tới một cổ động viên nữ tóc vàng trên khán đài.
Việc này phổ biến tới mức trong tiếng Anh có hẳn một cụm từ để đặt tên cho hành vi ghi hình phụ nữ hấp dẫn trên khán đài tại các sự kiện thể thao: honey shot.
Dấu hỏi về người đứng sau honey shot
Người khởi xướng cho phong trào "honey shot" và cũng là người được gắn nhiều "công lao" nhất cho kiểu ghi hình này là giám đốc lâu năm của đài ABC Mỹ, Andy Sidaris. Dù bị chỉ trích, song ông lại luôn tự hào vì "thành tựu" kết hợp thể thao với hành vi vật hóa phụ nữ trong suốt sự nghiệp của mình.
Theo Trung tâm Thúc đẩy giáo dục và Nâng cao năng lực Phụ nữ (CEPEW) Việt Nam, hành vi vật hoá (objectification) là một ý niệm phổ biến trong các lý thuyết nữ quyền Theo đó, phụ nữ bị đối xử như đồ vật, được sử dụng bởi người khác. Chúng ta có thể quan sát được hiện tượng này trong truyền thông khi một phần thân thể của người phụ nữ được phóng đại, tập trung, làm cho méo mó, biến dạng, để thoả mãn nhu cầu tình dục của khán giả được cho là nam giới.
Một trong những lần honey shot xuất hiện sớm nhất là vào những năm 1980. Từ thời điểm đó, nó đã bị phê phán. Cây viết Neil Amdur trên tờ New York Times từng chỉ trích sự ám ảnh với phụ nữ trẻ đẹp trên khán đài thể thao qua ống kính của Sidaris: "Những cảnh quay hoạt náo viên và nữ sinh (trong giải bóng bầu dục đại học Sugar Bowl) chỉ đáng giá nếu chúng là tự phát và phù hợp với bối cảnh rộng hơn; Sidaris khiến chúng trở nên nhàm chán và phản cảm".
Nhưng honey shot đã được Sidaris tự hào đưa vào các chương trình truyền hình thể thao từ trước đó nữa - những năm 1970. Khi đó, ông còn không ngại ngùng nhận công mình là người đưa "honey shot" đến cho công chúng và giải thích: "Một khi nhìn vào đám đông (trên khán đài) thì anh cũng thấy hết rồi... Nên anh có thể chọn nhìn vào đống bỏng ngô, mấy tay đàn ông, hoặc các quý cô. Lựa chọn với tôi là quá rõ ràng".
Mục đích săm soi tìm phụ nữ và ghi hình họ làm trò giải khuây cho các chương trình thể thao của Sidaris thì rõ ràng, song hiệu quả của chúng lại không có bằng chứng cụ thể. Theo tìm hiểu, chưa có nghiên cứu nào chỉ ra honey shot làm tăng thêm lượng người xem hay thời gian xem thể thao của khán giả; mà nếu có thu hút, thì nên nghĩ sao về việc các kênh truyền hình lại cần thu hút một tệp khán giả nào đó không quan tâm tới thể thao mà chỉ chú ý tới phụ nữ đẹp?
Kể cả đối với nhóm khán giả trung thành với thể thao, cứ coi như việc xuất hiện của các bóng hồng trên khán đài là "gia vị nêm nếm" cho một món ăn họ vốn đã ưa thích, vậy thì câu hỏi đặt ra là "chất phụ gia" này có thực sự cần thiết hay không? Hay chỉ là thứ có cũng được, không có cũng chẳng làm món ăn tinh thần kém "ngon".
Đó là chưa kể tới việc đa số những cổ động viên nữ này chưa chắc đã thấy thoải mái khi bị zoom lên khung hình cho hàng triệu khán giả quan sát và bình phẩm về mình.
FIFA cũng phát ngán
Sau kỳ World Cup 2018, bản thân FIFA đã phải lên tiếng yêu cầu các kênh phát hình và cameraman nên từ bỏ việc sử dụng hình ảnh các cổ động viên nữ "nóng bỏng" trong các sự trận đấu bóng đá.
Cảnh báo của FIFA tới 1 tháng sau khi Getty Images gây tranh cãi vì đăng tải một bộ ảnh với tựa đề "Những cổ động viên sexy nhất" tại World Cup năm đó. Công ty này phải gỡ bộ ảnh xuống và lên tiếng xin lỗi công khai.
Tuy nhiên, FIFA chỉ ngăn được phần nào, vì ngoài các giải đấu của họ, honey shot vẫn diễn ra với sự thích thú của một bộ phận cameraman, các đài truyền hình và cả một tệp khán giả ở nhiều bộ môn khác nữa.
Không đơn giản là chiêu trò câu khán giả
Sẽ có người lập luận rằng việc sử dụng hình ảnh các cổ động viên nữ hấp dẫn tại các sự kiện thể thao chỉ đơn giản là một mánh marketing để thu hút thêm khán giả. Tất nhiên, các kênh truyền hình có lý do chính đáng để thu hút khán giả vì từ đó tăng doanh thu, chỉ có điều phương pháp này tỏ ra gây hại nhiều hơn là lợi.
Bằng cách vật hoá cơ thể phụ nữ qua honey shot với tiêu chuẩn số đông, người ta vô tình thúc đẩy một nếp nghĩ đã tồn tại sâu sắc: Chỉ có đàn ông mới mê thể thao. Chẳng nghi ngờ gì, những hình ảnh phụ nữ quyến rũ nhắm đến đối tượng tiêu thụ chính là đàn ông.
Sự phân biệt giới ở đây được đẩy lên một cách tinh vi và sâu xa hơn khi không chỉ phụ nữ là nạn nhân, mà chính đàn ông cũng đang bị quy chụp: Đàn ông xem thể thao không chỉ vì sự hấp dẫn của những màn so đấu đỉnh cao, tinh thần thượng võ, yếu tố chuyên môn hay kỹ thuật... mà còn để xem người đẹp nữa.
Cây viết Alex Andreou của tờ Guardian phân tích, cách sử dụng hình ảnh truyền thông như thế khắc họa một chân dung nam giới yêu thể thao không mấy tích cực vào tâm thức mọi người. Đó là kiểu fan bóng đá đặc trưng, gồm những ông chú trung niên, ngồi trước TV đâu đó ngoài các quán bar, vừa mong chờ bàn thắng vừa hau háu xem gái xinh. Hình dung này ít nhất cũng tồn tại trong tâm trí của nhiều đạo diễn hình ảnh và cameraman từ thời Sidaris.
Chính tư duy cổ xúy tính nam xấu xí qua việc lạm dụng honey shot của các đạo diễn hình ảnh cũng góp phần khiến phụ nữ ít thiện cảm với chương trình thể thao. Tình yêu thật sự của phái nữ cho thể thao bị nhấn chìm bởi vẻ ngoài hấp dẫn của họ và thành kiến cho rằng phái nữ quan tâm đến thể thao chẳng qua chỉ để gây chú ý và họ thì biết gì về việt vị hay đá luân lưu.
Đó là một kiểu tư duy phân biệt giới tính cố hữu tồn tại đặc biệt sâu rộng ở một số nền văn hóa phương Tây.
Đừng đổ lỗi cho các nạn nhân
Những người lên án honey shot đôi khi cũng lạc lối trong việc xác định đối tượng chỉ trích. Thay vì nhắm vào những cameraman hay đạo diễn hình ảnh của chương trình, số khán giả "ngứa mắt" này lại tấn công cả các cô gái xinh đẹp xuất hiện trong các chương trình thể thao, phán xét họ là "bình hoa di động" giúp câu view chứ không có kiến thức hay thậm chí cũng chẳng quan tâm đến bộ môn thể thao mà họ đang cổ vũ.
Phải nhấn mạnh rằng, những người đẹp này không có lỗi. Việc các cô gái quyết định tham gia sự kiện hay chương trình thể thao với ngoại hình xinh đẹp và hấp dẫn nhất hoàn toàn nằm trong quyền tự do chính đáng của các cô. Tuy nhiên, kể cả muốn được "lên sóng" thì việc hình ảnh có được đưa vào honey shot của nhà đài hay không lại không phụ thuộc vào họ.
Hơn nữa, việc cho rằng họ hoàn toàn "tự nguyện" và chủ động muốn gây chú ý theo những cách lố bịch trước hàng triệu khán giả là một quy chụp vội vàng, mang màu sắc phân biệt giới và gia trưởng áp đặt điển hình.
Tư duy này tồn tại ở những câu hỏi dạng đổ lỗi cho nạn nhân (victim blaming): "Tại sao cô ta lại ăn mặc và hành xử như thế nếu không muốn bị đàm tiếu?". Có nhiều lý do cho việc này, cả khách quan và chủ quan.
Đằng sau những bộ trang phục "bốc lửa" của một số fan nữ có thể là thời tiết nắng nóng 35 độ C ở sân vận động; việc họ vẫy tay lại với camera có thể chỉ vì tính cách thân thiện, vui vẻ và tự tin trong một đám đông đang đầy hứng khởi.
Cần hiểu rằng hành vi và động cơ của con người không đơn giản chút nào, không thể đánh giá qua vài giây với chút đặc điểm ngoại hình. Chưa kể, những người phụ nữ đó đang bị đặt trong một bối cảnh phức tạp, với những sân vận động đông đúc náo nhiệt, phấn khích, dễ hành động bản năng hơn.
Một hành vi thú vị khác phơi bày bản chất của honey shot mà Alex chỉ ra chính là trường hợp các cổ động viên nữ quá khích lao vào sân vận động khi cơ thể đang ở trạng thái "trần trụi" nhất - đây mới là những người thích sự chú ý hơn các cô gái vô tình bị honey shot.
Nhưng đoán xem các camera trên sân sẽ phản ứng thế nào? Đa phần sẽ lập tức quay về hướng khác và bình luận những câu vô thưởng vô phạt. Họ không làm "dịch vụ PR" miễn phí cho ai hết. Camera không hướng về những cô gái cố tình muốn xuất hiện trong honey shot, mà trong đa số trường hợp là vì ý chí chủ quan của cameraman và đạo diễn hình ảnh.
Tức là dù bạn có muốn gây chú ý, nhưng "không hợp mắt" người thực hiện honey shot thì cũng còn lâu mới được toại nguyện.
Nói ngắn gọn, đặt trong cỗ máy hút khách bất chấp của một bộ phận truyền thông, thì các cô gái nóng bỏng bị xuất hiện trong honey shot như "những nạn nhân" cho chính ngoại hình ăn tiền của mình. Nếu may mắn, họ sẽ có thêm cơ hội ở ngành giải trí, còn nếu đen đủi, sẽ mang danh "hotgirl câu view" bởi những phán xét thiếu công bằng.