Bệnh nhân nữ T.T.Y (59 tuổi, ở Hà Nội) nhập viện trong tình trạng khớp gối bị mất hoàn toàn. Bệnh nhân cho biết trước đó 2 năm, bà bị đau khớp gối và liên tục đắp thuốc nam, sau đó tiêm thuốc trực tiếp vào khớp gối. Trước khi nhập viện, bệnh nhân bị hoại tử, mất chức năng khớp gối, buộc phải thay khớp gối nhân tạo.

Trong khi đó, bệnh nhân N.T.T (61 tuổi, ở Hoà Bình) đã có 5 năm bị thoái hóa khớp gối. Sau thời gian dài điều trị nội khoa và phục hồi chức năng nhưng tình trạng không được cải thiện. Bệnh nhân bị biến dạng gối, rất đau đớn, không đi lại được.

Hỏng hoàn toàn khớp gối sau tiêm thuốc, đắp lá - Ảnh 1.

Bệnh nhân được phẫu thuật khớp gối có tuổi thọ tới 15 năm.

Hai ca phẫu thuật vừa được thực hiện bởi bác sĩ Henry Chan - chuyên gia về chấn thương của Singapore. Chuyên gia này đã trực tiếp mổ thị phạm tại phòng mổ của Bệnh viện Việt Đức và truyền hình trực tiếp cho các phẫu thuật viên các bệnh viện lớn ở phía Bắc học tập.

Bác sĩ Đoàn Việt Quân, Trưởng Khoa Phẫu thuật chấn thương chi dưới, Bệnh viện Việt Đức, cho biết đây là lần đầu tiên bệnh viện ứng dụng kỹ thuật hiện đại này. Loại khớp gối này được phủ vitamin E để tránh bị bào mòn nên tuổi thọ của khớp gối nhân tạo lên tới 15 năm.

Theo bác sĩ Quân, tại Bệnh viện Việt Đức, mỗi năm có hàng ngàn người đến khám và điều trị bệnh lý khớp gối và khoảng 300 bệnh nhân bị thoái hóa nặng phải thay khớp gối. Người bị thoái hóa khớp, đầu gối thường bị biến dạng, đau nhiều, đi lại khó khăn, ảnh hưởng trực tiếp đến sinh hoạt... Khi diễn biến nặng gây biến dạng khớp, thay khớp là phương pháp duy nhất.

Hỏng hoàn toàn khớp gối sau tiêm thuốc, đắp lá - Ảnh 3.

Chấn thương thể thao có thể là nguyên nhân thoái hoá khớp gối

Nguyên nhân thoái hóa khớp có thể do chấn thương, chấn thương thể thao và do tuổi tác. Bác sĩ Quân cũng đặc biệt lưu ý tình trạng thừa cân và tập luyện thể thao không đúng cách dễ dẫn đến thoái hóa khớp.

Hiện nay, thoái hóa khớp có xu hướng gia tăng ở người trẻ. Vì thế, bác sĩ Quân lưu ý mọi người để tránh bị thoái hóa khớp gối, cần tăng cường vận động, ăn uống đủ dinh dưỡng. Khi bị bệnh, cần đến bác sĩ để khám và điều trị, không nên đắp lá, đắp thuốc và tiêm thuốc nếu không có bác sĩ chuyên khoa tư vấn.

D.Thu