#1. Án mạng thùng các-tông ở Happy Valley (1975)
Happy Valley (Thung lũng Hạnh Phúc) chính là địa bàn của giới nhập cư nhà giàu tại Hồng Kông. Vào năm 1975, tại đây đã xảy ra một vụ án tưởng như đánh dấu bước đột phá của công nghệ pháp chứng, nhưng cuối cùng lại đem đến nỗi đau cho nạn nhân, nghi phạm, luật sư và cả phía cảnh sát.
Vụ án mở đầu khi nữ sinh trung học 16 tuổi Pin Yuk-ying được tìm thấy trong thùng các-tông dùng để đựng ti vi. Thi thể có vết dao ở ngực và bộ phận sinh dục nhưng không bị xâm hại.
Nữ sinh Pin Yuk-ying qua đời khi mới 16 tuổi (Ảnh: SCMP)
Sau đó, cảnh sát đã bắt giữ Au Yeung Ping-keung, 28 tuổi, một người chồng và người cha có con nhỏ. Au Yeung mở quán kem mà nạn nhân Pin cùng những người bạn của cô thường ghé qua.
Đây là vụ án đầu tiên của Hồng Kông mà tòa tuyên án bị cáo có tội dựa trên pháp chứng. Cụ thể, công tố viên đã đưa ra cáo buộc dựa vào những bằng chứng thu được ở hiện trường mà không hề có nhân chứng hay lời thú nhận nào.
Bằng chứng ấy là gì? Đó là những sợi vải trong móng tay của nạn nhân trùng khớp với trang phục của Au Yeung. Điều này khiến anh bị khép vào tội giết người, nhận án tử hình nhưng sau đó giảm xuống tù chung thân.
Au Yeung Ping-keung bị cảnh sát giải đi (Ảnh: Handout)
Cho đến ngày hôm nay, Au Yeung và gia đình vẫn một mực tin rằng anh vô tội. Theo tờ SCMP, suốt nhiều năm qua, cư dân mạng đã bàn tán không ngớt về những bằng chứng thiếu thuyết phục dùng để khép án Au Yeung. Họ đặt ra câu hỏi về động cơ giết người. Quan trọng hơn, dấu vân tay của nghi phạm còn không được tìm thấy trên thùng các-tông. Và chỉ có 7 trong tổng số 269 sợi vải trên thi thể trùng khớp với chất liệu bộ quần áo của Au Yeung.
Cũng theo SCMP, dường như các nhà điều tra đã chịu áp lực phải nhanh chóng khép lại hồ sơ vụ án, lấy đó làm dấu mốc đột phá của lần đầu tiên sử dụng pháp chứng.
Luật sư biện hộ Henry Hu Hung-lick - người sáng lập và điều hành ĐH tư thục Shue Yan - nhiều năm sau vẫn tin rằng thân chủ mình vô tội.
Đồng thời, một luật sư danh tiếng khác là Ronny Tong Ka-wah (người đã cố giúp Au Yeung kháng cáo nhưng bất thành) đánh tiếng với truyền thông rằng, có lần thân chủ của ông đã nói trong nước mắt: "Tôi vô tội". Kể từ đó, luật sư họ Tong không bao giờ nhận các vụ án hình sự nữa.
Ông chủ tiệm kem bị bắt giữ vào năm 1975, được thả ra từ nhà tù Stanley vào năm 2002. Gần 30 năm ngồi sau chấn song, người đàn ông chưa bao giờ nghĩ mình có tội, và rằng kẻ thủ ác vẫn còn ở đâu đó ngoài kia.
#2. Thi thể khỏa thân ở Tiêm Sa Chủy (1975)
Người phụ nữ 25 tuổi, được gọi là Tam, vừa kết hôn 2 tháng thì bị báo mất tích ở khu chung cư Winsor Mansion, Tiêm Sa Chủy. Người trình báo cảnh sát là chồng của Tam, nói rằng cô không về nhà sau khi tan làm từ công ty may y phục ở San Po Kong vào ngày 5/6/1975.
Sau đó, nạn nhân được tìm thấy đã chết trong tình trạng khỏa thân, bị bịt miệng và tay chân trói chặt. Thi thể có những vết thương trên ngực và phần thân dưới nhưng không có dấu hiệu xâm phạm tình dục.
Dựa trên hiện trường, cảnh sát nghi ngờ động cơ giết người là nhục dục hoặc trả thù tình ái, họ bắt đầu điều tra 2 bạn trai cũ của cô Tam. Một người đã di cư sang Mỹ, người còn lại là nghệ nhân khắc ngọc. Tuy vậy, không ai bị bắt giữ.
Khu chung cư Winsor Mansion, Tiêm Sa Chủy ngày nay (Ảnh: Google)
Sau 10 tháng điều tra và hàng loạt bài báo gây chấn động dư luận, cuối cùng cảnh sát treo thưởng 10.000 đô la Hồng Kông cho những ai cung cấp manh mối giúp tìm ra thủ phạm. Đáng tiếc, vụ án đến nay vẫn còn là một bí ẩn gây đau lòng cho gia đình và bạn bè Tam.
#3. Thi thể trong bồn hoa ở Vịnh Đồng La (1984)
Ngày 31/3/1984, người dân một khu dân cư thuộc Vịnh Đồng La báo cảnh sát về mùi hôi tanh nồng nặc xuất phát từ bồn hoa của hàng xóm. Các nhà điều tra tốn hơn 3 giờ phá vỡ bồn hoa làm từ xi măng.
Lính cứu hỏa dùng búa phá bồn hoa bằng xi măng - nơi xuất phát mùi bất thường (Ảnh: Chan Kiu)
Cuối cùng, họ phát hiện 2 thi thể đã phân hủy nghiêm trọng, phủ trong những tấm vải nhuốm máu và xếp chồng lên nhau. Hai tay của các nạn nhân bị buộc chặt sau lưng, trong khi đầu và đôi chân trần cũng bị quấn lại bằng dây xích và vải.
Hai nạn nhân sau đó được xác định đến từ Singapore - George Chia Soon Seng, 27 tuổi và anh trai Steven Chia Soon Huat, 32 tuổi - những người thừa kế giàu có của gia đình bán trang sức nổi tiếng trong vùng.
2 thi thể nam được đưa ra khỏi khu chung cư (Ảnh: Chan Kiu)
Gia đình Chia được tin là vướng vào mâu thuẫn tiền bạc với một nhóm thương nhân người Indonesia ở Singapore. Khi việc làm ăn dang dở, gia đình Chia bỏ xứ đến Hồng Kông gầy dựng lại cơ nghiệp.
Cảnh sát tin rằng hai anh em người Singapore bị bắt cóc vào hôm 2/3. Đến giữa tháng 3, một đoạn băng ghi âm và các bức hình chụp cánh tay hai anh em bị tra tấn dã man đã gửi về cho gia đình Chia. Những kẻ bắt cóc muốn đòi hàng triệu đô Singapore tiền chuộc.
Tuy nhiên, hình ảnh ấy hoàn toàn là giả mạo do cánh tay của 2 nạn nhân không có dấu hiệu bị đánh đập. Về phần gia đình Chia, họ đã chuyển đi 1 triệu đô Singapore (hơn 17 tỷ đồng theo tỷ giá hiện nay) nhưng thật đau đớn là người thân vẫn bị sát hại. Vụ án đến nay không có tiến triển mới về danh tính hung thủ, cũng như về động cơ ra tay tàn độc.
#4. Vụ sát hại người quản lí CLB Du thuyền (2002)
Vào ngày 17/12/2002 thi thể Nip Ho Mo-ling, thường gọi là Judy, 41 tuổi, người quản lí Câu lạc bộ Du thuyền hoàng gia ở Hồng Kông được tìm thấy trong vũng máu. Che đậy lên trên thi thể là những túi rác lớn màu đen, lấy ra từ văn phòng ở Vịnh Đồng La.
Theo cảnh sát, vết thương 2 bên đầu nạn nhân cho thấy hung khí là một vật cùn, nặng, không sắc nhọn. Dù vậy, vết thương chí mạng là từ một trong những vết dao đâm trên cổ.
Có dấu hiệu ẩu đả tại hiện trường trong khi nhiều vật dụng cá nhân của Judy đã biến mất, bao gồm túi xách, nhẫn bạch kim, đồng hồ, ví đen, chứng minh thư, 3 thẻ ngân hàng và chiếc áo khoác màu xám.
Nạn nhân Judy có 2 bé trai sinh đôi 9 tuổi (khi vụ án xảy ra năm 2002). Judy được nhìn thấy lần cuối ở bên ngoài văn phòng câu lạc bộ vào lúc 6h45 chiều ngày 16/12. Thời gian tử vong được xác định vào khoảng 10h tối hôm ấy.
Cảnh sát lùng sục khắp hiện trường nhưng không tìm ra hung khí hay manh mối đột phá (Ảnh: SCMP)
Người phụ nữ đã làm việc cho câu lạc bộ du thuyền đã được 20 năm, chịu trách nhiệm chính cho việc xếp chỗ neo đậu và tổ chức các cuộc tranh tài gắt gao.
Khoảng 40 cảnh sát và 2 chó nghiệp vụ được huy động lùng sục khắp văn phòng câu lạc bộ du thuyền nhưng vẫn không thể tìm ra hung khí gây án. Vụ án đến nay đã gần 7 năm, vẫn chưa tài nào phá giải.
Theo SCMP, mặc dù nổi tiếng là một thành phố an toàn, Hồng Kông không thiếu những vụ án bí ẩn. Một vài vụ trong số đó thậm chí còn khiến cả thám tử Sherlock Holmes cũng phải cảm thấy bối rối.
Theo thống kê của cảnh sát Hồng Kông, 55% vụ án lớn nhỏ trong nửa đầu năm 2018 vẫn chưa được giải quyết. Và giống như bất cứ nơi nào trên thế giới, các vụ án chưa được phá giải ở xứ Cảng Thơm cũng dần trở thành truyện kể đô thị, mà mỗi người kể lại có 1 giả thiết riêng.
Nhưng dù sao, với phần đông công chúng, các kì án nhắc nhở chúng ta quý trọng hơn khoảng thời gian hạnh phúc bên bạn bè người thân, đấu tranh chống mầm mống tội ác và hướng đến giải quyết việc mọi vấn đề, những xích mích trong cuộc sống theo hướng nhân văn nhất.
Ngoài ra, các kì án thỉnh thoảng được báo chí đăng tải như cú đánh động nhà điều tra, khiến họ lần lại một vài hồ sơ án đã đóng bụi thời gian. Bởi biết đâu chân tướng sau cùng sẽ được tìm ra dưới sự hỗ trợ của công nghệ mới, và như vậy có thể xoa dịu phần nào nỗi đau của gia đình các nạn nhân.
Theo SCMP