Trong ngành công nghiệp Kpop, "hợp đồng nô lệ" là cụm từ dùng để ám chỉ những hợp đồng dài hạn và không công bằng giữa thần tượng và công ty quản lý. Thông thường, các hợp đồng độc quyền trong lĩnh vực này được cho là kéo dài trong 6 - 7 năm. Tuy nhiên, một số công ty lại coi thường điều này và gia hạn hợp đồng với mức độ vô lý.
Đầu tháng này, những người quan tâm tới Kpop dồn toàn bộ sự chú ý vào vụ kiện tụng giữa 3 thành viên EXO Baekhyun, Xiumin và Chen với công ty chủ quản SM Entertainment. Cả ba tuyên bố chấm dứt hợp đồng độc quyền với lí do công ty sử dụng "hợp đồng nô lệ" với hàng loạt sự bất công liên quan tới vấn đề độc quyền.
Thực trạng phũ phàng của những "hợp đồng nô lệ"
Nhận thức về khái niệm "hợp đồng nô lệ" được chú ý nhiều nhất vào năm 2009, sau khi 3 cựu thành viên của DBSK đệ đơn kiện SM Entertainment. Ở thời điểm này, Junsu, Kim Jae Joong và Park Yoo Chun đã kiện công ty chủ quản vì hợp đồng quá dài hạn và những bất công trong phân chia lợi nhuận.
(Ảnh: JYJ)
Theo các thành viên, thời hạn hợp đồng 13 năm về cơ bản là một cam kết trọn đời. Khi xem xét thời gian thực hiện nghĩa vụ quân sự bắt buộc, bản hợp đồng này có thể kéo dài lên tới 15 năm. Do đó, hợp đồng chỉ thực sự kết thúc khi các thần tượng giải nghệ. Hơn nữa, hình phạt khi chấm dứt hợp đồng độc quyền cũng khiến những nghệ sĩ lao đao và gặp bất lợi trong ngành.
Tranh cãi xung quanh vấn đề này đã kéo dài liên tiếp trong một khoảng thời gian rất dài. Nhưng cho tới cuối cùng, công lý đã đứng về phía các cựu thành viên của DBSK. Tuy nhiên, dù thắng kiện, sự nghiệp của Junsu, Jae Joong và Yoo Chun đều bị ảnh hưởng nặng nề ngay trong lúc đỉnh cao của sự nghiệp. Những tranh chấp pháp lý ngày càng cản trở hình ảnh và hoạt động sau này của họ. Sự thay đổi lớn duy nhất đó chính là đạo luật JYJ được đưa ra nhằm bảo vệ các nghệ sĩ khỏi những hợp đồng không công bằng với những công ty giải trí.
Cụ thể, vào năm 2010, Ủy ban Thương mại Công bằng Hàn Quốc đã đưa ra đạo luật mới, yêu cầu thời hạn tối đa cho hợp đồng với nghệ sĩ là 7 năm. Đến năm 2017, Ủy ban cũng bổ sung các điều khoản giảm phí bồi thường mà các nghệ sĩ phải trả trong trường hợp chấm dứt hợp đồng sớm.
Đạo luật JYJ đã được thông qua nhằm bảo vệ các nghệ sĩ khỏi sự bất công của những "hợp đồng nô lệ" trong ngành giải trí Hàn Quốc. (Ảnh: Wiki)
Tuy vậy, bất chấp việc tiêu chuẩn hóa các hợp đồng độc quyền, các tranh chấp vẫn không ngừng xảy ra trong ngành công nghiệp Kpop. Những tranh chấp này chủ yếu xoay quanh các điều khoản hợp đồng và phân chia lợi nhuận giữa nghệ sĩ và công ty quản lý.
Một trường hợp tiêu biểu nữa là LOONA. Năm 2022, 9 thành viên thuộc nhóm nhạc nữ này đã yêu cầu chấm dứt hợp đồng độc quyền của họ với công ty giải trí Blockberry Creative Entertainment do những điều khoản thiếu công bằng. Tuy nhiên, chỉ 4 thành viên Hee Jin, Kim Lip, Jinsoul và Choerry thắng kiện, cho phép họ chấm dứt hợp đồng và theo đuổi hoạt động giải trí độc lập. Trong khi đó, 5 thành viên còn lại đều bị từ chối và phải tiếp tục hoạt động cùng công ty, Tình trạng này đẩy nhóm tới bờ vực tan rã, gây ra sự thất vọng lớn trong cộng đồng người hâm mộ.
9/12 thành viên LOONA đệ đơn kiện công ty quản lý nhưng chỉ có 4 thành viên thắng kiện. (Ảnh: Blockberry Creative Entertainment)
Một tranh chấp khác cũng gây ồn ào trong thời gian dài đó là vụ kiện giữa Lee Seung Gi và HOOK Entertainment. Mâu thuẫn lần đầu được Dispatch tiết lộ sau khi nhận được loạt bằng chứng do chính nam diễn viên cung cấp. Theo đó, phía công ty bị cáo buộc giữ toàn bộ lợi nhuận từ các hoạt động âm nhạc của Seung Gi trong suốt 18 năm sự nghiệp. Hơn nữa, CEO của công ty cũng bị tố cáo lạm dụng, đe dọa các nghệ sĩ. Cuối cùng, Seung Gi đã chấm dứt hợp đồng độc quyền và nhận được sự ủng hộ từ khán giả.
Một hợp đồng kéo dài... gần 20 năm
Quay lại sự kiện nổi bật nhất hiện tại - 3 thành viên EXO kiện SM Entertaiment ngay trước thềm EXO trở lại. Vụ kiện khiến khán giả một lần nữa lo lắng về tương lai của các thần tượng trong bối cảnh ngành công nghiệp Kpop ngày càng nở rộ và chiếm lĩnh thị trường.
Theo đại diện pháp lý của Baekhyun, Xiumin và Chen, sau khi ký hợp đồng độc quyền trong vòng 12 - 13 năm với tư cách là các thành viên EXO, công ty đã yêu cầu họ gia hạn hợp đồng lên 17 - 18 năm bằng những biện pháp ép buộc vô lý. Thời hạn quá dài khiến các thần tượng mệt mỏi, ngoài ra nếu "bỏ ngang", họ không thể có đủ số tiền khổng lồ để đền bù hợp đồng.
(Ảnh: SM Entertainment)
Hơn nữa, trong thời gian hoạt động dưới trướng SM, các nghệ sĩ chỉ nhận được thù lao thông qua dữ liệu do công ty đơn phương cung cấp. Mặc dù có nhiều yêu cầu về bản sao minh bạch của các bản báo cáo thanh toán, công ty vẫn một mực không cung cấp.
Đặc biệt, một điều khoản vô lý được đề cập trong hợp đồng với SM Entertainment khiến bên luật sự chú ý. Cụ thể, theo bản hợp đồng, công ty sẽ xác định thời gian phát hành album bắt buộc trong các hoạt động của nghệ sĩ. Nếu không đạt được mục tiêu phát hành album, hợp đồng độc quyền với các nghệ sĩ sẽ tự động gia hạn cho đến khi album ra mắt. Đây được cho là bản chất của bóc lột trong một "hợp đồng nô lệ".
Đáp lại các cáo buộc của nghệ sĩ, phía SM khẳng định 3 thành viên bị "thế lực bên ngoài" tác động và rằng họ hoàn toàn chú trọng tới việc bảo vệ quyền lợi cho nhóm EXO. Tuy vậy, đông đảo người hâm mộ tỏ ra giận dữ và thất vọng với thái độ, cách đối xử của SM với các nghệ sĩ tài năng của họ.
Nghệ sĩ và công ty quản lý - Mối quan hệ cộng sinh
BTS và chủ tịch Bang Si Hyuk của HYBE. (Ảnh: TIME)
Các chuyên gia chỉ ra rằng trong quá trình chuyển đổi từ thực tập sinh lên thành thần tượng nổi tiếng, khả năng xảy ra tranh chấp do hoàn cảnh thay đổi là vô cùng cao. Do đó, các điều khoản hợp đồng độc quyền dành cho nghệ sĩ cũng cần được thay đổi và cải thiện theo thời gian.
Theo nhà phê bình văn hóa Jeong Deok Hyeon, trong giai đoạn thực tập sinh chuẩn bị ra mắt với tư cách thần tượng, họ có thể chấp nhận ký hợp đồng dài hạn lên đến 12 - 13 năm vì phụ thuộc nhiều vào công ty quản lý. Tuy nhiên, khi nghệ sĩ đã đạt được vị trí nhất định và sở hữu lượng người hâm mộ đông đảo (như trường hợp của EXO), việc chấm dứt hợp đồng hay rời công ty không ảnh hưởng lớn đến sự nghiệp hay danh tiếng hiện tại của họ. Ngược lại, đối với công ty, việc mất đi “con ngỗng vàng” sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động kinh doanh cũng như hình ảnh và uy tín của họ trong làng giải trí đầy cạnh tranh như Kpop.
"Sự công bằng trong kinh doanh là rất quan trọng", nhà phê bình văn hóa giải thích, "Thành công của nghệ sĩ cần được đền đáp xứng đáng. Nếu tình trạng này không được giải quyết, họ chỉ có thể cải thiện tình hình bằng cách rời công ty và theo đuổi hoạt động solo".
Trên thực tế, nghệ sĩ và công ty quản lý có mối quan hệ cộng sinh. Chúng tồn tại và phát triển dựa trên lợi ích mà mỗi bên mang lại. Thành công được tạo ra thông qua sự tin tưởng và tôn trọng lẫn nhau. Đây được cho là một trong những công thức góp phần làm nên kỳ tích của BTS. Sự nghiệp đáng nể của nhóm có được không chỉ nhờ tài năng, sức hút riêng của từng thành viên mà một phần còn nhờ Big Hit Entertainment - công ty quản lý đã hỗ trợ, đồng hành cùng BTS trong suốt chặng đường 13 năm và vẫn tiếp tục gắn kết chặt chẽ trong suốt chặng đường dài sắp tới.