Sáng 27/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp trực tuyến để ứng phó khẩn cấp với bão số 4 (Noru). Cuộc họp được kết nối trực tiếp đến trụ sở UBND 8 tỉnh (Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Gia Lai, Kon Tum) và 88 quận, huyện, thị xã; 1.155 xã, phường, thị trấn chịu ảnh hưởng của bão.

"Thời gian không còn nhiều" trước bão lớn

Phát biểu tại cuộc họp, Thủ tướng nêu rõ, cơn bão số 4 diễn biến phức tạp, tăng 2 cấp so với hôm qua, cường độ mạnh, di chuyển nhanh trong khi khả năng ứng phó còn có những hạn chế.

Thủ tướng nhất trí với quan điểm công tác phòng chống bão phải chuẩn bị sẵn sàng cho tình huống “cao hơn 1 cấp” để có sự chủ động chuẩn bị, nếu chuẩn bị tốt khi cơn bão đổ bộ với cường độ mạnh hơn dự kiến thì vẫn bảo đảm an toàn, ngược lại nếu bão đổ bộ mạnh hơn dự kiến mà không chuẩn bị tốt thì thiệt hại sẽ lớn.

Họp khẩn ứng phó bão Noru, Thủ tướng yêu cầu cương quyết di dời người dân ra khỏi nơi nguy hiểm - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại cuộc họp.

Thủ tướng hoan nghênh tinh thần của các tỉnh, thành phố, các thành viên Ban Chỉ đạo. Tuy vậy, Thủ tướng cũng lưu ý tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác trong bất cứ hoàn cảnh nào, dù thời tiết thế nào, như khi trước bão thì có thể trời quang, mây tạnh. Đồng thời cũng không để bị động, bất ngờ, gây thiệt hại tính mạng và tài sản người dân, không hốt hoảng, lo sợ, mất bình tĩnh.

Thủ tướng nhấn mạnh, cần tập trung chỉ đạo khẩn trương, quyết liệt nhất, đặt mục tiêu bảo đảm an toàn, tính mạng người dân lên trên hết, trước hết. Vừa phòng tốt, vừa chống đỡ có hiệu quả với phương châm "4 tại chỗ"; chuẩn bị tốt nhất để kịp thời ứng phó diễn biến xấu có thể xảy ra, hạn chế thấp nhất thiệt hại.

Mục tiêu cao nhất là bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân, đặc biệt là bảo vệ tính mạng người dân, cương quyết di dời người dân ra khỏi nơi nguy hiểm; trong đó hết sức chú ý bảo vệ các đối tượng yếu thế, học sinh, người già, phụ nữ mang thai, trẻ em, người tàn tật, khách du lịch phải ở lại do bão…

Thời gian không còn nhiều, Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành, địa phương liên quan từ tỉnh tới cấp huyện, cấp xã phải rà soát lại và tiếp tục triển khai ngay các công việc. Bộ Tài nguyên và Môi trường theo dõi chặt chẽ diễn biến thiên tai, dự báo chính xác nhất có thể, cung cấp thông tin kịp thời cho các cơ quan, người dân.

Các địa phương huy động cả hệ thống chính trị, đình hoãn các cuộc họp không cấp bách để tập trung chỉ đạo ứng phó bão; phân công các đồng chí trong đảng ủy, thường vụ đảng ủy xuống kiểm tra, chỉ đạo, đôn đốc các địa phương trọng điểm, ứng trực, chỉ đạo ứng phó tại cơ sở.

Họp khẩn ứng phó bão Noru, Thủ tướng yêu cầu cương quyết di dời người dân ra khỏi nơi nguy hiểm - Ảnh 2.

Thủ tướng yêu cầu cương quyết di dời người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm

Hoàn thành việc di dời người dân trước khi bão đổ bộ

Thủ tướng yêu cầu cương quyết di dời người dân khỏi vùng nguy hiểm, nhất là trên lồng bè, ven biển, cửa sông, nhà yếu không bảo đảm an toàn, nơi nguy cơ cao sạt lở đất, lũ quét, ngập sâu. Việc sơ tán dân, nhất là vùng ven biển phải hoàn thành sớm nhất, trước khi bão đổ bộ.

Các địa phương, các lực lượng chức năng như công an, quân đội bố trí lực lượng bảo đảm an ninh, an toàn để người dân yên tâm sơ tán, bố trí lương thực, thực phẩm, nước uống, nhu yếu phẩm, chuẩn bị y tế cho người dân.

Các bộ ngành triển khai các nhiệm vụ theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao; nhất là bảo đảm an toàn, tính mạng cho người dân, an toàn hồ đập, các công trình sản xuất, dịch vụ, dầu khí trên biển…

Lực lượng vũ trang chủ động triển khai lực lượng, trang thiết bị hỗ trợ các địa phương ứng phó bão. Các cơ quan báo chí – truyền thông phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường tuyên truyền về ứng phó bão, nhất là các kỹ năng ứng phó bão, bằng mọi biện pháp có thể để thông tin nhanh nhất về thiên tai tới người dân.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết sau khi kiểm tra, ông nhận định các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi và Đà Nẵng đã nghiêm túc triển khai công tác phòng chống bão; chúng ta có thể tương đối yên tâm với công tác bảo đảm an toàn hồ đập.

Bộ trưởng đề nghị nhấn mạnh quan điểm “không hối tiếc” khi ứng phó cơn bão này bởi mọi sự thiệt hại về tính mạng và tài sản có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Trên biển còn 9 tàu đang di chuyển về phía Nam vào nơi an toàn, nhưng 3 tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định phải quyết liệt, tích cực hơn bởi không loại trừ khả năng bà con sẽ đánh bắt khi thấy cá nhiều do bão.

Tổ chức bắn pháo hiệu bão tại 33 điểm

Thông tin về tình hình của bão, ông Trần Hồng Thái, Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, vào hồi 7h hôm nay (27/9), vị trí tâm bão ở khoảng 15,5 độ Vĩ Bắc; 112,1 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Nam quần đảo Hoàng Sa, cách đất liền khu vực Đà Nẵng-Quảng Ngãi khoảng 360km về phía Đông. Hiện bão mạnh cấp 14-15 (150-183km/giờ), giật trên cấp 17.

"Đây là cơn bão rất mạnh, di chuyển nhanh, hoàn lưu rộng. Vùng gió mạnh cấp 10 khoảng 300km, vùng có gió mạnh cấp 12 khoảng 100km xung quanh mắt bão. Các trung tâm dự báo bão quốc tế đều có chung nhận định bão số 4 có cường độ trên cấp 13, giật cấp 17 khi vào gần bờ biển miền Trung, trở thành cơn bão có cấp độ lớn nhất đổ bộ vào đất liền của nước ta từ trước đến nay", ông Trần Hồng Thái cho hay.

Họp khẩn ứng phó bão Noru, Thủ tướng yêu cầu cương quyết di dời người dân ra khỏi nơi nguy hiểm - Ảnh 3.

Ông Trần Hồng Thái, Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn, dự kiến bão sẽ đổ bộ vào các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định với gió cấp 12-13, giật cấp 14-15 vào rạng sáng 28/9, thời gian lưu bão ảnh hưởng đến đất liền khoảng 12 tiếng.

Phạm vi ảnh hưởng của bão số Noru rất rộng; 9/14 tỉnh thành phố miền Trung, chịu ảnh hưởng trực tiếp. Từ tối và đêm nay, ở đất liền bắt đầu chịu tác động của gió bão, thời gian nguy hiểm nhất của gió mạnh là từ đêm nay đến sáng mai.

Theo thông tin từ Bộ đội Biên phòng, hiện các tỉnh từ Thanh Hóa đến Bình Thuận đã tổ chức bắn pháo hiệu bão tại 33 điểm, phối hợp với địa phương, gia đình chủ tàu, thuyền trưởng thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 57.840 phương tiện/299.678 người biết diễn biến, hướng đi của bão để chủ động di chuyển, vòng tránh, thoát khỏi khu vực nguy hiểm

Đáng chú ý, hiện còn 18 tàu/164 lao động trong khu vực nguy hiểm (Quảng Nam có 9 tàu/100 lao động; Quảng Ngãi có 6 tàu/ lao động; Bình Định có 3 tàu/20 lao động). Các tàu đang di chuyển thoát khỏi khu vực nguy hiểm.