Hóc dị vật là một trong những tai nạn nguy hiểm nhất đối với trẻ nhỏ và không hề hiếm gặp trong cuộc sống hàng ngày. Có rất nhiều trẻ đã từng đứng trước ranh giới giữa sự sống và cái chết chỉ trong vài giây ngắn ngủi khi không may bị hóc dị vật.
Mới đây, cộng đồng mạng lại xôn xao về một đoạn clip bé gái bị hóc mẩu bút màu, cùng với đó là tiếng kêu cứu thảm thiết của người mẹ khiến ai xem cũng phải hốt hoảng theo.
Bé tím tái, lịm đi vì bị hóc mẩu bút màu
Được biết, chủ nhân của đoạn clip trên và cũng chính là mẹ của cháu bé là chị Kiều Trang (TikTok: @luukieutrang). Theo chị Trang chia sẻ, bé gái bị hóc là bé thứ 2 nhà chị, tên là Tuệ Nhi, con vừa tròn 2 tuổi. Chẳng là chị đang nấu cơm dưới bếp, trên phòng chỉ có hai anh em đang chơi với nhau, bé Tuệ Nhi vì sợ anh giành bút màu nên cho thẳng vào miệng. Trong lúc cô bé vừa khóc vừa chạy xuống mách mẹ thì không may nuốt luôn mẩu bút màu trong miệng.
Nghe tiếng khóc của con đang rất to bỗng nhiên im bặt nên chị Trang biết con đã bị hóc mẩu bút màu. Trong lúc hoảng loạn, chị chợt nhớ ra cách sơ cứu cho trẻ bị hóc nên đã bế dốc ngược bé lên, vỗ mạnh vào lưng, ôm con chạy ra ngoài kêu cứu.
“Lúc con hóc chỉ tầm khoảng 15 giây thôi, khi mình chạy lên đã thấy con nằm lịm, người tím tái rồi. Mình cố gắng bế chúc đầu con xuống thấp, vỗ mạnh vào lưng con. May mắn là khi bế bé chạy ra đến sân thì mẩu bút trong họng của con cũng rơi ra ngoài, con bắt đầu khóc được.” – Chị bàng hoàng kể lại tình huống lúc đó.
Dù đăng tải cách đây không lâu nhưng đoạn clip nhanh chóng thu hút rất đông sự quan tâm của cộng đồng mạng. Đa số ai cũng hoảng hốt khi chứng kiến cảnh tượng người mẹ bế sốc con nhỏ gào thét kêu cứu. Đồng thời nhiều người cũng thở phào nhẹ nhõm thì biết tin mẩu bút màu đã kịp thời rơi ra và bé đã thở được, an toàn.
“Sợ thật, con nhỏ không chú ý một chút là có chuyện ngay”, “may mà mẹ biết cách sơ cứu”, “tình huống này nguy hiểm vì nó diễn ra rất nhanh, sinh mạng của con đúng là chỉ tính bằng giây thôi các mẹ ạ, sợ quá. Những lúc thế này phải thật bình tĩnh để cứu con”, "nghe tiếng mẹ thét lên kêu cứu mình cảm thấy tình mẫu tử thật thiêng liêng, hành động của mẹ thật tuyệt vời"… - Là một số bình luận của cư dân mạng.
Tâm sự thêm với chúng tôi, chị Trang nói: “Bài học mình rút ra là phải luôn để ý đến các con trong mọi trường hợp. Đặc biệt là Tết đang đến rất gần, không chỉ đồ chơi, bánh kẹo cũng đều là những món tiềm ẩn nhiều nguy hiểm cho bé. Ngoài ra, mình thấy các bố mẹ cũng nên đọc, nghiên cứu các tài liệu hướng dẫn xử lý hóc cho trẻ. Vì trong tình huống này, chúng ta chỉ có 4 phút để cứu con thôi, đến bệnh viện chắc chắn là đã muộn.”
Trẻ con hóc đồ ăn, dị vật, kẹo,… là những tình huống dễ xảy ra trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày, nhưng mức độ nguy hiểm của nó lại vô cùng nghiêm trọng, thậm chí có thể rơi vào tình huống xấu nhất là mất đi sinh mạng. Vì vậy, bất kể bố mẹ nào cũng nên trông con cẩn thận, thường xuyên chú ý quan sát trẻ để khi con gặp những tình huống nguy hiểm còn có thể kịp thời sơ cứu.
Cách sơ cứu nhanh khi trẻ bị hóc dị vật:
- Khi trẻ bị hóc dị vật, cha mẹ tuyệt đối không dùng tay móc họng trẻ. Điều này trong nhiều trường hợp sẽ khiến dị vật đi vào sâu hơn, trầy xước họng, gây sưng tấy, trẻ càng khó thở hơn.
- Nếu trẻ vẫn tỉnh táo, hồng hào, không khó thở, vẫn khóc được nói được thì giữ nguyên tư thế ngồi, nhanh chóng mang đến bệnh viện để bác sĩ kiểm tra, nếu đúng dị vật đường thở sẽ được lấy ra.
- Nếu trẻ có biểu hiện tím tái, khó thở nặng, ngưng thở, không khóc được, không nói được thì sau khi gọi xe cấp cứu, bố mẹ cần phải tiến hành thủ thuật Heimlich để can thiệp kịp thời trong thời gian đợi xe tới. Thủ thuật này được thực hiện như sau:
- Đặt trẻ nằm sấp dọc theo cẳng tay, dùng gót của bàn tay thuận đập vào lưng trẻ (chỗ giữa hai xương vai) khoảng 5 lần liên tục. Lực đập cần chắc chắn.
- Sau 5 lần đập lưng mà chưa thấy dị vật văng ra, đường thở chưa được thông, tiếp tục đặt trẻ nằm ngửa trên mặt phẳng an toàn, dùng 2 ngón tay giữa ấn thẳng 1 góc 90 độ vào giữa xương ức (xương to giữa ngực trẻ). Động tác này cũng thực hiện 5 lần.
- Sau khi thực hiện sơ cứu như trên mà chưa loại bỏ được dị vật khỏi đường thở của trẻ, cần tiếp tục lặp lại các động tác sơ cứu trên trong khi chờ xe cấp cứu đến.